Làn sóng thâu tóm thị trường ví điện tử: Nguy cơ lớn

Nguy cơ lợi dụng các giao dịch mua bán, thanh toán điện tử, biến thị trường ví điện tử trở thành sân chơi riêng...


Thị trường kinh tế chia sẻ, trong đó có hình thức thanh toán di động qua ví điện tử được nhận định là nhiều tiềm năng nhưng cũng được cảnh báo nhiều nguy cơ bị thao túng. Đồng tình với quan điểm trên, PGS.TS Nguyễn Văn Nam - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thương mại (Bộ Công thương) cho rằng, có nhiều kẽ hở có thể bị lợi dụng trong các hoạt động mua bán trực tuyến, thanh toán trực tuyến để chiếm lĩnh thị trường, thao túng tiền tệ. Nhất là khi, ưu thế đang nằm trong tay các nhà đầu tư ngoại.

Làn sóng thâu tóm thị trường ví điện tử: Nguy cơ lớn - Ảnh 1
Thị trường ví điện tử Việt Nam ngày càng khó khăn, khốc liệt

Dẫn lại báo cáo đến hết quý 1/2019, Việt Nam có 27 doanh nghiệp (được cấp phép) cung cấp dịch vụ thanh toán di động, tới năm 2021 đã tăng lên 39 doanh nghiệp được cấp phép nhưng 90% thị phần cả giá trị và số lượng giao dịch thuộc về 5 công ty trung gian thanh toán, đặc biệt, cả 5 doanh nghiệp này đều có sở hữu vốn nước ngoài từ 30% cho đến trên 90%.

Điển hình như Moca đã bán cổ phần cho Grab, Airpay bán 30% cổ phần cho Sea Limited - công ty có cổ đông lớn nhất là Tập đoàn Tencent, đối thủ của Alibaba. Standard Chartered Private Equity (SCPE), Goldman Sachs, Warburg Pincus nắm phần lớn vốn của Momo. True Money (Thái Lan) nắm giữ 90% vốn 1Pay. Payoo bán 64% vốn cho Tập đoàn NTT Data (Nhật Bản)…

Theo vị PGS, sự tăng trưởng mạnh mẽ của xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt cùng sự trỗi dậy của fintech đã khiến lĩnh vực này trở thành thỏi nam châm thu hút vốn đầu tư. Theo tính toán của Forbes, năm 2020, thị trường fintech Việt hút được khoảng 7,8 tỷ USD bằng nhiều thương vụ mua bán, rót vốn, cao gần gấp đôi năm 2017.

Sự phát triển quá nhanh của thị trường ví điện tử là tất yếu xong cũng đang đặt ra quan ngại lớn đối với cơ quan quản lý, đặc biệt là những nguy cơ thao túng thị trường vào tay doanh nghiệp nước ngoài, đi cùng đó là các dữ liệu quan trọng về dân cư, an ninh quốc gia.

Những lo ngại trên nhìn từ thực tế tiềm lực cũng như năng lực của các doanh nghiệp nội và làn sóng thâu tóm thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam những năm qua.

Nhất là khi, những ông lớn rót tiền thâu tóm các doanh nghiệp ví điện tử Việt Nam cũng là những nhà đầu tư lớn đang chiếm thị phần tại các sàn thương mại điện tử. Theo thống kê, có tới 3/4 sàn thương mại điện tử top đầu tại Việt Nam đang “được” nâng đỡ bởi các đại gia Trung Quốc như Alibaba, JD hay Tence. Như vậy, cả hai “ông trùm” thanh toán điện tử lớn nhất Trung Quốc là Alibaba và Tencent đều đã có mặt và chiếm thị phần lớn tại Việt Nam trong cả hai lĩnh vực thanh toán điện tử và giao thương điện tử.

"Sự tham gia của những nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường ví điện tử có nguy cơ khiến lĩnh vực này bị phân chia bởi những “gã khổng lồ”, đặc biệt là những nhà đầu tư nước ngoài đang chiếm nguồn vốn lớn. Trong khi đó, lại là những nhà đầu tư đang chiếm lĩnh thị trường thương mại điện tử Việt Nam thì nguy cơ thâu tóm, chiếm lĩnh thị phần trong lĩnh vực này hoàn toàn có thể xảy ra.

Điều đáng lo ngại hơn là thông qua các sàn thương mại điện tử, thực hiện các giao dịch mua bán, thanh toán điện tử, biến thị trường ví điện tử trở thành sân chơi riêng của các doanh nghiệp, hàng hóa Trung Quốc cũng như các nhà đầu tư nước ngoài.

Chưa nói tới các hoạt động lợi dụng sàn thương mại điện tử, thanh toán điện tử thực hiện việc đẩy hàng hóa của doanh nghiệp nước ngoài, thậm chí hạn chế hàng hóa Việt Nam hay thực hiện các hoạt động rửa tiền khác, rất khó có thể kiểm soát được", vị PGS phân tích.

PGS.TS Nguyễn Văn Nam cho rằng, thực tế trên cần được đưa ra những báo động đối với cả cơ quan quản lý nhà nước và cả những báo động với các doanh nghiệp trong nước.

Riêng với các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước, ông đánh giá cao tính chủ động, nhạy bén của các doanh nghiệp Việt, tuy nhiên, hai điểm hạn chế lớn mà theo ông đó là điểm yếu có thể khiến doanh nghiệp trong nước thua ngay trên sân nhà. Hạn chế thứ nhất là về nhân lực và công nghệ. Hạn chế thứ hai là tiền lực tài chính yếu.

Vì thế, dù có tiếp cận được với thị trường ví điện tử thì đây cũng là cuộc đua khốc liệt, đầy khó khăn với các doanh nghiệp trong nước chứ chưa nói tới việc có thể cạnh tranh. Vì lý do này, các nhà đầu tư nước ngoài đã nhảy vào thâu tóm, mua lại. Đến cuối cùng, doanh nghiệp Việt lại gây dựng cho nhà đầu tư nước ngoài hưởng lợi.

Đối với cơ quan quản lý nhà nước, theo ông cần phải có nhìn nhận thực tế và có giải pháp quản lý kịp thời.

Lam Lam

Theo Đất Việt