Loạt doanh nghiệp đầu ngành tại Việt Nam tiếp tục bị đại gia Thái thâu tóm

(SHTT) - Làn sóng thâu tóm doanh nghiệp đầu ngành trong các lĩnh vực tại Việt Nam của các đại gia Thái Lan tiếp tục nổi lên.

Mới đây, TCG Solutions Pte.Ltd thuộc quản lý của Thai Containers Group Co., Ltd - Công ty thành viên Tập đoàn SCG (Thái Lan) thông báo đăng ký mua hơn 12 triệu cổ phiếu SVI của CTCP Bao bì Biên Hòa, tương ứng với hơn 94% vốn Công ty. Giao dịch dự kiến thực hiện thông qua hệ thống chuyển quyền sở hữu của Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam từ 16/12 đến 31/12/2020.

Sự việc đăng ký mua vào này được thực hiện chỉ sau khi dàn lãnh đạo cũ của Bao bì Biên Hòa được thay thế hầu hết bởi các nhân sự thuộc Tập đoàn SCG. Theo Nghị quyết ĐHĐCĐ bất thường lần 2, cổ đông SVI đã thông qua việc từ nhiệm của 6/7 thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2018-2023.

Cụ thể, ông Suchai Korprasertsri - Giám đốc TCG Solutions Pte. Ltd kiêm Giám đốc điều hành Thai Containers Group Co., Ltd - được bầu làm Chủ tịch HĐQT SVI. Ông hiện không nắm giữ cổ phiếu SVI. Còn ông Ekarach Sinnarong được bổ nhiệm làm Tổng Giám SVI thay cho ông Đặng Ngọc Diệp. Hiện, ông cũng là Tổng giám đốc Công ty Công Nghiệp Tân Á, một doanh nghiệp thuộc SCG tại Việt Nam.

Đây chỉ là một trong số ít những thương vụ của người Thái muốn thâu tóm những doanh nghiệp đầu ngành trong các lĩnh vực tại Việt Nam.

Gần đây nhất, WHAUP - thành viên Tập đoàn WHA , một tập đoàn hoạt động trong lĩnh vực logistics và các giải pháp tiện ích công nghiệp, năng lượng hàng đầu của Thái Lan đã thâu tóm Công ty CP Nước mặt Sông Đuống - là chủ đầu tư dự án nhà máy nước mặt sông Đuống có quy mô 65ha với vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng.

Loạt doanh nghiệp đầu ngành tại Việt Nam tiếp tục bị đại gia Thái thâu tóm - Ảnh 1

Cụ thể, theo cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp (Bộ kế hoạch và đầu tư) cơ cấu cổ đông hiện tại của Nước mặt Sông Đuống bao gồm 51% vốn tư nhân, 34% vốn nước ngoài và 15% nguồn vốn ngân sách nhà nước.

Trong đó, 2 cổ đông nhà nước của Nước mặt Sông Đuống là Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội (10%), Công ty TNHH MTV Ứng dụng Công nghệ mới và Du lịch - Newtatco (5%).

Cổ đông nước ngoài đang sở hữu 34% vốn Nước mặt Sông Đuống là doanh nghiệp Thái Lan WHAUP. Cổ đông lớn nhất đang nắm quyền kiểm soát Nước mặt Sông Đuống (51%) là Công ty Nước Aqua One do "shark" Liên là Chủ tịch HĐQT và người đại diện theo pháp luật.

Trong hội đồng quản trị của Công ty Nước mặt Sông Đuống, tỷ lệ người Thái đang áp đảo. Bốn thành viên HĐQT Nước mặt Sông Đuống có quốc tịch Thái Lan là ông Natthapatt Tanboon-Ek, sinh năm 1970, thành viên Ban Kiểm soát; bà Jareeporn Jarukornsakul, sinh năm 1967; ông Vivat Jiratikarnsakil, sinh năm 1956; ông Wisate Chungwatana, sinh năm 1967, thành viên Hội đồng quản trị.

Có hai nhân sự người Việt trong hội đồng quản trị là ông Tạ Đức Hoàng - thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc và ông Nguyễn Trọng Dũng, sinh năm 1958, thành viên Ban Kiểm soát.

Đầu năm 2018, một thương vụ khủng của Công ty TNHH Nawaplastic Industries (Saraburi) (Nawaplastic) cũng là công ty con của SCG, đã mua lại cổ phần của CTCP Nhựa Bình Minh (BMP). Nâng tỷ lệ sở hữu cổ phần tại Công ty Nhựa Bình Minh lên trên 54% - chính thức trở thành ông chủ mới của doanh nghiệp nhựa hàng đầu tại Việt Nam.

Loạt doanh nghiệp đầu ngành tại Việt Nam tiếp tục bị đại gia Thái thâu tóm - Ảnh 2

Ngoài ra, tập đoàn SCG đang sở hữu bao bì Tín Thành (Batico) - một trong năm doanh nghiệp lớn nhất ngành bao bì nhựa. Không chỉ có vậy, SCG còn giữ cổ phần tại Nhựa Tiền Phong, Công ty chuyên sản xuất nhựa gia dụng, bao bì khác như Liên doanh Việt - Thái Plastchem, Công ty Nhựa và Hóa chất TPC Vina, Công ty Chemtech và Công ty Vật liệu nhựa Minh Thái.

Đầu năm 2017, tỷ phú giàu thứ 2 Thái Lan, Charoen chi gần 5 tỷ USD để mua lại 53,59% cổ phần của Tổng Công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco). Sabeco là doanh nghiệp chiếm gần 41% thị phần tiêu thụ tại thị trường nội địa.

Loạt doanh nghiệp đầu ngành tại Việt Nam tiếp tục bị đại gia Thái thâu tóm - Ảnh 3

Hơn nữa, người Thái còn 'nuốt chửng' đến lĩnh vực tiêu dùng. Cụ thể, Central Group chi 1,14 tỷ USD mua lại Big C Việt Nam vào tháng 4/2016. Đầu năm 2015, Central Group cũng chi hơn 200 triệu USD mua lại 49% cổ phần công ty sở hữu chuỗi siêu thị điện máy Nguyễn Kim, BJC mua lại chuỗi siêu thị Metro Cash & Carry Việt Nam với giá 655 triệu Euro (khoảng 880 triệu USD).…

Người Thái cũng nhòm ngó nhiều lĩnh vực khác như thông qua Công ty Frasers Centrepoint Limited (FCL), ông Charoen mua lại 70% vốn của Công ty cổ phần phát triển nhà GHomes - công ty thành viên của An Dương Thảo Điền (HAR) năm 2016.

Hà Phương (t/h)

Theo Sở hữu trí tuệ