Nguồn cung margin dần cạn, loạt công ty chứng khoán lớn nhỏ dồn dập kế hoạch tăng vốn

Hiện tại, nhiều công ty chứng khoán đang lên kế hoạch tăng vốn trong năm nay do nguồn cung margin dần cạn.

Tại thị trường chứng khoán, dòng tiền cho vay ký quỹ (margin) luôn là động lực quan trọng của thị trường. Khi thị trường tăng, nhu cầu sử dụng margin nhiều hơn và tổng dư nợ ký quỹ sẽ nở ra tương ứng.

Trong 3 tháng đầu năm 2021, thị trường chứng khoán Việt Nam lại tiếp tục chứng sự ồ ạt mở tài khoản mới của nhà đầu tư mới (F0).

Số liệu thống kê từ Trung tâm Lưu ký chứng khoán cho thấy, lượng tài khoản mở mới quý 1/2021 xấp xỉ 255.000 tài khoản; riêng tháng 3 đạt kỷ lục với 113.191 tài khoản. Do đó, lượng dư nợ margin cũng đạt mức kỷ lục và không ít công ty chứng khoán cạn vốn, không còn nguồn tiền để cho khách hàng vay thêm.

Từ cuối năm 2020, dòng tiền trên thị trường chứng khoán Việt Nam luôn được trì ở mức cao khiến dòng tiền cho vay ký quỹ (margin) của nhiều công ty chứng khoán cũng tăng mạnh, thậm chí có đơn vị đã chạm tới giới hạn.

Trong khi đó, thị trường tiếp tục sôi động trong những tháng đầu năm 2021 và được dự báo còn kéo dài, do đó, nhiều công ty chứng khoán muốn tăng nguồn cho vay margin. Để làm được việc này, các đơn vị cũng đã và đang chuẩn bị nhiều phương án để tăng thêm nguồn vốn cho vay.

Nếu muốn giữ khách, công ty chứng khoán phải đáp ứng nguồn vốn. Tuy nhiên, theo quy định hiện hành, các công ty chứng khoán chỉ được phép cho vay không quá 2 lần vốn chủ sở hữu. Vì vậy, loạt công ty chứng khoán lớn nhỏ buộc phải tăng vốn để đáp ứng “cơn khát” margin của làn sóng nhà đầu tư F0.

Nguồn cung margin dần cạn, loạt công ty chứng khoán lớn nhỏ dồn dập kế hoạch tăng vốn - Ảnh 1
Nguồn: Tinnhanhchungkhoan.vn

Cụ thể, Công ty Chứng khoán MB (MBS) lên kế hoạch tăng vốn thêm 1.643 tỷ đồng lên 2.676 tỷ đồng thông qua các hình thức phát hành ESOP, chào bán cho cổ đông hiện hữu và chia cổ tức bằng cổ phiếu.

Chứng khoán Châu Á – Thái Bình Dương (HNX: APS) trình kế hoạch chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 100% (cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu được quyền mua 1 cổ phiếu mới). Tổng khối lượng phát hành là 39 triệu cổ phiếu nhằm tăng vốn điều lệ lên 780 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự kiến trong quý 2/2021.

Tương tự, Chứng khoán VNDirect (VND) đã thông qua việc phát hành hơn 220 triệu cổ phiếu mới cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 1:1. Vốn của VND được tăng hơn gấp đôi, từ mức 2.145 tỷ đồng lên gần 4.400 tỷ đồng sau khi phát hành thành công.

CTCP Chứng khoán TP HCM (HSC, mã HCM –HoSE) cũng dự kiến chào bán 152,5 triệu cổ phiếu mới, tương đương tỷ lệ phát hành 2:1. Vốn điều lệ của công ty chứng khoán này sẽ tăng gấp rưỡi từ 3.058 tỷ đồng lên 4.583 tỷ đồng. Giá phát hành cho đợt chào bán này là 14.000 đồng/cổ phiếu, cao hơn 40% so với mệnh giá cổ phiếu và bằng với giá chào bán trong đợt chào bán gần nhất hồi tháng 2/2019.

Theo tài liệu ĐHCĐ CTCP Chứng khoán SSI (mã chứng khoán SSI), năm 2021, SSI có kế hoạch tăng vốn điều lệ lên tối đa 11.000 tỷ đồng. Tổng số tiền thu được từ đợt phát hành cổ phiếu này dự kiến sử dụng bổ sung nguồn vốn cho hoạt động cho vay giao dịch ký quỹ (margin).

Nếu thành công, SSI sẽ là công ty chứng khoán có vốn điều lệ lớn nhất, gấp đôi vốn điều lệ của công ty ở vị trí thứ 2 hiện nay là Mirae Asset (5.455 tỷ đồng).

Ngoài ra, Công ty Cổ phần Chứng khoán An Bình (ABS) cũng sẽ phát hành cổ phiếu để chia cổ tức 10% và chào bán thêm cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ lên 1.000 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự kiến hoàn thành trong quý 3/2021.

Tương tự, cổ đông chứng khoán Bản Việt (VCSC) cũng thông qua kế hoạch tăng vốn lên gấp đôi, từ 1.656 tỷ đồng lên 3.330 tỷ đồng trong năm nay. Cụ thể, VCSC dự kiến chào bán 900.000 cổ phiếu cho cán bộ công nhân viên (ESOP), giá 15.000 đồng/cổ phiếu. Đáng chú ý, mức giá ESOP chỉ bằng 1/4 thị giá hiện tại (65.000 đồng/cổ phiếu).

Bên cạnh những ông lớn, hàng loạt các công ty chứng khoán nhỏ cũng đã và đang có kế hoạch nâng vốn trong năm 2021 để tăng cường năng lực tài chính, đáp ứng dịch vụ cho giới đầu tư.

Cụ thể, chứng khoán Đà Nẵng (DSC) chào bán 94 triệu cổ phiếu riêng lẻ tăng vốn điều lệ với giá chào bán bằng mệnh giá 10.000 đồng/cp. Đối tượng chào bán là nhà đầu tư chiến lược có tiềm lực tài chính, dự kiến thực hiện từ tháng 3/2021 và sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 3 năm.

Nếu việc phát hành thành công, số lượng cổ phiếu lưu hành của DSC sẽ tăng từ 6 triệu cổ phiếu (vốn điều lệ 60 tỷ đồng) lên 100 triệu cổ phiếu (vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng).

Chứng khoán Đại Nam (DNSE) cũng đã thông qua kế hoạch tăng vốn từ 160 tỷ lên 1.000 tỷ đồng trong năm 2021; Chứng khoán Everest (EVS) sẽ chào bán riêng lẻ 40 triệu cổ phiếu, tăng vốn điều lệ từ 600 tỷ lên 1.000 tỷ đồng. Chứng khoán Pinetree (thành viên của Hanwha Group) cũng cho biết sẽ tăng vốn điều lệ thêm 200 tỷ đồng lên 815 tỷ đồng trong năm nay.

Có thể thấy, các công ty chứng khoán tăng vốn sẽ lợi nhiều hơn hại. Do đó, đây là thời điểm tốt để doanh nghiệp nắm bắt.

Nguồn cung margin dần cạn, loạt công ty chứng khoán lớn nhỏ dồn dập kế hoạch tăng vốn - Ảnh 2

 

Hà Phương (t/h)

Theo Sở hữu trí tuệ