Loạt ngân hàng nhỏ báo lãi quý 4 giảm, cả năm lợi nhuận thăng hoa

Một số ngân hàng nhỏ vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2021 với lợi nhuận trước thuế quý này giảm mạnh, thậm chí là lỗ nặng. Tuy nhiên, tính cả năm 2021 vẫn ghi nhận tăng trưởng mạnh.

Một số ngân hàng nhỏ vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2021 với lợi nhuận trước thuế quý này giảm mạnh, thậm chí là lỗ nặng. Tuy nhiên, tính cả năm 2021 vẫn ghi nhận tăng trưởng mạnh.

Ngân hàng TMCP Bản Việt (Viet Capital Bank, mã: BVB) vừa công bố báo cáo tài chính quý 4/2021 với lợi nhuận trước thuế cả năm 2021 đạt hơn 311 tỷ đồng, tăng 55% so với cùng kỳ năm 2020.

Tuy nhiên, riêng trong quý 4/2021 ngân hàng báo lỗ trước thuế hơn 74 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi gần 64 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu do lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh giảm mạnh 66% xuống còn hơn 53 tỷ đồng và chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng 34% lên mức gần 128 tỷ đồng.

Loạt ngân hàng nhỏ báo lãi quý 4 giảm, cả năm lợi nhuận thăng hoa - Ảnh 1

Tại Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PGBank) ghi nhận lợi nhuận trước thuế cả năm 2021 đạt hơn 329 tỷ đồng, tăng 55% so với cùng kỳ năm 2020.

Đáng chú ý, riêng quý 4/2021, lợi nhuận trước thuế giảm 29,2% so với cùng kỳ, xuống còn 57 tỷ đồng. Nguyên nhân do chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của ngân hàng tăng vọt 235% lên mức gần 82 tỷ đồng. Trong kỳ, thu nhập lãi thuần cũng giảm nhẹ 1,6% đạt hơn 253 tỷ đồng.

Trong khi thu nhập lãi thuần và hoạt động dịch vụ tăng trưởng mạnh trong năm 2021 thì hoạt động kinh doanh ngoại hối lại không mấy khả quan khi lãi thuần từ mảng này sụt giảm 31,2% so với cùng kỳ. Lãi thuần từ hoạt động khác trong kỳ cùng giảm mạnh 67,8%, từ 157,5 tỷ đồng cùng kỳ năm trước về 50,8 tỷ đồng.

Loạt ngân hàng nhỏ báo lãi quý 4 giảm, cả năm lợi nhuận thăng hoa - Ảnh 2

Mới đây nhất, Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank, mã: ABB) báo lãi sau thuế quý 4/2021 đạt gần 281 tỷ đồng, giảm 23% so với cùng kỳ 2020 do ngân hàng dành gần 281 tỷ đồng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, tăng 155%. Tính chung cả năm 2021, lợi nhuận sau thuế tại ABBank đạt gần 1.560 tỷ đồng, tăng 39% so với năm 2020.

Loạt ngân hàng nhỏ báo lãi quý 4 giảm, cả năm lợi nhuận thăng hoa - Ảnh 3

Có thể thấy, lợi nhuận ngân hàng nhỏ quý 4/2021 giảm chủ yếu do tăng mạnh chi phí dự phòng rủi ro tín dụng cho các khoản nợ tiềm ẩn.

"Chi phí trích lập dự phòng" được nhận định sẽ là từ khoá cho lợi nhuận ngành ngân hàng năm 2021, tạo ra sự phân hoá lớn. Đặc biệt dưới tác động của Thông tư 01/2020 và Thông tư 03/2021 quy định về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, thì việc trích lập dự phòng nhiều hay ít trong sẽ tác động không nhỏ tới lợi nhuận năm 2021.

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia Tài chính, Thông tư 03 phần lớn là hỗ trợ ngành ngân hàng, khiến bức tranh lợi nhuận trở nên sáng sủa hơn thực tế. Tuy nhiên, nó cũng sẽ có tác động không nhỏ tới lợi nhuận ngân hàng này trong 3 năm tới, sự phân hoá thể hiện khẩu vị rủi ro của từng ngân hàng.

Có một thực tế, có hai quan điểm trái chiều về việc trích lập dự phòng rủi ro tín dụng của các ngân hàng. Nhà đầu tư coi đây là “gánh nặng” ăn mòn lợi nhuận, còn ngân hàng lại xem là “của để dành”, yếu tố có khả năng tạo ra lợi nhuận đột biến trong tương lai.

Theo phân tích của các chuyên gia, bản chất của chi phí trích lập dự phòng rủi ro là dự phòng một khoản tiền cho các khoản vay có vấn đề. Do đó, chi phí cho khoản dự phòng sẽ được lấy từ khoản lợi nhuận của ngân hàng và được khấu trừ khỏi thu nhập hiện hành trước khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp. Chi phí dự phòng tăng đồng nghĩa quy mô lợi nhuận tính thuế của các ngân hàng sẽ giảm xuống, thuế phải nộp sẽ ít đi.

Tuy nhiên, khi mỗi đồng nợ xấu được xử lý, thu hồi, số tiền trích lập dự phòng sẽ được hạch toán trực tiếp vào thu nhập bất thường. Vì thế, nhiều ngân hàng cho rằng khoản chi phí dự phòng này như “của để dành” sẽ quay trở lại và làm tăng lợi nhuận tính thuế trong tương lai.

Góc nhìn của các cổ đông và nhà đầu tư ngân hàng lại hoàn toàn ngược lại. Thông thường, cổ đông muốn được nhìn thấy con số lợi nhuận của ngân hàng tăng mạnh để giúp đẩy cao thị giá cổ phiếu. Mặt khác, lợi nhuận tăng cao, cổ đông sẽ được chia cổ tức bằng tiền mặt. Vì thế, việc trích lập dự phòng rủi ro đối với họ là một gánh nặng.

Chung quy, dù góc nhìn có khác nhau thì việc trích lập dự phòng rủi ro về cơ bản vẫn là một khoản chi phí bắt buộc theo quy định của các ngân hàng nhằm xử lý nợ xấu, đồng nghĩa với việc nhà băng nào nhiều nợ xấu thì trích lập dự phòng rủi ro sẽ cao.

Hoàng Long

Theo Sở hữu trí tuệ