Doanh nghiệp thép đang đặt kế hoạch kinh doanh ra sao?

Doanh nghiệp thép là nhóm ngành hưởng lợi từ việc thiếu hụt nguồn cung và giá thép toàn cầu tăng trong những tháng đầu năm 2022. Tuy nhiên, doanh nghiệp thép vẫn lên kế hoạch đi lùi.

doanh nghiệp thép

Tập đoàn Hòa Phát

Năm 2021 là một năm ghi nhận lợi nhuận đột biến đối với các doanh nghiệp ngành thép. Kể từ quý IV năm 2020, các công ty đều tăng trưởng nhanh chóng khi lợi nhuận sau thuế trong quý đầu năm của HPG tăng gấp 3 lần, HSG tăng gấp 5 lần và NKG tăng gấp 7 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, nếu phân tích kỹ lợi nhuận các doanh nghiệp trong ngành, có thể thấy sau khi lên đỉnh lợi nhuận vào quý II/2021, lợi nhuận các doanh nghiệp thép đã có dấu hiệu hụt hơi. Chẳng hạn, trong quý III, lợi nhuận của Tập đoàn Hoa Sen đã giảm 45% so với quý II còn 940 tỷ, thép Nam Kim cũng giảm 28% xuống 607 tỷ đồng.

Sang đến quý IV/2021, các công ty thép tiếp tục ghi nhận lợi nhuận sụt giảm so với quý trước đó. Hòa Phát lợi nhuận giảm 29% xuống 7.400 tỷ, Hoa Sen giảm 32%, và Nam Kim cũng giảm 26%.

Những diễn biến đó khiến giới phân tích đánh giá khả năng tăng trưởng của ngành thép trong năm 2022 không thực sự lạc quan.

Chẳng hạn, CTCK Maybank KimEng(MBKE) đưa ra góc nhìn trung lập đối với ngành thép trong năm 2022. Theo đó, sau một năm 2021 rực rỡ, các doanh nghiệp thép đang phải đối mặt với những thách thức từ việc giá bán giảm.

Đặc biệt, cuối tháng 2/2022 xung đột Nga - Ukraine nổ ra, ngành thép được nhận định hưởng lợi lớn từ việc thiếu hụt nguồn cung và giá thép toàn cầu tăng. Thế nhưng nhiều doanh nghiệp thép vẫn xây dựng kế hoạch kinh doanh năm 2022 khá thận trọng.

Doanh nghiệp thép đang đặt kế hoạch kinh doanh ra sao? - Ảnh 1

Doanh nghiệp thép lên kế hoạch kinh doanh đi lùi

Mới đây nhất, Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên (Tisco, mã: TIS) lên kế hoạch kinh doanh 2022 với tổng doanh thu đạt 20.105 tỷ đồng, tăng 56% so với mức thực hiện năm 2021. Giá trị sản xuất công nghiệp dự kiến đạt 13.811 tỷ đồng, tăng 6,5%. Ngược lại, lợi nhuận trước thuế mục tiêu của Tisco giảm mạnh ở mức 42%, dự kiến ghi nhận 90 tỷ đồng.

CTCP Ðầu tư Thương mại SMC (Mã: SMC) cũng dự kiến mức doanh thu thuần hợp nhất năm 2022 đạt 20.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 300 tỷ đồng, giảm 6,1% và giảm 66,7% so với năm 2021. Tổng sản lượng tiêu thụ thép kế hoạch đạt 1,25 triệu tấn, giảm 2,9% so với cùng kỳ.

Tương tự, dự báo giá thép quay đầu giảm và cạnh tranh gay gắt hơn, CTCP Thép Vicasa - Vnsteel (mã: VCA) đặt kế hoạch lợi nhuận năm 2022 giảm gần 55% so với năm 2021, ở mức 16,56 tỷ đồng.

Trên thực tế, hoạt động kinh doanh của Thép Vicasa - Vnsteel đã bắt đầu đi xuống từ quý 3/2021, khi kinh tế Việt Nam bị phong tỏa vì biến chủng Delta và giá thép có xu hướng đảo chiều.

Doanh nghiệp thép đang đặt kế hoạch kinh doanh ra sao? - Ảnh 2
Nguồn: Tài liệu họp ĐHĐCĐ năm 2022 của VCA.

Cũng ‘dè chừng’ với kế hoạch kinh doanhnăm 2022, CTCP Thép Thủ Đức - Vnsteel (mã: TDS) dự kiến lợi nhuận trước thuế năm 2022 chỉ ở mức 24,3 tỷ đồng, chưa bằng một nửa con số thực hiện năm ngoái. Năm 2021, Vnsteel đạt 56,1 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.

 

Lãnh đạo TDS cho biết, thị trường thép năm 2022 dự báo sẽ có nhiều thách thức và nhận định vẫn khó khăn và có thể biến động tăng/giảm nhẹ theo giá thế giới. Các nhà phân phối thận trọng tích trữ hàng tồn kho, do nhu cầu yếu, cạnh tranh mạnh giữa các thương hiệu về giá để giành thị phần, do vậy tiêu thụ thép thành phẩm sẽ gặp khó khăn.

Chưa kể, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 cộng thêm thị trường bất động sản vẫn còn khá trầm lắng, thanh khoản thấp, tỷ giá ngoại tệ biến động mạnh… cũng ảnh hưởng đến đầu ra cho thép xây dựng.

Tương tự, Tập đoàn Hoa Sen (mã: HSG) cũng công bố kế hoạch kinh doanh năm 2022 thận trọng hơn.

Cụ thể, trong niên độ tài chính 2021-2022, Hội đồng quản trị CTCP Tập đoàn Hoa Sen đặt mục tiêu sản lượng tiêu thụ đạt 2 triệu tấn, doanh thu đạt 46.399 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế từ 1.500 – 2.500 tỷ đồng phụ thuộc vào diễn biến giá nguyên liệu đầu vào.

Cả ba chỉ tiêu này đều thấp hơn so với kết quả đạt được trong năm 2021, mức giảm lần lượt là 11% đối với sản lượng tiêu thụ, 5% đối với doanh thu và giảm từ 42-65% đối với chỉ tiêu lợi nhuận.

Doanh nghiệp thép đang đặt kế hoạch kinh doanh ra sao? - Ảnh 3
Nguồn: Tập đoàn Hoa Sen.

Lãnh đạo Tập đoàn Hoa Sen nhận định, trong năm 2022 sản lượng tiêu thụ trong nước có thể tăng nhẹ, do nhu cầu hồi phục. Mặt bằng giá thép được dự báo tiếp tục neo ở mức cao, ít nhất trong nửa đầu năm 2022, do nhiều dự án bất động sản sẽ được nhanh chóng triển khai sau khoảng thời gian dài bị hoãn trong năm 2021 do dịch bệnh.

Tuy nhiên, sản lượng xuất khẩu thép được dự báo sẽ chững lại do chuỗi cung ứng toàn cầu hồi phục, các quốc gia sẽ gia tăng chính sách bảo hộ đối với thép nhập khẩu. Giá thép sẽ được điều chỉnh ổn định dần từ nửa cuối năm 2022 khi tình trạng đứt gãy nguồn cung được giải quyết, tình trạng dư cung có thể xảy ra khi các nhà máy thép gia tăng sản lượng sản xuất để giải quyết bài toán thiếu hụt sản phẩm.

Do đó, giá HRC dự báo giảm 11,5%; các công ty thép có thể không được hưởng lợi đáng kể từ hàng tồn kho giá rẻ trong năm 2022 như với năm 2021, biên lợi nhuận từ kênh xuất khẩu có khả năng giảm từ mức cao trong năm 2022.

Bên cạnh đó, giá nguyên liệu đầu vào đã và đang biến động rất khó lường, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến kế hoạch sản xuất kinh doanh không chỉ tiêng của Hoa Sen mà còn tác động mạnh đến hầu hết các doanh nghiệp cùng ngành.

“Ông lớn” Tập đoàn Hòa Phát vừa lên lịch tổ chức đại hội cổ đông 2022 vào ngày 19/4 tới đây. Tuy chưa công bố kế hoạch kinh doanh năm 2022 song Công ty Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HSC) dự báo, doanh thu thuần năm 2022 của Hòa Phát có thể đạt 164.773 tỷ đồng và lợi nhuận thuần 31.815 tỷ đồng, lần lượt tăng 10% và giảm 7,7% so với năm ngoái.

Ở chiều ngược lại, sau năm lỗ nặng, CTCP Thép Việt Ý (VIS) ra chỉ tiêu năm 2022 với doanh thu ở mức 6.860 tỷ đồng; lãi trước thuế đạt 3,15 tỷ đồng. VIS dự kiến sản xuất 391,3 tấn phôi và 340,3 tấn thép.

Hoàng Long

Theo Sở hữu trí tuệ