Địa phương có đại dự án 340.000 tỷ sắp lên thành phố: Hệ thống giao thông đồ sộ với 5 cao tốc trăm nghìn tỷ
Bên cạnh đại công trình gần 340.000 tỷ đang được triển khai, địa phương này đang sở hữu nhiều dự án cao tốc khác, góp phần nâng cấp hệ thống giao thông nơi đây.
Bên cạnh đại công trình gần 340.000 tỷ đang được triển khai, địa phương này đang sở hữu nhiều dự án cao tốc khác, góp phần nâng cấp hệ thống giao thông nơi đây.
Sân bay quốc tế Long Thành là dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, được kỳ vọng sẽ trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho khu vực phía Nam noi chung trong tương lai. Dự án sân bay quốc tế Long Thành nằm trên địa phận huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai và được trải dài trên 6 xã Long An, Bình Sơn, Cẩm Đường, Suối Trầu, Bàu Cạn, Long Phước với tổng diện tích 5.000ha. Tổng mức đầu tư cho toàn dự án là 16 tỷ USD (khoảng gần 340.000 tỷ đồng), trong đó 34% số vốn sẽ được sử dụng trong giai đoạn 1.
Để kết nối giữa sân bay Long Thành tới các địa phương khác trong khu vực, hệ thống giao thông đường bộ quanh huyện Long Thành và tỉnh Đồng Nai đang được đầu tư xây mới, nâng cấp. Trong số đó có 5 tuyến cao tốc kết nối trực tiếp với sân bay Long Thành với tổng vốn đầu tư xây dựng cho các dự án này lên đén 127.000 tỷ đồng. 5 cao tốc đó là: TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây, Long Thành - Bến Lức, Dầu Giây - Phan Thiết, Dầu Giây - Đà Lạt, Biên Hòa - Vũng Tàu.
Cao tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây, tuyến cao tốc đã được đi vào thông xe năm 2015 và trở thành con đường quan trọng giúp kết nối TP. HCM với các tỉnh Đông Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Cao tốc có tổng vốn đầu tư 20.600 tỷ đồng với quy mô 4 làn xe, tổng chiều dài là 55km.
Cao tốc Long Thành - Bến Lức dài 57,8km, đi qua các tỉnh thành Long An (2,7km), TP. HCM (26,4km) và Đồng Nai (28,7km) với tổng mức đầu tư lên tới 31.320 tỷ đồng. Theo kế hoạch, dự án sẽ hoàn thành trong quý III/2023.
Cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết khởi công tháng 9/2020 với tổng mức đầu tư hơn 12.500 tỷ đồng, đưa khai thác từ 29/4. Tuyến cao tốc có tổng chiều dài là 99km, điểm đầu nối với cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết tại huyện Hàm Thuận Nam và điểm cuối ở nút giao cao tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây ở huyện Thống Nhất, Đồng Nai.
Cao tốc Dầu Giây – Liên Khương dài hơn 220km từ thị trấn Dầu Giây (huyện Thống Nhất, Đồng Nai) đến đầu đường cao tốc Liên Khương - Đà Lạt (huyện Đức Trọng, Lâm Đồng). Dự án được chia làm 3 dự án thành phần gồm: Dầu Giây – Tân Phú, Tân Phú – Bảo Lộc và Bảo Lộc – Liên Khương. Dự kiến các dự án thành phần sẽ được khởi công trong năm 2024, trong đó, đoạn Dầu Giây – Tân Phú tổng vốn đầu tư 8.776 tỷ đồng, Tân Phú – Bảo Lộc tổng vốn 17.200 tỷ đồng và Bảo Lộc – Liên Khương tổng vốn 19.521 tỷ đồng.
Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu có tổng chiều dài 53,7km đi qua tỉnh Đồng Nai (34,2km) và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (19,5km). Quy mô đường cao tốc với vận tốc thiết kế 100km/h, quy mô mặt cắt ngang giai đoạn 1 từ 4-6 làn xe theo từng đoạn, giai đoạn hoàn thiện mở rộng bảo đảm quy mô 6-8 làn xe. Tổng mức đầu tư dự án gần 18.000 tỷ đồng, gồm 3 dự án thành phần. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2022, cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác từ năm 2026.
Tháng 7/2023, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành Công văn số 6848/UBND-THNC về việc xin ý kiến các Bộ ngành Trung ương và địa phương lân cận đối với quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, tỉnh Đồng Nai đến năm 2023 sẽ có 30 đô thị.
Trong đó, cùng với TP. Biên Hòa sẽ là đô thị loại 1 - thành phố trực thuộc Trung ương thì 2 đô thị loại 3 gồm huyện Long Thành được định hướng lên thành phố trước năm 2030 và huyện Trảng Bom được định hướng lên thị xã trước năm 2030.
Hiện nay, huyện Long Thành đã đạt 33/59 tiêu chí của một đô thị. Các tiêu chí còn lại, cố gắng phấn đấu để có thể đến năm 2025, Long Thành trở thành thành phố. Với mục tiêu này, Long Thành sẽ bỏ qua bước từ huyện lên thị xã mà tiến thẳng lên thành phố.
Cũng theo dự thảo Nhiệm vụ quy hoạch chung, đô thị Long Thành được định hướng trở thành một đô thị có môi trường trong lành, đáng sống mang tầm quốc tế, quốc gia. Đây sẽ là đầu mối giao thông đường bộ, đường sắt, có khả năng lưu thông vận tải hàng hóa cao và thuận tiện kết nối giữa vùng Đông Nam Bộ và Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, đồng thời là vùng có vị trí quan trọng về chính trị, an ninh, quốc phòng của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.