Nam Phương Energy chậm trả lãi trái phiếu, lộ bí ẩn liên doanh Vinapon và khu đất vàng 649 Kim Mã

Liên doanh Vinapon - nơi từng có sự xuất hiện của HUD và hiện tại là Bitexco - hiện là tài sản đảm bảo cho lô trái phiếu của Nam Phương Energy.

Liên doanh Vinapon - nơi từng có sự xuất hiện của HUD và hiện tại là Bitexco - hiện là tài sản đảm bảo cho lô trái phiếu của Nam Phương Energy.

CTCP Đầu tư Năng lượng Nam Phương (Nam Phương Energy) công bố thông tin bất thường về việc chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu NPECH2126001.

Theo công bố, ngày 23/8 vừa qua là ngày thanh toán tiền lãi cho lô trái phiếu NPRCH2126001 với số tiền cần thanh toán hơn 14,7 tỷ đồng. Tuy nhiên Nam Phương Energy cho biết do thị trường tài chính, gang thép diễn biến không thuận lợi nên công ty chưa thu xếp được tiền thanh toán lãi đúng hạn. Đồng thời Nam Phương Energy “hứa” sẽ thanh toán vào ngày 31/12/2023.

Nam Phương Enery nợ 1.650 tỷ đồng trái phiếu

Nam Phương Energy được nhắc tới nhiều vào cuối năm 2021 đầu 2022 khi liên tục huy động hàng nghìn tỷ đồng trái phiếu. Hiện Nam Phương đang lưu hành 3 lô trái phiếu tổng giá trị 1.650 tỷ đồng. Cả 3 lô trái phiếu này đều có thời gian đáo hạn rất dài.

Nam Phương Energy chậm trả lãi trái phiếu, lộ bí ẩn liên doanh Vinapon và khu đất vàng 649 Kim Mã - Ảnh 1

Lô trái phiếu NPECH2126001 mà công ty vừa chậm trả lãi kể trên trị giá 450 tỷ đồng, đáo hạn vào tháng 8/2026. Lô trái phiếu này phát hành nhằm huy động vốn để nhận chuyển nhượng cổ phần và mua cổ phần phát hành thêm của CTCP Khai thác chế biến khoáng sản Lào Cai để nâng cấp, đầu tư, mở rộng dự án khai thác quặng tại Lào Cai. Đồng thời cũng để nhận chuyển nhượng phần vốn góp của Công ty Liên doanh Vinapon.

Tài sản đảm bảo cho lô trái phiếu này gồm:

- Toàn bộ động sản bao gồm nhưng không giới hạn quyền khai thác, quyền phải thu, hàng tồn kho… phát sinh từ hoặc liên quan dự án Mỏ sắt Ba Hòn – Làng Lếch (khi đủ điều kiện thế chấp).

- Toàn bộ cổ phần của cổ đông tại tổ chức phát hành.

- Toàn bộ cổ phần của các cổ đông tại CTCP Khai thác chế biến khoáng sản Lào Cai khi đủ điều kiện thế chấp, cùng cả cổ phần phát hành thêm sau khi tăng vốn điều lệ.

- Toàn bộ vốn góp của Nam Phương Energy tại Công ty Liên doanh Vinapon – khi đủ điều kiện thế chấp.

- Các tài sản hình thành từ phần vốn điều lệ tăng thêm của Khoáng sản Lào Cai tại dự án Mỏ sắt Ba Hòn – Làng Lếch, giá trị thế chấp tối thiếu 30 tỷ đồng khi đủ điều kiện thế chấp.

- Phần vốn góp của ông Vũ Quang Bảo trị giá 200 tỷ đồng tại Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco.

- Và các tài sản đảm bảo khác có thể được bổ sung tại từng thời điểm.

Lô trái phiếu này do Chứng khoán Tân Việt TVSI tư vấn, đại lý phát hành và là bên đại diện người sở hữu và do Vietcombank quản lý tài sản đảm bảo.

Nói về Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco – công ty thành lập tháng 1/1993 do ông Vũ Quang Bảo là người đại diện theo pháp luật. Tháng 5/2013 công ty tăng vốn điều lệ từ 2.600 tỷ đồng lên 3.000 tỷ đồng. Tháng 1/2017 tăng vốn điều lệ lên thành 4.800 tỷ đồng, do ôn Vũ Quang Bảo sở hữu 40% và ông Vũ Quang Hội sở hữu 60%. Tháng 5/2017 tăng vốn lên thành hơn 5.603 tỷ đồng và tháng 8/2017 tăng vốn lên thành 6.260 tỷ đồng, tỷ lệ sở hữu giữa ông Bảo và ông Hội vẫn giữ nguyên – đây là 2 anh em.

Bản thân ông Vũ Quang Bảo cũng sở hữu cổ phần Nam Phương Energy.

Nam Phương Energy thua lỗ triền miên

Nam Phương Energy thành lập tháng 8/2018, do ông Đàm Quang Huy làm Giám đốc. Tháng 6/2020 công ty thay đổi nhân sự, ông Nguyễn Quang Thịnh lên làm Chủ tịch HĐQT, ông Thịnh được xem là nhân vật chủ chốt trong hệ sinh thái Bitexco. Đồng thời Nam Phương Energy cũng tăng vốn điều lệ khủng từ 2 tỷ đồng lên 250 tỷ đồng, tương ứng gấp 125 lần.

Tháng 1/2021 nam Phương Energy tiếp tục tăng vốn, từ 250 tỷ đồng lên 394 tỷ đồng. Tiếp đó tháng 11/2021 công ty lại tăng vốn lên thành 650 tỷ đồng.

Tăng vốn thần tốc trong năm 2021, cuối năm 2021 cũng là thời điểm Nam Phương phát hành liên tiếp 2 lô trái phiếu 450 tỷ đồng và 900 tỷ đồng, tổng cộng 1.350 tỷ đồng. Sau đó mấy tháng, tháng 3/2022 Nam Phương huy động tiếp 300 tỷ đồng trái phiếu, nâng tổng số trái phiếu huy động lên 1.650 tỷ đồng.

Đáng chú ý, thời điểm đó Nam Phương có vốn điều lệ 650 tỷ đồng. Vì đâu một doanh nghiệp có vốn điều lệ 650 tỷ đồng vẫn được Chứng khoán Tân Việt thu xếp phát hành được 1.650 tỷ đồng trái phiếu?

Sang tháng 12/2022 Nam Phương tiếp tục tăng vốn điều lệ lên thành 800 tỷ đồng.

Nam Phương Energy chậm trả lãi trái phiếu, lộ bí ẩn liên doanh Vinapon và khu đất vàng 649 Kim Mã - Ảnh 2

Tăng vốn thần tốc trong năm 2021, liên tục huy động trái phiếu trong năm 2021 - 2022, song tình hình kinh doanh của Nam Phương Energy cũng không khả quan, thậm chí có thể nói bết bát. Năm 2021 công ty lãi sau thuế vỏn vẹn chưa đến 2 tỷ đồng, còn năm 2022 vừa qua lỗ nặng 378 tỷ đồng. Còn 6 tháng đầu năm 2023 Nam Phương Energy cũng lỗ hơn 205 tỷ đồng.

Kinh doanh thua lỗ, vốn chủ sở hữu của Nam Phương còn 443 tỷ đồng trong khi vốn điều lệ 800 tỷ đồng. Không những vậy công ty còn nợ nần chồng chất, tổng nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu đến cuối năm 2022 là 4,88 lần, tương ứng tổng nợ 2.162 tỷ đồng. Trong đó nợ trái phiếu gấp 3,72 lần vốn chủ sở hữu, lên 1.650 tỷ đồng.

Bí ẩn Liên doanh Vinapon và con đường thâu tóm của nhóm Bitexco 

Công ty Liên danh Vinapon doanh nghiệp mà Nam Phương đưa đi làm tài sản thế chấp cũng rất đình đám. Ban đầu HUD là cổ đông lớn, sau đó bóng dáng Bitexco hiện diện.

Liên doanh Vinapon thành lập tháng 8/2011 do ông Keiichi Miyata làm Tổng giám đốc, địa chỉ trụ sở chính tạo 649 Kim Mã, Hà Nội. Công ty có vốn điều lệ 7,5 triệu USD tương ứng khoảng 102,2 tỷ đồng.Các pháp nhân góp vốn ban đầu gồm Tổng Công ty đầu tư phát triển nhà và đô thị Công ty TNHH (HUD) sở hữu 27,3%; Rinkai Construction Company Limited sở hữu 8,8% còn lại 63,9% do Tubaki capital Godo Kaisha sở hữu.

Sau chục năm thành lập, cơ cấu cổ đông của Liên doanh Vinapon thay đổi. HUD vẫn nắm giữ 27,3% vốn, 2 cổ đông lớn còn lại được chuyển dịch, Nam Phương Energy sở hữu 63,9% và CTCP BWB sở hữu 8,8% vốn thay cho 2 pháp nhân của Nhật. Tuy vậy đến tháng 1/2022 ông Vũ Quang Bảo, người của Bitexco, làm Tổng Giám đốc.

Ông Vũ Quang Bảo, ngoài là em trai ông Vũ Quang Hội của Tập đoàn Bitexco, đứng tên nhiều vị trí lãnh đạo trong các công ty thành viên của Bitexco, còn là đại diện cho Tập đoàn BB Group cùng nhiều công ty con trong hệ sinh thái BB Group. BB Group cũng như Bitexco, ngoài ngành nghề xây dựng, còn đầu tư rất nhiều dự án năng lượng.

Đây cũng là thời điểm Liên doanh Vinapon tiếp tục xáo động cơ cấu sở hữu, đổi từ các tổ chức thành các cá nhân. Ông Vũ Quang Bảo nắm giữ 60% vốn; bà Nguyễn Thị Kim Thoa sở hữu 8,8%; ông Đinh Đức Thắng sở hữu 15%; ông Đỗ Thanh Trà sở hữu 12,3% và ông Nguyễn Tiến Lực sở hữu 3,9% vốn điều lệ.

Mới đây nhất, tháng 9/2022 ông Đặng Mạnh Cường lên làm Tổng giám đốc thay ông Vũ Quang Bảo.

Câu chuyện Tổng Công ty đầu tư phát triển nhà và đô thị Công ty TNHH (HUD) góp vốn tại liên doanh Vinapon cũng đang được nhắc lại đến nay. HUD dùng quyền sử dụng đất của lô đất rộng 3.090m2 tại khu Voi Phục, Ba Đình, Hà Nội trong vòng 30 năm để góp vốn với giá trị định giá 2.047.500 USD, với tỷ lệ sở hữu ban đầu 37,23%.

Tuy vậy năm 2012 Liên doanh Vinapon nhận thêm 1 cổ đông là Công ty Tubaki Capital (nêu trên) góp thêm 1 triệu USD, làm giảm tỷ lệ sở hữu của HUD tại Vinapon xuống còn 27,3%. Thời gian hoạt động của liên doanh là 35 năm và khi kết thúc, toàn bộ tài sản cố định của công ty liên danh sẽ chuyển giao không bồi hoàn cho Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị.

Nam Phương Energy chậm trả lãi trái phiếu, lộ bí ẩn liên doanh Vinapon và khu đất vàng 649 Kim Mã - Ảnh 3

Ngay tại địa chỉ 649 Kim Mã, khu đất vàng giữa lòng Hà Nội, hiện là tòa nhà V-Tower - do liên doanh Vinapon xây dựng, cũng là địa chỉ trụ sở chính của liên doanh Vinapon.

Câu chuyện HUD góp vốn liên danh thường xuyên được nhắc đến, một trong những câu hỏi là, tại sao thời gian liên danh (35 năm) còn lớn hơn cả thời gian nhà nước giao lô đất tại khu Voi Phục cho HUD (30 năm)?. Và quan trọng, là là khi liên danh mới thực hiện được 10 năm, liên doanh Vinapon đã có nhiều thay đổi lớn: đón thêm cổ đông Tubaki Capital để HUD bị giảm tỷ lệ sở hữu? và quan trọng nhất, HUD thoái sạch vốn để lại sự hiện diện của Nam Phương Energy và tiếp đó là nhóm Bitexco?

Thủy Trúc

Theo Chất lượng và Cuộc sống