Giải pháp để không bị sập bẫy lừa đảo qua cuộc gọi, tin nhắn, việc nhẹ lương cao
Thời gian gần đây, nhiều người vẫn “sập bẫy” các đối tượng lừa đảo qua các cuộc gọi, tin nhắn điện thoại, mạng xã hội. các đối tượng luôn biến hóa các chiêu thức (gửi các đường link giả mạo qua tin nhắn; mạo danh ngân hàng, nhà mạng và các cơ quan chức năng nhắn tin, gọi điện) thành những nội dung gửi cho người dùng để nhằm chiếm đoạt tài khoản ngân hàng.
Đơn cử như bạn đọc thông tin đến PV về việc nhận được tin nhắn ghi vấn là nội dung lừa đảo với nội dung như sau: "Tai khoan cua ban da dang ky chuong trinh quang cao tren TikTok, moi thang thu phi 3,600,000VND. Vui long vao https://scb.com.vn-as.club de kiem tra hoac de huy".
Thông tin về phản hồi của người dân, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) cho biết: Chúng tôi xác nhận SCB không gửi SMS như hình ảnh của Quý khách. Website chính thống của SCB là: www.scb.com.vn. Việc Khách hàng nhận được SMS mang tên SCB là do kẻ gian đã sử dụng thiết bị phát sóng công nghệ cao để phá sóng nhà mạng, tương tác với người dùng và gửi tin nhắn mạo danh SCB để phát tán tin nhắn chứa nội dung lừa đảo nhằm lừa Khách hàng truy cập đường link lạ để gây hại.
Theo đó, SCB khuyến cáo: Quý khách tuyệt đối không truy cập/nhập bất kỳ thông tin liên quan đến Ebanking, OTP vào đường link lạ để tránh thiệt hại về tài chính. Thông tin này đã được SCB cũng như nhiều ngân hàng và dịch vụ khác tại Việt Nam truyền thông trên các kênh đại chúng, Fanpage/Zalo, màn hình đăng nhập Ebanking,…để thông báo Khách hàng cảnh giác, đồng thời trình báo đến các Ban Ngành, Cơ quan Viễn thông và Cơ quan có thẩm quyền để phối hợp ngăn chặn.
Cũng trong thời gian qua, cũng có nhiều người dùng các nhà mạng điện thoại cũng nhận được nhiều tin nhắn lừa đảo. Những kẻ này đã giả tin nhắn giống hệt cách nhắn tin của ngân hàng, lập app giả cho vay tiền để nhử người dùng hoặc vờ chuyển tiền nhầm để lừa tiền của các chủ tài khoản.
Các tin nhắn mạo danh ngân hàng do đối tượng lừa đảo gửi đến người dùng.
Ngoài ra, theo thông tin từ các cơ quan chức năng, gần đây, những kẻ lừa đảo có thêm chiêu trò tuyển cộng tác viên bán hàng online. Kẻ xấu mạo danh nhân viên các sàn thương mại điện tử, như: Shopee, Lazada, Tiki, Tiktok shop… để tuyển cộng tác viên. Người bị hại được yêu cầu làm nhiệm vụ chuyển tiền thanh toán các đơn hàng để tăng tương tác, doanh số theo các đơn hàng mà kẻ lừa đảo gửi, hứa hẹn trả tiền công và lợi nhuận từ 10-30%/đơn hàng. Khi đơn hàng có giá trị nhỏ, kẻ lừa đảo chuyển lại tiền gốc và hoa hồng đầy đủ. Sau đó, yêu cầu người bị hại thanh toán nhiều đơn hàng giá trị lớn hơn, thanh toán liên tục để giữ doanh số rồi chiếm đoạt.
Để người dân chủ động phòng ngừa, không trở thành nạn nhân của tội phạm sử dụng công nghệ cao lừa đảo qua mạng, vừa qua, trong tháng 9, Công an TP Hà Nội đã nêu 7 thủ đoạn phạm tội để cảnh báo người dân.
Thứ nhất, các đối tượng giả mạo cơ quan công an, viện kiểm sát, toà án thông báo người bị hại liên quan đến một vụ án bất kỳ hoặc bị xử phạt nguội vi phạm giao thông và yêu cầu chuyển tiền để phục vụ điều tra, xử lý, bảm đảm.
Thủ đoạn thứ hai, các đối tượng giả mạo cán bộ ngân hàng yêu cầu cung cấp mật khẩu, mã pin hoặc thông tin thẻ tín dụng, thông tin công dân để xử lý sự cố liên quan đến các dịch vụ ngân hàng hoặc thẻ, gửi thư điện tử, tin nhắn có chứa đường dẫn truy cập vào website của dịch vụ chuyển tiền, nhận tiền từ nước ngoài, nhập thông tin đăng nhập tài khoản internet banking hoặc thông tin thẻ để nhận tiền.
Thực chất đây là các website giả mạo để lừa khách hàng cài đặt các phần mềm ứng dụng gián điệp, từ đó đánh cắp thông tin từ tin nhắn hoặc khi khách hàng đăng nhập website của ngân hàng.
Thủ đoạn thứ 3, thông qua mạng xã hội, Facebook, Zalo… các đối tượng giới thiệu là người nước ngoài, kết bạn, làm quen với các phụ nữ Việt Nam nhằm tán tỉnh, yêu đương rồi nói đã chuyển quà như trang sức, mỹ phẩm, và số lượng lớn ngoại tệ qua đường hàng không về Việt Nam để tặng.
Lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin của người dân, tiếp theo, đối tượng sẽ giả danh nhân viên sân bay yêu cầu nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng cho chúng để làm thủ tục nhận hàng nhằm thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Thủ đoạn thứ 4, đối tượng đánh cắp quyền truy cập các tài khoản mạng xã hội, sử dụng mạo danh chủ tài khoản nhắn tin đề nghị chuyển hộ tiền, vay tiền hoặc mua thẻ cào điện thoại gửi cho chúng.
Thủ đoạn thứ 5, tội phạm sử dụng thông tin cá nhân giả mạo đăng ký các tài khoản mạng xã hội Facebook, Zalo, sau đó tìm kiếm những người bán hàng trực tuyến trên mạng xã hội để kết bạn và nhắn tin mua hàng, sau khi người bán hàng đồng ý, các đối tượng yêu cầu gửi tài khoản ngân hàng có đăng ký dịch vụ internet banking, số điện thoại và thông tin của chủ tài khoản.
Sau khi nhận được thông tin, đối tượng sẽ sử dụng sim rác nhắn tin đến số điện thoại của chủ tài khoản với nội dung: “Tài khoản của bạn đã được cộng một số tiền, để nhận được tiền bạn hãy truy cập vào trang website có đường dẫn ở cuối tin nhắn và nhập đầy đủ thông tin như tên tài khoản, số tài khoản, mã OTP để hoàn tất thủ tục nhận tiền”.
Để chủ động phòng ngừa những dấu hiệu lừa đảo, Cơ quan cảnh sát điều tra khuyến cáo: mọi khoản vay, người dân nên liên hệ chi nhánh ngân hàng gần nhất nơi mình cư trú hoặc gọi đến số điện thoại của ngân hàng để được nhân viên hướng dẫn hoàn tất các thủ tục vay. Người dân tuyệt đối không làm thủ tục vay thông qua làm việc với người tự xưng là nhân viên ngân hàng trên fanpage Facebook, website, Zalo sử dụng hình ảnh logo, hình ảnh mạo danh ngân hàng.