Làng biệt thự trái phép dưới chân núi Voi: Khẳng định nóng
Ông Ninh cho biết, những công trình trái phép ở xã Hiệp An đều là của người dân bên ngoài vào xây dựng, không phải của cán bộ.
Xung quanh xôn xao vụ làng biệt thự trái phép dưới chân núi Voi, ngày 9/1, trao đổi với báo Đất Việt, ông Ngô Văn Ninh, Chánh văn phòng UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, trong số 13 công trình lớn thì đã xử lý được 12 công trình rồi, còn một công trình, lực lượng chức năng đang vận động một lần nữa, nếu không tự giác tháo dỡ sẽ áp dụng biện pháp cưỡng chế.
"Hạn cuối cùng để yêu cầu tháo dỡ 13 công trình này là vào ngày 15/1 tới đây. Còn 42 công trình của đồng bào dân tộc có từ trước là những công trình nhỏ thì cũng tiếp tục rà soát để xử lý", ông Ninh nói.
Về thông tin, chính quyền địa phương không phát hiện để ngăn chặn kịp thời những công trình xây dựng trái phép này, ông Ninh cho rằng, tỉnh cũng đã chỉ đạo làm rõ về việc này.
Cưỡng chế tháo dỡ 3 căn nhà tại "Làng biệt thự" dưới chân núi Voi. Ảnh: TNO |
"Những công trình xây dựng trái phép này đều của người dân bên ngoài vào xây dựng chứ không có của cán bộ', ông Ninh cho biết thêm.
Trong khi trước đó, theo phản ánh của doanh nghiệp, trong số hơn 355 ha đất lâm nghiệp tại tiểu khu 268, thuộc địa bàn xã Hiệp An, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng, đã giao cho Công ty CP Du lịch sinh thái Phương Nam triển khai dự án, thì có hơn 10% diện tích đã bị các hộ dân lấn chiếm, sang nhượng trái phép và xây dựng hẳn thành một ngôi làng.
Ông Nguyễn Đức Phúc, Giám đốc Công ty CP Du lịch sinh thái Phương Nam, cho biết, việc chiếm đất, sang nhượng và dựng nhà trái phép đã được đơn vị phát hiện từ sớm, đồng thời nhiều lần có đơn trình báo gửi chính quyền đề nghị ngăn chặn, xử lý nhưng tất cả đều rơi vào im lặng.
Làng biệt thự trái phép dưới chân núi Voi. Ảnh: TNO |
“Chúng tôi kêu cứu nhiều nơi, trong đó có huyện, có tỉnh, có xã nhưng rồi tỉnh giao cho huyện, huyện giao cho xã xử lý vài lần rồi nhưng vẫn không thực hiện xử lý được. Từ đó, tôi tiếp tục làm nhiều đơn kêu cứu khẩn cấp nhưng vụ việc cứ mãi kéo dài.
Theo chúng tôi biết thì ngay cả cán bộ cũng có mua đất trong này, nhưng họ ở đâu, cụ thể là ai thì tôi không biết được. Và do đó bây giờ nó trở thành một ngôi làng ở đây là một vấn đề đã quá sức tưởng tượng của doanh nghiệp”, ông Phúc nói.