Kiểm toán việc sắm xe công, sử dụng đất đai nhà nước

Một trong những nội dung kiểm toán chủ yếu năm 2021 là kiểm toán việc sử dụng xe công, nhà đất công thuộc tài sản Nhà nước.

Kiểm toán nhà nước (KTNN) mới ban hành Công văn hướng dẫn hướng dẫn mục tiêu, trọng yếu và nội dung kiểm toán chủ yếu năm 2021.

Trong công văn này, KTNN xác định mục tiêu cụ thể trong năm 2021 là xác nhận tính đúng đắn, trung thực của báo cáo quyết toán ngân sách, báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán dự án đầu tư.

Đánh giá việc tuân thủ pháp luật, tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công của các đơn vị, chương trình và dự án.

Chỉ ra các tồn tại, hạn chế để kiến nghị với đơn vị được kiểm toán chấn chỉnh công tác quản lý và hoạt động của đơn vị; kiến nghị cấp có thẩm quyền hoàn thiện các cơ chế, chính sách còn bất cập; phát hiện kịp thời các sai phạm, hành vi tham nhũng, lãng phí và xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân để kiến nghị xử lý theo quy định của pháp luật, bảo đảm các nguồn lực tài chính công, tài sản công được sử dụng tiết kiệm, hiệu quả.

Cung cấp thông tin, số liệu tin cậy, kịp thời cho Lãnh đạo Đảng, nhà nước trong lãnh đạo, chỉ đạo; cung cấp cho Quốc hội, HĐND các cấp phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) và các cơ quan có thẩm quyền thực hiện chức năng kiểm tra, điều tra, giám sát quá trình quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.

Để đảm bảo tính tập trung, thống nhất toàn ngành trong đánh giá tính tuân thủ, tính kinh tế, hiệu quả và hiệu lực trong hoạt động quản lý tài chính công, tài sản công năm 2020, KTNN định hướng một số nội dung trọng yếu cần tập trung đánh giá (nếu có) trong các cuộc kiểm toán năm 2021 như sau:

Thứ nhất, đánh giá việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Quốc hội và Chính phủ về quản lý tài chính công, tài sản công năm 2020, gồm:

Đánh giá việc thực hiện Kế hoạch tài chính quốc gia 05 năm giai đoạn 2016-2020; Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 05 năm 2016-2020 của trung ương và địa phương.

Việc chấp hành dự toán chi NSNN; việc thực hiện chủ trương giảm dần tỷ trọng chi thường xuyên, tăng tỷ trọng chi đầu tư, bảo đảm chi trả nợ, chi cho con người, an sinh xã hội và chi cho quốc phòng, an ninh.

Việc chấp hành quy định về tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng;

Việc thực hiện các chính sách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong bối cảnh đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ; việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác theo Nghị quyết số 116/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội và Nghị định số 114/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ về quy định chi tiết thi hành Nghị quyết số 116/2020/QH14 của Quốc hội.

Kiểm toán việc sắm xe công, sử dụng đất đai nhà nước - Ảnh 1
Năm 2021, Kiểm toán Nhà nước sẽ kiểm toán việc mua sắm, sử dụng xe ô tô công

Thứ hai, đánh giá việc thực hiện quy định về phòng, chống tham nhũng trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công; đánh giá và kiến nghị xử lý trách nhiệm người đứng đầu đơn vị được kiểm toán và các cá nhân có liên quan đối với các sai phạm phát hiện qua kiểm toán.

Thứ ba, đánh giá tính tuân thủ, tính kinh tế, hiệu quả và hiệu lực hoạt động đối với một số nội dung cụ thể sau:

Về thu NSNN: Đánh giá công tác công khai, quản lý người nộp thuế, tính bền vững của các nguồn thu.

Đánh giá công tác quản lý thu thuế, thu phí, lệ phí theo quy định; đánh giá công tác thanh, kiểm tra thuế, chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế và xử lý, thu hồi nợ đọng thuế của cơ quan thuế, hải quan.

Đánh giá việc miễn, giảm, gia hạn nộp thuế; Đánh giá nguồn thu về đất (gồm: Thu tiền sử dụng đất, thu tiền thuê đất, thuê mặt nước và thu thuế sử dụng đất phi nông nghiệp); việc điều chỉnh đơn giá thuê đất.

Về chi thường xuyên: Đánh giá việc lập, phân bổ, giao dự toán và quản lý, sử dụng đối với kinh phí sự nghiệp giáo dục và đào tạo, sự nghiệp môi trường, sự nghiệp y tế, sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khoa học công nghệ.

Đánh giá việc phân bổ và giao dự toán chi thường xuyên phù hợp với tiến độ và lộ trình thực hiện tinh giản biên chế, sắp xếp tổ chức bộ máy, nâng cao mức độ tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định tại Nghị quyết số 18-NQ/TW và 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương.

Đánh giá việc chấp hành các quy định về điều chỉnh dự toán chi đã giao cho các đơn vị sử dụng ngân sách.

Đánh giá kết quả thực hiện định mức phân bổ chi thường xuyên của NSNN theo Quyết định 46/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; việc thực hiện các chính sách trong thời kỳ ổn định ngân sách giai đoạn 2017-2020 (kéo dài sang năm 2021); đánh giá khả năng cân đối ngân sách của các địa phương và tỷ lệ phần trăm (%) phân chia các khoản thu giữa các cấp ngân sách; đánh giá việc quản lý và sử dụng kinh phí bổ sung có mục tiêu, việc cân đối nguồn thực hiện CCTL, nguồn thực hiện các chính sách an sinh xã hội do Trung ương ban hành...

Đánh giá việc điều hành ngân sách trong điều kiện hụt thu ngân sách.

Đánh giá việc tuân thủ pháp luật trong mua sắm tài sản công.

Đánh giá công tác kiểm soát chi thường xuyên; việc tuân thủ các quy định trong chi chuyển nguồn sang năm sau.

Về chi đầu tư: Đánh giá việc xây dựng và phân bổ kế hoạch đầu tư công năm 2020; việc xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025;

Đánh giá việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư công, nguồn dự phòng chung vốn NSTW trong nước của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 tại các Bộ, ngành và địa phương; việc tuân thủ cơ cấu từng nguồn vốn; đánh giá việc bố trí vốn đối ứng để thực hiện dự án; đánh giá hiệu quả đầu tư đối với các dự án được kiểm toán;

Đánh giá việc thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 gắn với kế hoạch tài chính 5 năm 2016-2020 và kế hoạch vay, trả nợ công; việc cơ cấu lại đầu tư công giai đoạn 2017-2020 và định hướng đến năm 2025 để đánh giá việc xây dựng kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 theo Luật Đầu tư công.

Đánh giá việc tuân thủ pháp luật trong lập, thẩm định và phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, quyết định điều chỉnh dự án đầu tư; việc thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn; phát hiện những gian lận, sai sót trong áp dụng định mức, đơn giá, khối lượng, chất lượng (Trong trường hợp cần thiết thì sẽ kiến nghị giám định để xác nhận chất lượng) và chế độ chính sách khác để xác nhận tính đúng đắn của chi phí đầu tư dự án.

Đánh giá việc quyết toán dự án hoàn thành.

Đánh giá công tác kiểm soát chi đầu tư; việc tuân thủ các quy định trong chuyển nguồn vốn đầu tư.

Về quản lý tài sản công: Đánh giá việc quản lý, sử dụng đất nông nghiệp; quản lý, sử dụng đất các khu kinh tế, khu công nghiệp; tình trạng dự án treo, sử dụng không đúng mục đích tại các địa phương; công tác quản lý nhà nước về khai thác tài nguyên, khoáng sản;

Đánh giá việc triển khai thực hiện và quản lý thu đối với việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định; chấp hành quy định về tiêu chuẩn, định mức sử dụng trụ sở làm việc; sử dụng đất đai của các đơn vị sự nghiệp; quản lý mua sắm, sử dụng xe ô tô công; tài sản chuyển giao về địa phương.

Đối với lĩnh vực Doanh nghiệp nhà nước và các tổ chức tài chính - ngân hàng: Đánh giá việc điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng; việc xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, hoàn thiện và phê duyệt phương án xử lý ngân hàng mua bắt buộc của Ngân hàng Nhà nước; việc thực hiện chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng; việc cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu đến năm 2020 của các ngân hàng thương mại.

Tình hình thực hiện nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp có giao dịch liên kết;

Tình hình thực hiện các quy định về miễn, giảm, giãn thuế, phí, lệ phí của các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Đánh giá việc quản lý và sử dụng đất đai; khai thác tài nguyên, khoáng sản của các doanh nghiệp được kiểm toán.

Đánh giá công tác cơ cấu lại, sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp; hiệu quả hoạt động đầu tư; việc sở hữu chéo giữa các doanh nghiệp trong nội bộ tập đoàn, tổng công ty.

Đối với lĩnh vực kiểm toán chuyên đề, chương trình: Căn cứ vào đề cương kiểm toán các chuyên đề có phạm vi rộng và đặc thù được phê duyệt để xác định các tiêu chí đánh giá tính kinh tế, hiệu quả và hiệu lực; tập trung đánh giá các tiêu chí đầu vào và kết quả thực hiện đầu ra, như: (i) Xác định nhu cầu đầu tư, sự phù hợp về quy mô, phạm vi, đối tượng thụ hưởng; (ii) Khả năng huy động và việc quản lý, sử dụng vốn; (iii) Kết quả thực hiện các mục tiêu, hiệu quả của chương trình, dự án; (iv) Công tác chỉ đạo, quản lý thực hiện chương trình; (v) Đánh giá các nội dung văn bản, chính sách của chương trình để có kiến nghị điều chỉnh kịp thời, phù hợp.

Đối với lĩnh vực kiểm toán hoạt động, môi trường: Căn cứ vào hướng dẫn kiểm toán hoạt động được ban hành theo Quyết định số 2347/QĐ-KTNN ngày 21/12/2018 của Tổng Kiểm toán nhà nước, các văn bản hướng dẫn riêng đối với cuộc kiểm toán hoạt động quản lý, sử dụng ngân sách cấp huyện, Chương trình nhà ở xã hội đã được Tổng Kiểm toán nhà nước ban hành và thông tin thu thập để xác định mục tiêu kiểm toán đối với từng chủ đề kiểm toán nhằm đánh giá được một hoặc hai hoặc cả ba tính (tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả) trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công và tác động, hiệu quả xã hội mang lại.

Đánh giá công tác quản lý môi trường, việc tuân thủ các quy định về quản lý môi trường; đánh giá tính kinh tế, hiệu quả của các dự án môi trường.

Minh Thái

Theo Báo Đất Việt