Ngân hàng tuần qua: Tranh cãi chuyện ‘room’ ngoại ở Sacombank

Sau những tranh canh xung quanh mức “room” ngoại ở Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank, HoSE: STB), Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) đã có văn bản khẳng định mức “room” ngoại ở ngân hàng này là 30%.

Ngân hàng tuần qua: Nóng chuyện ‘room’ ngoại ở Sacombank
Ngân hàng tuần qua: Nóng chuyện ‘room’ ngoại ở Sacombank

VSD khẳng định room ngoại 30% tại Sacombank là đúng

Liên quan tới lùm xùm về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài với cổ phiếu STB, ngày 16/2, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) đã có công văn số 1123/VSD-ĐK.NV để trả lời công văn số 06/2023/CV-HĐQT từ Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank). 

Theo đó, VSD khẳng định quản lý tỷ lệ sở hữu tối đa của NĐTNN đối với cổ phiếu STB là 30% vốn điều lệ hiện tại, dựa trên các căn cứ: Hồ sơ của Sacombank tại công văn số 11/2014/CV-HĐQT ngày 26/2/2014 và công văn số 16/2014/CV-HĐQT ngày 11/3/2014, trong đó đề nghị mở lại tỷ lệ cổ phần sở hữu cổ phiếu STB cho cổ đông nước ngoài về mức 30% vốn điều lệ của Sacombank; Công văn số 829/UBCK-PTTT ngày 4/3/2014 của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước thông báo về việc giải toả tỷ lệ sở hữu cổ đông nước ngoài của Sacombank; Quy định pháp luật về ngân hàng và pháp luật chứng khoán. 

Trong công văn mới nhất ngày 16/2, VSD cũng khẳng định từ sau các công văn năm 2014, Sacombank chưa gửi bất kỳ đề nghị thay đổi tỷ lệ sở hữu 30% của nhà đầu tư nước ngoài. 

Về việc con số tỷ lệ 23,64% mà Sacombank đề cập trong công văn 06/2023/CV-HĐQT, VSD cho biết trong thời gian 400.000.000 cổ phiếu STB được đăng ký bổ sung nhưng chưa được niêm yết, VSD đã phải phối hợp với Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE) để tính toán số liệu sở hữu nước ngoài dựa trên 1.485.215.716 cổ phiếu đã niêm yết để phản ánh chính xác tỷ lệ room ngoại trên hệ thống của HoSE.

Việc này nhằm đảm bảo khi niêm yết bổ sung 400.000.000 cổ phiếu STB, tỷ lệ nắm giữ của nhà đầu tư nước ngoài không vượt quá 30% theo quy định pháp luật. 

Ham tăng lãi suất hút tiền, ngân hàng dính đòn sụt giảm CASA

Trong bối cảnh áp lực chi phí tăng, biên lãi ròng (NIM) thu hẹp, việc cải thiện tỷ lệ CASA (tiền gửi không kỳ hạn) của các ngân hàng đang gặp khá nhiều khó khăn sau khi bị giảm mạnh trong nửa cuối năm qua, nhất là ở quý IV/2022. 

Báo cáo tài chính quý IV/2022 cho thấy, có tới 23/28 ngân hàng có tỷ lệ CASA sụt giảm trong năm qua. Đáng chú ý, không chỉ những ngân hàng nhỏ mà ngay cả những ngân hàng đứng đầu về CASA cũng ghi nhận xu hướng giảm trong năm 2022.

Hiện 5 ngân hàng đứng đầu về tỷ lệ CASA là MB, Techcombank, Vietcombank, MSB, ACB. Song thứ hạng thì đã sự thay đổi đáng kể. MB đã soán ngôi Techcombank trở thành quán quân về tỷ lệ CASA đầu ngành.

Nhiều ngân hàng khác cũng ghi nhận tỷ lệ CASA sụt mạnh trong năm qua. Có thể kể đến Sacombank giảm từ 22,6% năm 2021 về còn 19,2% năm 2022; Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), giảm từ 23,3% năm 2021 xuống 18% năm 2022; VPBank từ 22,3% năm 2021 còn 17,7% năm 2022; BIDV từ mức 19,4% năm 2021 xuống 18,8% năm 2022;…

Theo giới phân tích, nguyên nhân khiến tỷ lệ CASA giảm trong năm 2022 là lãi suất huy động liên tục tăng mạnh.

Mặt bằng lãi suất tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn tăng nhanh, trong khi các kênh đầu tư khác (chứng khoán, bất động sản, vàng) không mấy sáng sủa là nguyên nhân khiến lượng tiền gửi không kỳ hạn của hầu hết ngân hàng sụt giảm mạnh.

Bởi khi lãi suất tăng, người dân thay vì để tiền nhàn rỗi trong tài khoản thanh toán chờ cơ hội lướt sóng như trước thì sẽ chuyển vào gửi tiết kiệm có kỳ hạn để hưởng lãi cao. Còn với doanh nghiệp, lãi suất cao sẽ khiến họ khó tiếp cận dòng vốn ngân hàng, dẫn đến việc phải rút nguồn tiền sẵn có về hoạt động.

Không chỉ ở các kỳ hạn mà lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cũng được các tổ chức tín dụng tăng lên kịch trần cho phép. Thông thường, lãi suất tiền gửi không kỳ hạn thấp hơn rất nhiều so với tiền gửi có kỳ hạn, chỉ ở mức 0,1-0,2%/năm.

Song từ đầu tháng 11/2022, một số ngân hàng đã bắt đầu đẩy lãi suất tiền gửi không kỳ hạn lên từ 0,5-1%. Điều này khiến cuộc đua CASA ngày càng khốc liệt.

‘NIM của ngân hàng khó có thể thu hẹp trong năm 2023’

Tại buổi toạ đàm “Điểm sáng Đầu tư 2023” do FiinGroup tổ chức, ông Đào Phúc Tường, CFA, chuyên gia chứng khoán cho rằng NIM của ngân hàng sẽ tăng trong năm 2023.

Theo đó, ông Tường cho biết ngành ngân hàng vẫn là nguồn cung cấp vốn chính cho nền kinh tế, đặc biệt khi thị trường trái phiếu doanh nghiệp gặp khó trong giai đoạn 2023-2024 sắp tới, tăng trưởng tín dụng của ngân hàng sẽ vẫn tăng nhanh.

Với đặc thù của ngành ngân hàng, ông Đào Phúc Tường cho rằng trừ khi tăng trưởng tín dụng giảm đốc, nếu tăng trưởng tín dụng vẫn giữ được tốc độ hoặc tăng trưởng nhanh, trong điều kiện môi trường kinh tế còn đang khó khăn thì NIM của ngân hàng chỉ có thể mở rộng chứ khó thu hẹp. Ông Tường nhận định NIM của ngân hàng sẽ tăng trong năm 2023.

Theo ông, ngân hàng cần phải tăng phần đệm cho rủi ro cho những khoản vay trong giai đoạn nền kinh tế khó khăn. Chi phí tín dụng sẽ bù trừ cho việc mở rộng NIM, tức là ngân hàng phải trích lập dự phòng nhiều hơn cho những rủi ro tín dụng sẽ xảy ra trong tương lai.

Đối với các ngân hàng có tỷ trọng cho vay bất động sản cao, trong 2 năm qua, bất động sản có giá trị rất cao. Nếu giá thị trường của các bất động sản này giảm 20-30%, ngân hàng sẽ phải trích lập thêm dự phòng cho các khoản nợ này. Do đó, trích lập dự phòng là biến số phụ thuộc vào giá trị tài sản đảm bảo.  

Trong năm 2023, ông Đào Phúc Tường cho rằng nếu giá bất động sản tiếp tục giảm thì rủi ro trích lập dự phòng sẽ tăng lên, ảnh hưởng tới tăng trưởng lợi nhuận của ngân hàng.

Bắt cựu nhân viên ngân hàng lừa đảo chiếm đoạt tài sản tiền tỷ

Chiều 15/2, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an TP. Đà Nẵng đã tống đạt quyết định khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam 4 tháng đối với Đoàn Văn Thiện (SN 1991, trú Quảng Ngãi) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo điều tra ban đầu, Thiện là nhân viên tín dụng tại một chi nhánh ngân hàng trên địa bàn phường Thạc Gián, quận Thanh Khê, TP. Đà Nẵng. Tận dụng các mối quan hệ trong công việc, Thiện làm thêm dịch vụ đáo hạn tín dụng và nhiều lần vay mượn tiền của của chị T.T.B. (trú phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu) để làm ăn. Thời gian đầu, Thiện luôn trả đúng thời hạn đủ gốc và lãi các khoản vay nên được chị B. tin tưởng.

Tháng 3/2021, Thiện tiếp tục hỏi chị B. vay số tiền 1,5 tỷ đồng với lãi suất 0,2%/ngày (tương đương 6%/tháng) với lý do cần tiền để đáo hạn tín dụng cho khách. Tuy nhiên, thực chất thời điểm này, Thiện đang mắc nợ nhiều người với số tiền lớn do hùn vốn kinh doanh bất động sản nhưng bị thua lỗ.

Số tiền 1,5 tỷ đồng nhận được từ chị B., Thiện đã chuyển cho nhiều người để trả một phần các khoản vay mượn trước đó.

Đến hẹn, Thiện không có tiền để trả cho chị B. nên đã viết giấy nhận nợ và xin lùi thời gian hoàn trả. Sau khi nhiều lần Thiện không thể trả khoản tiền đã vay như đã cam kết nên chị B. đã tố cáo hành vi gian dối của Thiện đến cơ quan công an.

Vay vốn rẻ mua nhà: Thời điểm 'sốc' khi lãi suất đột ngột tăng cao

Dù lãi suất huy động hiện nay có phần hạ nhiệt nhưng lãi vay mua nhà tại các ngân hàng vẫn tăng cao. Một số ngân hàng còn đưa ra mức lãi vay tối thiểu cao hơn lãi thả nổi thông thường.

Lãi suất vay mua nhà hiện vẫn rất cao. Lãi suất ưu đãi vay mua nhà hiện dao động từ 4,99-11,7%/năm. Các ngân hàng có mức vay thấp có thể kể đến MSB (4,99%/năm), PVcomBank (5%/năm) và TPBank (5,9%/năm). Nhưng thời gian hưởng lãi suất ưu đãi thường chỉ trong 3-6 tháng đầu.

Hết thời gian ưu đãi, nhiều ngân hàng sẽ áp dụng lãi suất thả nổi. Nhiều người vay mua nhà đang phải trả lãi suất từ 12-15%/năm trong các năm tiếp theo. 

Cách đây 1 - 2 năm, lãi vay mua nhà chỉ từ 7-8%/năm. Hiện nay, có nhà băng đẩy lãi suất thả nổi tới 16-17%/năm, cao gấp 2 lần.

Lãi suất vay mua nhà neo ở mức cao nhưng việc cho vay vốn vẫn rất khó khăn. Nhân viên một số ngân hàng cho biết, hồ sơ cho vay cá nhân liên quan bất động sản hiện vẫn rất hạn chế, phê duyệt cực kỳ khó khăn.

Nhiều người không vay được tiền ngân hàng mua nhà đành chấp nhận bỏ cọc.

Ông Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn tài chính - Trường Đại học Kinh tế TP.HCM, cho rằng với mức lãi suất cho vay cao như hiện nay thì tỷ lệ nợ xấu trong ngân hàng tăng lên là điều không tránh khỏi. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, những khoản vay cũ lãi suất tới 13-15%/năm, có những khoản vay lãi tăng 50% sau thời gian ưu đãi sẽ quá sức chịu đựng của khách hàng. Các ngân hàng cần tính toán lãi vay đối với nhu cầu mua nhà ở sao cho hợp lý, có thể thực hiện giảm lãi vay, giãn nợ nếu không muốn nợ xấu tăng lên.

Eximbank chốt tổ chức đại hội cổ đông thường niên vào ngày 14/4

Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank, HoSE: EIB) trong tuần qua cho biết đã thông qua kế hoạch tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023.

Theo đó, đại hội dự kiến sẽ được tổ chức vào ngày 14/4/2023 tại TP. HCM. Ngày chốt danh sách cổ đông tham dự đại hội là 15/3/2023. Nội dung chi tiết tại đại hội chưa được ngân hàng này công bố.

Cách đây không lâu, sau lần 1 bất thành, Eximbank đã tổ chức thành công đại hội đồng cổ đông bất thường lần 2 với tỷ lệ cổ đông có quyền biểu quyết tham dự trên 82%.

Đại hội bất thường đã thông qua việc miễn nhiệm một số thành viên của các nhóm cổ đông cũ là đối tác chiến lược SMBC và nhóm Thành Công, đồng thời bầu bổ sung ba thành viên mới vào HĐQT nhiệm kỳ 2022 - 2025 gồm: Bà Lê Thị Mai Loan (sinh năm 1982), ông Phạm Quang Dũng (sinh năm 1982) và ông Trần Anh Thắng (sinh năm 1984).

Tính đến thời điểm hiện tại, HĐQT của Eximbank gồm 7 thành viên, trong đó bà Lương Thị Cẩm Tú là Chủ tịch HĐQT. Ban kiểm soát có hai thành viên.

VSD khẳng định room ngoại 30% tại Sacombank là đúng

Liên quan tới lùm xùm về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài với cổ phiếu STB, ngày 16/2, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) đã có công văn số 1123/VSD-ĐK.NV để trả lời công văn số 06/2023/CV-HĐQT từ Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank). 

Theo đó, VSD khẳng định quản lý tỷ lệ sở hữu tối đa của NĐTNN đối với cổ phiếu STB là 30% vốn điều lệ hiện tại, dựa trên các căn cứ: Hồ sơ của Sacombank tại công văn số 11/2014/CV-HĐQT ngày 26/2/2014 và công văn số 16/2014/CV-HĐQT ngày 11/3/2014, trong đó đề nghị mở lại tỷ lệ cổ phần sở hữu cổ phiếu STB cho cổ đông nước ngoài về mức 30% vốn điều lệ của Sacombank; Công văn số 829/UBCK-PTTT ngày 4/3/2014 của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước thông báo về việc giải toả tỷ lệ sở hữu cổ đông nước ngoài của Sacombank; Quy định pháp luật về ngân hàng và pháp luật chứng khoán. 

Trong công văn mới nhất ngày 16/2, VSD cũng khẳng định từ sau các công văn năm 2014, Sacombank chưa gửi bất kỳ đề nghị thay đổi tỷ lệ sở hữu 30% của nhà đầu tư nước ngoài. 

Về việc con số tỷ lệ 23,64% mà Sacombank đề cập trong công văn 06/2023/CV-HĐQT, VSD cho biết trong thời gian 400.000.000 cổ phiếu STB được đăng ký bổ sung nhưng chưa được niêm yết, VSD đã phải phối hợp với Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE) để tính toán số liệu sở hữu nước ngoài dựa trên 1.485.215.716 cổ phiếu đã niêm yết để phản ánh chính xác tỷ lệ room ngoại trên hệ thống của HoSE.

Việc này nhằm đảm bảo khi niêm yết bổ sung 400.000.000 cổ phiếu STB, tỷ lệ nắm giữ của nhà đầu tư nước ngoài không vượt quá 30% theo quy định pháp luật. 

Cảnh báo: Nhiều ngân hàng bị giả mạo trang web

Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia cho biết đã có nhiều ngân hàng, ví điện tử, trang thương mại điện tử… bị giả mạo trang web để lừa đảo.

Tính riêng trong tuần đầu tháng 2, Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia đã nhận được 166 phản ánh trường hợp lừa đảo từ người dùng Internet Việt Nam. Qua kiểm tra, các chuyên gia cho biết có nhiều trường hợp lừa đảo giả mạo website của ngân hàng, các trang thương mại điện tử…

Cụ thể, các đối tượng lừa đảo đã giả mạo website của các ngân hàng như: Ngân hàng TNHH MTV Shinhan Việt Nam qua địa chỉ cardshinhan.com; Ngân hàng An Bình qua anbinh-finance.club; Ngân hàng TMCP Phát triển TP. HCM qua địa chỉ hdbankfinance.live; Ngân hàng TMCP Quân Đội qua địa chỉ vaymb.org.

Bên cạnh đó, các trang web, ví điện tử và sàn thương mại điện tử cũng bị giả mạo. Chẳng hạn, ví điện tử MoMo bị giả mạo với hai địa chỉ mmomo.me và clmm1.tv; sàn thương mại điện tử Lazada là mxp00338.com; sàn Shopee là Viashopee.com; sàn Tiki là tiki11.com...

Ngoài ra, các doanh nghiệp lớn cũng bị giả mạo website như: Công ty Cổ phần viễn thông FPT, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Lotte… Thậm chí, các doanh nghiệp kể trên đã nhiều lần bị giả mạo.

Hải Đường

Theo VietnamFinance