Đón sóng nâng hạng: Khó thu hút 'cá mập' ngoại nếu thiếu cổ phiếu vốn hoá lớn
Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược Thị trường Công ty Chứng khoán VPBankS cho biết để xây dựng nền tảng vững chắc chuẩn bị cho việc nâng hạng thị trường, cần gia tăng hàng hóa chất lượng trên thị trường chứng khoán thông qua việc đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước, cùng với đó là hỗ trợ các doanh nghiệp tư nhân lên sàn.
Gia tăng hàng hoá trên TTCK
Tại tọa đàm “Thị trường chứng khoán: Xây nền – Tích lũy - Bứt tốc”, chuyên gia cho rằng để xây dựng nền tảng vững chắc chuẩn bị cho việc nâng hạng thị trường, một trong những vấn đề cần quan tâm là câu chuyện về hàng hoá trên thị trường chứng khoán, bao gồm số lượng và chất lượng.
Đầu tiên, về số lượng, ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược Thị trường Công ty Chứng khoán VPBankS đề xuất đẩy mạnh công tác thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước để tăng số lượng doanh nghiệp niêm yết, tăng số lượng hàng hoá trên sàn qua đó thu hút nhà đầu tư nước ngoài như ở giai đoạn 2016-2017.
Ở khối tư nhân, ông Sơn cho rằng phải hỗ trợ để các doanh nghiệp tư nhân lớn để họ có động lực niêm yết, hỗ trợ từ quá trình bắt đầu niêm yết cho đến khi mở rộng quy mô vốn, gia tăng quy mô tài sản và trở thành doanh nghiệp có vốn hoá lớn trên thị trường chứng khoán.
Về chất lượng, đại diện VPBankS cho rằng sức khỏe các doanh nghiệp niêm yết giai đoạn gần đây bị tác động khi liên tục phải đối mặt với môi trường kinh tế bất ổn, với chu kỳ kinh tế trở nên ngắn hơn chỉ khoảng 2 năm.
“Các doanh nghiệp có 2 năm phục hồi, sau đó lại đến 2 năm suy giảm, vừa được nới lỏng lãi suất tín dụng trong những năm Covid-19 đã lập tức phải đối mặt với nền lãi suất cao trở lại ở cả trong và ngoài nước, do đó ảnh hưởng tới sức khỏe doanh nghiệp”, ông Trần Hoàng Sơn cho biết
Để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, vị chuyên gia này cho rằng phải có những giải pháp căn cơ hơn, hỗ trợ về chi phí vốn, hỗ trợ với từng ngành nghề cụ thể để doanh nghiệp ứng phó được với biến động lớn từ quốc tế.
Cùng với đó, ông cho rằng Chính phủ cần có giải pháp hỗ trợ cho các doanh nghiệp midcap (quy mô vốn hoá vừa) có thể phát triển thành doanh nghiệp bigcap (vốn hoá lớn).
“Theo chúng tôi nghiên cứu, khoảng 10 năm thị trường mới xuất hiện 1 doanh nghiệp thuộc nhóm bigcap. Những cổ phiếu thuộc nhóm bigcap ở giai đoạn trước có thể kể đến như VNM, VRE, MWG, REE. Tuy nhiên trong những năm gần đây, sự xuất hiện của các doanh nghiệp vốn hoá lớn ngày càng ít đi”, ông Trần Hoàng Sơn cho biết.
Theo ông, để xây dựng 1 nền móng vững chắc cho thị trường chứng khoán, trước hết phải xây dựng được đội ngũ doanh nhân, tạo điều kiện cho đội ngũ doanh nhân này phát triển để có thêm doanh nghiệp lớn, trụ cột đất nước.
Các giải pháp cần đưa ra là hỗ trợ vốn, hỗ trợ công nghệ, hỗ trợ về chính sách. Đại diện VPBankS cho rằng phải có lộ trình thúc đẩy các doanh nghiệp midcap trở thành bigcap với các chương trình kéo dài 5 năm, 10 năm. Khi đó thị trường sẽ có 1 lớp doanh nghiệp mới, 1 lớp cổ phiếu mới, tạo mức nền vững chắc cho thị trường liên tục phát triển.
Nhóm ngành dẫn dắt năm 2024
Bà Phạm Huyền Trang, Giám đốc Phân tích cổ phiếu Trung tâm phân tích và tư vấn đầu tư Công ty Chứng khoán SSI cho biết năm 2024 được dự báo là năm đầu tiên đánh dấu giai đoạn phục hồi lợi nhuận của doanh nghiệp cũng như nền kinh tế. Theo đó, lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết dự kiến tăng 15-16% so với mức thực hiện năm 2023.
Sự tăng trưởng này sẽ kéo dài sang cả năm 2025. Tuy nhiên, sẽ có sự phân hoá giữa các nhóm ngành. Bà Phạm Huyền Trang cho biết những nhóm ngành đã tạo đáy trong năm 2023 dự kiến có sự tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2024. Bên cạnh đó, một số nhóm ngành sẽ có độ trễ nhất định như bất động sản, ngân hàng, trong đó ngành ngân hàng được kỳ vọng có mức tăng trưởng cao hơn ở năm 2025.
Những ngành sẽ đạt được tăng trưởng cao trong năm 2024 theo SSI là vật liệu xây dựng, thép, bán lẻ, xuất khẩu và chứng khoán. Những ngành được dự báo dẫn sóng trong 2 năm tới là thép, bán lẻ, chứng khoán, bất động sản khu công nghiệp.
Còn theo ông Trần Hoàng Sơn, số liệu thống kê thực tế cho thấy nhóm cổ phiếu dẫn dắt chính trong thời gian gần đây là ngân hàng – nhóm có vốn hoá lớn và có sức tác động lên các chỉ số chứng khoán. Theo đó, tỷ trọng giao dịch của các cổ phiếu ngân hàng chiếm 30% tổng thanh khoản trên thị trường.
Nhóm thứ 2 là các công ty chứng khoán – nhóm ngành luôn được các nhà đầu tư yêu thích trong năm 2023. Theo ông Sơn, đây sẽ là 1 trong những nhóm dẫn sóng của năm 2024 với câu chuyện lợi nhuận phục hồi và nâng hạng thị trường.
Thứ 3 là nhóm xây dựng và vật liệu xây dựng, bao gồm thép và xây dựng hạ tầng. Ngoài ra là 1 số nhóm nhỏ hơn như bất động sản khu công nghiệp, nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn bị khối ngoại bán ròng mạnh như SAB, MWG, GAS, VNM,…