Đối tác Mỹ phá sản,May Sông Hồng ước thu được 1/3 nợ

Khoản phải thu từ New York & Company là 218, 018 tỷ đồng, tuy nhiên May Sông Hồng tính toán giá trị có thể thu hồi chỉ là 64,483 tỷ đồng.

Công ty CP May Sông Hồng (mã chứng khoán MSH) vừa có văn bản gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM giải trình về số liệu kết quả hoạt động kinh doanh tại Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh Báo cáo tài chính năm 2020 chênh lệch với Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh trên Báo cáo tài chính năm 2019 từ 10% trở lên.

Theo đó, doanh thulợi thuận quý IV năm 2020 của MSH đều giảm hơn so với cùng kỳ là do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các hợp đồng và đơn hàng FOB của khách hàng thông báo tạm dừng xuất, hoặc hủy, công ty trích lập dự phòng phải thu khó đòi, dự phòng giảm giá hàng tồn kho. Việc này dẫn đến doanh thu và lợi nhuận trước thuế của công ty giảm tương ứng là 19% và 25%.

Đối tác Mỹ phá sản,May Sông Hồng ước thu được 1/3 nợ - Ảnh 1
Kết quả hoạt động kinh doanh của MSH tại Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh Báo cáo tài chính năm 2020 chênh lệch với Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh trên Báo cáo tài chính năm 2019

Cụ thể, doanh thu bán hàng của MSH đạt gần 848 tỷ đồng, giảm 19% cùng kỳ năm trước, cả năm 2020 doanh thu bán hàng đạt gần 3.818 tỷ đồng, giảm 13,5%.

Biên lợi nhuận gộp của MSH vẫn duy trì ở mức cao, quý 4/2020 đạt hơn 24%, tăng so với cùng kỳ 2019, cả năm 2020 đạt 19,7%.

Doanh thu tài chính tăng trong kỳ, đạt 23,5 tỷ đồng nhưng chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong tổng doanh thu.

Chi phí tài chính và chi phí bán hàng giảm mạnh so với cùng kỳ, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng gần gấp rưỡi, từ 61 tỷ quý 4/2019 lên hơn 103 tỷ vào cùng kỳ 2020. Luỹ kế cả năm, chi phí quản lý doanh nghiệp lên tới 376 tỷ đồng, tăng gần 60% so với năm trước.

Lợi nhuận trước thuế quý IV/2020 của May Sông Hồng đạt 82 tỷ đồng, giảm gần 25% cùng kỳ năm 2019, luỹ kế cả năm đạt 283 tỷ đồng, giảm 48%.

Lợi nhuận sau thuế quý IV đạt 66,4 tỷ đồng, cả năm đạt 232 tỷ đồng, giảm lần lượt 28,5% và 48,5% so với cùng kỳ 2019.

EPS năm 2020 đạt 4.635 đồng, giảm một nửa so với kết quả 2019.

Tại thời điểm 31/12/2020, tổng tài sản của MSH đạt hơn 2.627 tỷ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm. Tiền và các khoản tương đương tiền hơn 900 tỷ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm, vốn chủ sở hữu đạt 500 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối hơn 682 tỷ đồng.

Trong báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2020 công bố ngày 3/2, MSH cho biết, công ty này phải trích lập các khoản phải thu ngắn hạn khó đòi tổng cộng 181,717 tỷ đồng. Trong đó, trích lập khoản phải thu của New York & Company thông qua đối tác là Công ty TNHH Easy Fashion Macao Commercial Offshore 153,535 tỷ đồng. New York & Company là thành viên của hãng bán lẻ RTW Retalwinds - doanh nghiệp đệ đơn phá sản lên chính phủ Mỹ hồi giữa tháng 7/2020.

Theo MSH, tính đến ngày 31/12/2020 khoản phải thu từ New York & Company là 218,018 tỷ đồng, thế nhưng giá trị có thể thu hồi chỉ là 64,483 tỷ đồng, bằng khoảng 1/3 so với số nợ ban đầu.

Trong danh sách trích lập khoản phải thu ngắn hạn của MSH, còn có một đối tác ngoại khác là Tập đoàn Prime Apparel. Khoản nợ của Prime Apparel là 27,761 tỷ đồng, MSH xác định chưa thể thu hồi nên phải trích lập dự phòng toàn bộ khoản nợ này.

Trước đó, trao đổi với Đất Việt về tình trạng doanh nghiệp Việt gặp khó khăn khi đối tác ở Mỹ phá sản, chuyên gia kinh tế Bùi Ngọc Sơn (Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính trị thế giới) cho rằng, ở thời điểm khó khăn này, khi đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, doanh nghiệp nào dự phòng nhiều thì doanh nghiệp đó sống sót. Như trường hợp của MSH, việc trích lập dự phòng chắc chắn ảnh hưởng đến chỉ số tài chính của doanh nghiệp này nhưng theo chuyên gia, đây đã là một điều may mắn bởi ít ra doanh nghiệp có lợi nhuận để thực hiện việc trích lập này.

 Ths Nguyễn Bình Minh (Đại học Thương mại) thì cho rằng, dù doanh nghiệp trích lập dự phòng trước nhưng sẽ không ăn thua, thiệt hại của doanh nghiệp khi đối tác đệ đơn phá sản là không nhỏ.

"Lúc này khoản nợ của doanh nghiệp trở thành nợ khó đòi và nó có thể mất, khi ấy doanh nghiệp phải hạch toán nó thành một khoản lỗ. Trong kinh doanh, tình huống này là bất khả kháng. Điều quan trọng là doanh nghiệp Việt phải chẩn đoán trước tình hình tài chính của đối tác, ký hợp đồng trong hạn mức cho phép và phải thẩm định. Nhiều trường hợp, trong quá trình ký hai bên chưa cảm thấy tin tưởng nhau còn phải có một đơn vị tư vấn tài chính đứng ra kiểm tra", ông Minh cho biết.

 

Minh Thái

Theo Báo Đất Việt