Khai mở Amy Grupo, cơ nghiệp nghìn tỷ của đại gia Lương Văn Mỹ

Không chỉ nắm giữ phần lớn cổ phần và giữ chức Chủ tịch HĐQT tại Amy Grupo, ông Lương Văn Mỹ còn góp vốn thành lập hàng loạt doanh nghiệp khác, với hệ sinh thái lên tới hàng nghìn tỷ đồng.

Theo giới thiệu, Amy Grupo là tổ hợp công nghiệp trong lĩnh vực sản xuất và thương mại sản phẩm vật liệu xây dựng. Hiện tại, tỷ lệ xuất khẩu của doanh nghiệp chiếm gần 50%, chủ yếu vào thị trường Âu, Mỹ.

Năm 2024, Amy Grupo nằm trong top 500 doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam, top 50 doanh nghiệp tăng trưởng xuất sắc Việt Nam và top 5 công ty vật liệu xây dựng nhóm sản phẩm: gạch, đá ốp lát.

Bộ 3 khởi nghiệp: Lương Văn Mỹ, Đinh Quốc Tuấn và Trần Tuấn Đại
Bộ 3 khởi nghiệp: Lương Văn Mỹ, Đinh Quốc Tuấn và Trần Tuấn Đại

Công ty cổ phần Công nghiệp Á Mỹ (Amy Grupo) được thành lập vào tháng 9/2015, với ngành nghề kinh doanh chính là: "sản xuất vật liệu xây dựng từ đất sét", trụ sở hiện đóng tại lô 1, khu công nghiệp Thái Hòa - Liễn Sơn - Liên Hòa, thị trấn Hoa Sơn, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc.

Ban đầu, Công ty cổ phần công nghiệp Á Mỹ có vốn điều lệ là 40 tỷ đồng. Cơ cấu cổ đông gồm 3 thành viên, trong đó Đinh Quốc Tuấn góp 13,2 tỷ đồng, nắm giữ 33% cổ phần; Trần Tuấn Đại góp 10,8 tỷ đồng, nắm giữ 27% cổ phần; Lương Văn Mỹ góp 16 tỷ đồng, nắm giữ 40% cổ phần còn lại.

Tháng 3/2016, Công ty cổ phần Công nghiệp Á Mỹ nâng vốn điều lệ từ 40 tỷ lên thành 95 tỷ đồng. Lúc này, Đinh Quốc Tuấn sở hữu 32,11% cổ phần, tương ứng số vốn góp là 30,5 tỷ đồng; Trần Tuấn Đại sở hữu 31,05% cổ phần (29,5 tỷ đồng vốn góp); Lương Văn Mỹ sở hữu 36,84% cổ phần (35 tỷ đồng vốn góp).

Cuối năm 2016, Công ty cổ phần công nghiệp Á Mỹ tiếp tục nâng vốn điều lệ lên thành 145 tỷ đồng. Tỷ lệ sở hữu của 3 cổ đông sáng lập lúc này cũng có sự điều chỉnh, trong đó Đinh Quốc Tuấn nắm giữ 27%; Trần Tuấn Đại 26% và Lương Văn Mỹ là 29,5%. Số cổ phần còn lại không được công bố.

Tháng 7/2017, Công ty cổ phần công nghiệp Á Mỹ lại thực hiện điều chỉnh nâng vốn điều lệ lên mức 200 tỷ đồng. Tiếp đó 2 tháng, doanh nghiệp lại giảm vốn điều lệ xuống còn 170 tỷ đồng. Lúc này, Đinh Quốc Tuấn nắm giữ 26,47% cổ phần; Trần Tuấn Đại nắm giữ 25,29% và Lương Văn Mỹ là 27,65%.

Đến tháng 6/2018, Công ty cổ phần công nghiệp Á Mỹ nâng vốn điều lệ lên thành 265 tỷ đồng. Tỷ lệ sở hữu của các cổ đông lại giống như hồi cuối năm 2016, với Đinh Quốc Tuấn 27%; Trần Tuấn Đại 26% và Lương Văn Mỹ là 29,5%.

Tỷ lệ sở hữu này tiếp tục được giữ nguyên trong các lần tăng vốn điều lệ tiếp theo của Công ty cổ phần công nghiệp Á Mỹ: 320 tỷ đồng vào tháng 9/2019 và 768 tỷ đồng vào tháng 2/2022.

Bộ 3: Lương Văn Mỹ, Đinh Quốc Tuấn và Trần Tuấn Đại giữ vai trò lãnh đạo cao cấp của Công ty cổ phần công nghiệp Á Mỹ (Amy Grupo).
Bộ 3: Lương Văn Mỹ, Đinh Quốc Tuấn và Trần Tuấn Đại giữ vai trò lãnh đạo cao cấp của Công ty cổ phần công nghiệp Á Mỹ (Amy Grupo).

Cập nhật mới nhất đến cuối năm 2022, vốn điều lệ của Công ty cổ phần Công nghiệp Á Mỹ đã đạt mức 870,389 tỷ đồng. Hiện ông Đinh Quốc Tuấn (sinh năm 1976, trú tại phường Khương Mai, quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội) đang đảm nhiệm vị trí tổng giám đốc và người đại diện pháp luật của doanh nghiệp; còn ông Lương Văn Mỹ là Chủ tịch HĐQT và ông Trần Tuấn Đại nắm vị trí Phó Chủ tịch HĐQT, kiêm Phó Tổng giám đốc.

Tổng số lao động theo đăng ký của Công ty cổ phần công nghiệp Á Mỹ là 200 người.

Hệ sinh thái Amy Grupo

Theo giới thiệu, Amy Grupo có 4 công ty thành viên, trong đó có Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng và Thương mại ACT và Công ty cổ phần Gốm Á Mỹ Hoa Sơn.

Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng và Thương mại ACT được thành lập vào tháng 9/2016, với số vốn điều lệ là 5 tỷ đồng. Hiện ông Trần Tuấn Đại (sinh năm 1978, trú tại phường Tích Sơn, TP. Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc) làm giám đốc và đại diện pháp luật.

Công ty cổ phần Gốm Á Mỹ Hoa Sơn được thành lập vào tháng 7/2017 với số vốn điều lệ ban đầu là 30 tỷ đồng. Trong đó, Đinh Quốc Tuấn và Trần Tuấn Đại mỗi người góp 9 tỷ đồng, chia nhau 60% cổ phần; 40% cổ phần còn lại thuộc về Lương Văn Mỹ, với 12 tỷ đồng vốn góp.

Vào tháng 9/2019, Công ty cổ phần Gốm Á Mỹ Hoa Sơn nâng vốn điều lệ lên thành 42,5 tỷ đồng; rồi tiếp tục tăng lên thành 62,5 tỷ đồng vào tháng 1/2022.

Trong lần cập nhật mới nhất vào tháng 7/2024, vốn điều lệ của Công ty cổ phần Gốm Á Mỹ Hoa Sơn đạt mức 129,754 tỷ đồng. Doanh nghiệp đăng ký 20 lao động và hiện do ông Nguyễn Ngọc Sơn (sinh năm 1980, trú tại xã Tiên Dược, huyện Sóc Sơn, TP. Hà Nội) làm giám đốc và người đại diện pháp luật.

Công ty cổ phần công nghiệp Á Mỹ hiện cũng là cổ đông nắm giữ 38,889% cổ phần tại Công ty cổ phần đầu tư Amy Grupo - tiền thân là Công ty cổ phần Amygres, được thành lập vào tháng 7/2017, trụ sở tại lô 2, khu công nghiệp Thái Hòa - Liễn Sơn - Liên Hòa, thị trấn Hoa Sơn, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc.

Công ty cổ phần Amygres có vốn điều lệ ban đầu là 180 tỷ đồng. Ngoài cổ đông chính là Amy Grupo với 38,889% cổ phần; 3 cổ đông còn lại cũng chính là 3 cổ đông sáng lập của Amy Grupo đã nêu ở trên, với tỷ lệ sở hữu lần lượt là: Đinh Quốc Tuấn 19,444 %; Trần Tuấn Đại 19,444% và Lương Văn Mỹ là 22,222%.

Tháng 12/2021, Công ty cổ phần Amygres đổi tên thành Công ty cổ phần đầu tư Amy Grupo, nhưng đến tháng 10/2022, lại đổi lại tên cũ là Công ty cổ phần Amygres. Lúc này, Amy Grupo không còn nằm trong danh sách cổ đông, 3 cổ đông còn lại chia nhau toàn bộ cổ phần, trong đó Đinh Quốc Tuấn và Trần Tuấn Đại mỗi người sở hữu 31,818%; còn Lương Văn Mỹ là 36,364%.

Công ty cổ phần đầu tư Amy Grupo chỉ đăng ký có 5 lao động.
Công ty cổ phần đầu tư Amy Grupo chỉ đăng ký có 5 lao động.

Một tháng sau khi cơ cấu lại tỷ lệ sở hữu, Công ty cổ phần Amygres lại đổi tên thành Công ty cổ phần đầu tư Amy Grupo, vốn điều lệ của doanh nghiệp cũng được tăng lên mức 282 tỷ đồng.

Tháng 8/2023, Công ty cổ phần đầu tư Amy Grupo điều chỉnh tăng vốn điều lệ lên hơn 359,760 tỷ đồng và tiếp tục nâng lên thành hơn 480,060 tỷ đồng vào tháng 9/2023.

Tại Công ty cổ phần đầu tư Amy Grupo, ông Lương Văn Mỹ (sinh năm 1951, trú tại xã Tiên Dược, huyện Sóc Sơn, TP. Hà Nội) là người đảm nhận vai trò giám đốc và đại diện pháp luật. Tổng số lao động theo đăng ký của Công ty cổ phần đầu tư Amy Grupo là 5 người.

Chưa dừng lại ở đó, bộ 3: Lương Văn Mỹ, Đinh Quốc Tuấn và Trần Tuấn Đại cũng góp vốn thành lập Công ty cổ phần Casanova vào tháng 6/2018, trụ sở hiện cũng đặt tại khu công nghiệp Thái Hòa - Liễn Sơn - Liên Hòa, thị trấn Hoa Sơn, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc.

Cơ cấu cổ đông của Công ty cổ phần Casanova.
Cơ cấu cổ đông của Công ty cổ phần Casanova.

Công ty cổ phần Casanova đăng ký vốn điều lệ khi thành lập là 127,5 tỷ đồng. Trong đó, Công ty TNHH Tổng công ty Hòa Bình Minh góp 51 tỷ đồng, tương ứng 40% cổ phần; Công ty cổ phần công nghiệp Á Mỹ góp 68,85 tỷ đồng, tương ứng 51% cổ phần; Đinh Quốc Tuấn, Trần Tuấn Đại và Lương Văn Mỹ mỗi người góp 2,55 tỷ đồng và chia nhau 6% cổ phần còn lại.

Tại Công ty cổ phần Casanova, Trần Tuấn Đại được phân công giữ vai trò giám đốc và đại diện pháp luật của doanh nghiệp.

Tương tự tại Công ty cổ phần Casanova, Công ty TNHH Tổng công ty Hòa Bình Minh và 3 cá nhân Lương Văn Mỹ, Đinh Quốc Tuấn và Trần Tuấn Đại cũng cùng góp vốn thành lập Công ty cổ phần Đầu tư Amane vào tháng 8/2018.

Công ty cổ phần Đầu tư Amane là doanh nghiệp được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận làm chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp Thái Hòa – Liễn Sơn – Liên Hòa (Khu vực II – giai đoạn 1) với tổng mức đầu tư là 774,8 tỷ đồng.

Công ty cổ phần Đầu tư Amane ban đầu có vốn điều lệ là 120 tỷ đồng. Trong đó, bộ 3: Lương Văn Mỹ, Đinh Quốc Tuấn và Trần Tuấn Đại mỗi người sở hữu 13,33% cổ phần, tương ứng mỗi người góp 16 tỷ đồng; Công ty TNHH Tổng công ty Hòa Bình Minh góp 72 tỷ đồng, sở hữu 60% cổ phần còn lại.

Tháng 7/2023, Công ty cổ phần Đầu tư Amane nâng vốn điều lệ lên thành 158 tỷ đồng. Doanh nghiệp hiện do bà Đàm Thị Bích Ngọc (sinh năm 1987, trú tại phường Liên Bảo, TP. Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc) làm giám đốc và đại diện pháp luật.

Về Công ty TNHH Tổng công ty Hòa Bình Minh, đây không phải cái tên quá xa lạ. Tiền thân của đơn vị này là Công ty TNHH Hòa Bình, thành lập vào ngày 20/4/1993 với xuất phát điểm là kinh doanh vật liệu xây dựng – lựa chọn được coi là khác biệt trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp lúc bấy giờ phần lớn tập trung vào các mặt hàng tiêu dùng (thực phẩm, đồ sinh hoạt thiết yếu, quần áo,…).

Ít lâu sau khi thành lập, công ty nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường vật liệu xây dựng tại tỉnh Yên Bái và các tỉnh miền núi phía Bắc.

Đáng chú ý, từ năm 1998 đến nay, doanh nghiệp đã trở thành nhà phân phối ủy nhiệm của Honda tại nhiều địa bàn trên cả nước, như Yên Bái, Lào Cai, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Đồng Nai, TP. Hà Nội, TP. HCM…

Thành công từ những lĩnh vực kể trên là bước đệm quan trọng để Hòa Bình Minh mở rộng sang nhiều ngành nghề khác. Tính tới thời điểm hiện tại, nhóm công ty có đến 40 đơn vị/chi nhánh kinh doanh – dịch vụ thương mại hoạt động trên cả nước, với các ngành hàng chủ lực: xe máy, ô tô, thép, xi măng, sản xuất điện năng, chăn nuôi công nghệ cao, bất động sản.

Thế chấp hàng loạt trái phiếu

Quay trở lại với Công ty cổ phần công nghiệp Á Mỹ (Amy Grupo), dữ liệu của VietnamFinance cho thấy giữa tháng 9 vừa qua, Công ty cổ phần công nghiệp Á Mỹ đã thế chấp hàng loạt giấy chứng nhận quyền sở hữu trái phiếu tại Công ty cổ phần Bất Động Sản Mỹ, Công ty cổ phần Bất Động Sản HANO-VID và Công ty cổ phần đầu tư và cho thuê tài sản TNL cho khoản vay có giá trị 30,9 tỷ đồng tại Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MaritimeBank - MSB)- chi nhánh Vĩnh Phúc.

Hàng loạt trái phiếu đang được Công ty cổ phần công nghiệp Á Mỹ thế chấp tại các tổ chức tín dụng.
Hàng loạt trái phiếu đang được Công ty cổ phần công nghiệp Á Mỹ thế chấp tại các tổ chức tín dụng.

Hàng loạt trái phiếu theo giấy chứng nhận quyền sở hữu trái phiếu thuộc quyền sở hữu của Công ty cổ phần công nghiệp Á Mỹ tại Công ty cổ phần Bất động sản HANO-VID, Công ty cổ phần Đầu tư và Quản lý khách sạn TNH, Công ty cổ phần Đầu tư và cho thuê tài sản TNL cũng được Công ty cổ phần công nghiệp Á Mỹ (Amy Grupo) thế chấp tại MaritimeBank - chi nhánh Vĩnh Phúc.

Khoản vay có giá trị 28,1 tỷ đồng tại MaritimeBank - chi nhánh Vĩnh Phúc cũng được Công ty cổ phần công nghiệp Á Mỹ thế chấp bằng hàng loạt giấy chứng nhận quyền sở hữu trái phiếu tại Công ty cổ phần Bất động sản HANO-VID, Công ty cổ phần Đầu tư và Quản lý khách sạn TNH, Công ty cổ phần Đầu tư và cho thuê tài sản TNL.

Ngoài cầm cố các tài sản là trái phiếu, Công ty cổ phần công nghiệp Á Mỹ cũng sử dụng các máy móc thiết bị hình thành trong tương lai thuộc dự án đầu tư xây dựng nhà máy công suất 5 triệu viên sản phẩm ngói khô - gạch ốp lát, cotto/năm (tương đương 3 triệu m2 gạch ốp lát granite” tại khu công nghiệp Thái Hòa – xã Liễn Sơn + Liên Hòa – huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc làm tài sản bảo đảm cho khoản vay tại Ngân hàng BIDV - chi nhánh Vĩnh Phúc.

Số dư tiền gửi tiết kiệm theo hợp đồng tiền gửi trị giá 15 tỷ đồng thuộc sở hữu của Công ty cổ phần công nghiệp Á Mỹ tại ngân hàng HDBank Vĩnh Phúc cũng đang được doanh nghiệp này đem thế chấp tại ngân hàng Vietcombank - chi nhánh Vĩnh Phúc... cùng hàng loạt tài sản khác tại nhiều tổ chức tín dụng.

Nghi Xuân

Theo VietnamFinance