Doanh nhân Mai Hữu Tín trải lòng về hành trình kinh doanh cùng Unigroup
“25 năm đã qua của Unigroup là một hành trình thật đẹp của một lớp người trẻ khởi đầu chỉ với niềm tin và quyết tâm thoát đói nghèo, tích lũy kiến thức, tìm cách hiểu biết về chính mình cũng như thế giới bên ngoài. Hành trình đó của chúng tôi cũng là hành trình của hầu hết doanh nhân khác trong cùng thế hệ. Một thế hệ không hề biết sợ hãi”, ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch HĐQT Unigroup cho biết.
Trong buổi lễ kỷ niệm 25 ngày thành lập của Công ty Cổ phần Đầu tư U&I (Unigroup), Chủ tịch HĐQT Mai Hữu Tín đã chia sẻ về quá trình hình thành và phát triển của Unigroup cũng như câu chuyện kinh doanh của cá nhân ông. Điều cảm động nhất sau những lời giãi bày ấy chính là tấm lòng, trái tim của một doanh nhân Việt luôn đau đáu về đất nước, trăn trở về trọng trách của mình với dân tộc.
Ông Mai Hữu Tín cho biết, câu chuyện của Unigroup là câu chuyện của thế hệ lãnh đạo đầu tiên nay tóc đều đã hoa râm và thế hệ thứ hai đang dần tiếp bước. Câu chuyện đó thật dài với vô vàn biến cố, đổi thay, xoay chuyển và trăn trở.
Ông chia sẻ, mình thuộc thế hệ người Việt đầu tiên có may mắn được làm kinh doanh quốc tế sau năm 1975 và chính sự khác biệt về phong cách, hình thức, kiến thức quốc tế giữa ông và các khách hàng đến từ các nước phát triển vô tình đã tạo trong ông một mơ ước cháy bỏng “phải học để bằng được họ”.
Và sau 10 năm liên tục học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, đến ngày 15/4/1998, Unigroup đã được ra đời với số vốn ban đầu là 200 triệu đồng. Chủ tịch HĐQT Unigroup kể lại, ban đầu công ty chuyên tư vấn thủ tục và khai thuế hải quan và nhanh chóng phát triển lớn mạnh. Chỉ sau 5 năm, Unigroup đầu tư vào một loạt các ngành nghề khác như thực phẩm Dân Ôn, nhà hàng Phở 24, nội thất Việt, Chứng khoán Trí Việt, Quản lý quỹ Hùng Việt, hoa viên nghĩa trang Bình Dương và vào sản xuất như gốm Tín Mỹ, bồn nước Toàn Mỹ, MDF Việt Nam, da Greentech, giày Osco, gỗ Thiên Nhiên Việt, nhà tre Bamboo Hardwoods, nông nghiệp U&I…
Cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 gây ra không ít khó khăn cho Unigroup nhưng ông Mai Hữu Tín không nhụt chí, sau khi ổn định trở lại, công ty tiếp tục đầu tư vào Giấy Sài Gòn, Thực phẩm Cam Ranh, Dược phẩm ICA, Thực phẩm Lê Công, Kiến trúc Nhà Vui, Nội thất Hoàng Gia, khách sạn Marriott, Protrade và đặc biệt là Gỗ Trường Thành.
“Cũng từ Gỗ Trường Thành mà chúng tôi có chiến lược đầu tư rõ ràng hơn và có cảm hứng đầu tư vào những việc khó hơn, thú vị hơn với mục tiêu là đặt tên Việt Nam lên bản đồ thế giới ở những ngành nghề cần nhiều trí tuệ hơn”, ông Mai Hữu Tín cho biết.
Trong bài phát biểu, doanh nhân Mai Hữu Tín cũng chia sẻ động lực chính khiến ông liên tục đầu tư và phát triển như vậy là do “trong kinh doanh, tăng trưởng là yếu tố được quan tâm đầu tiên. Không tăng trưởng có nghĩa là chịu chết. Chúng tôi đã tăng trưởng ở mức bình quân 56% hàng năm trong 25 năm qua. Và chúng tôi vẫn cho rằng mình chưa làm hết sức mình. Chúng tôi vẫn luôn giữ trong đầu và trong tim mình sự phấn khích và nhiệt tình của những doanh nhân mới khởi nghiệp: Sẵn sàng học hỏi, sẵn sàng dấn thân và… sẵn sàng sửa bài làm lại”.
Nói về tương lai sắp tới của Unigroup, Chủ tịch Mai Hữu Tín hào hứng: “Chúng tôi hình dung về một tương lai tươi sáng hơn, mạnh mẽ hơn với vị thế to lớn hơn cho đất nước mà tất cả chúng ta yêu quý và sẵn sàng hy sinh để bảo vệ. Với dân số đứng hàng thứ 15 thế giới và với tốc độ tăng trưởng mà tiềm năng của chúng ta cho phép đạt được, việc Việt Nam lọt vào top 20 các nền kinh tế lớn nhất thế giới chỉ là vấn đề thời gian, nhanh hay chậm là do chính chúng ta.
Nếu chúng ta tạo được mức tăng năng suất liên tục ít nhất 5% hàng năm, bảo đảm được tính bền vững cả về môi trường và xã hội, tiếp cận được với năng lực quản trị chung của thế giới phát triển trong cả hai khu vực công và tư, thì cơ may cho Việt Nam trở thành một thế lực được tôn trọng trong thế giới này, tham gia vào việc định hình trật tự thế giới và cách thức mà thế giới vận hành, đang rất rõ ràng. Khát vọng đó không phải là mơ ước viễn vông mà là một hiện thực hoàn toàn nằm trong tay chúng ta, của chính chúng ta. Unigroup sẽ đóng góp phần xứng đáng của mình trong nỗ lực đó, trong khát vọng đó”.
Ngoài ra, ông Mai Hữu Tín cũng chia sẻ thêm, từ năm 2010, ông và vợ đã công bố lập Quỹ gia đình Từ Mai bằng 80% tài sản của mình để thực hiện các mục tiêu xã hội, trong đó có việc đầu tư và phát triển Vovinam.
Bên cạnh việc phát triển môn phái Vovinam, ông còn dành rất nhiều thời gian trao đổi với doanh nhân trẻ về cách thức phát triển và quản trị doanh nghiệp hiệu quả. “Tôi tham gia vào Hội đồng Tư vấn Quốc tế của Đại học Quản trị Singapore (SMU) và mới đây là tham gia vào Hội đồng trường Đại học Thủ Dầu Một, bởi từ trải nghiệm của cá nhân mình qua 35 năm làm kinh doanh, tôi ý thức rất rõ rằng tri thức đúng có thể tạo ra sự tiến bộ to lớn ra sao với sự phát triển của cá nhân, gia đình, cộng đồng, và xã hội. Các quan hệ và tri thức mà tôi đã, đang và sẽ tích lũy có thể phục vụ hiệu quả cho việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là nhân lực về quản trị”, ông Mai Hữu Tín nói.
Nhìn lại chặng đường 1/4 thế kỷ đã qua, doanh nhân Mai Hữu Tín cũng gửi lời cảm ơn sâu sắc đến gia đình, đồng nghiệp, cộng đồng doanh nhân trong và ngoài nước, đất nước Việt Nam và đặc biệt là vùng đất Bình Dương, nơi ông được sinh ra, lớn lên và làm kinh doanh; nơi có những lãnh đạo đã cùng nhau biến một tỉnh nghèo không sân bay, không cảng biển, không biên giới, thành địa phương có quy mô nền kinh tế đứng thứ ba Việt Nam.