Nhiều sai phạm trong sử dụng đất nông, lâm trường quốc doanh

Thanh tra Chính phủ chỉ ra nhiều sai phạm trong sử dụng đất tại Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam và Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam...

 Bùi Ngọc Lam - Phó Tổng Thanh tra Chính phủ vừa ký thông báo Kết luận thanh tra số 1452/KL-TTCP về việc chấp hành pháp luật trong quản lý và sử dụng đất đai, trong đó có đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh tại Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam và Tổng công ty Chè Việt Nam.

Theo đó, bên cạnh những thành tích đã đạt được, các tập đoàn, tổng công ty nêu trên còn để xảy ra những bất cập, vi phạm, khuyết điểm trong lĩnh vực quản lý và sử dụng đất đai.

Tại Tập đoàn công nghiệp Cao su Việt Nam, công tác quản lý hồ sơ đất đai trước đây của tập đoàn còn sơ sài, không đầy đủ, chủ yếu là sử dụng hồ sơ dạng giấy, bản đồ địa hình, tài liệu đo đạc lạc hậu, công cụ để quản lý thô sơ, nguồn lực mỏng, diện tích được giao lại quá lớn dẫn đến khó khăn trong theo dõi, quản lý, giải quyết tranh chấp, lấn chiếm đất đai.

Nhiều sai phạm trong sử dụng đất nông, lâm trường quốc doanh - Ảnh 1
Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam.

Tính đến ngày 31/12/2017, các đơn vị thuộc tập đoàn còn để hơn 10.710 ha đất bị lấn chiếm, tập trung ở các tỉnh Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và để diện tích đất chồng lấn giữa các công ty thuộc tập đoàn với những đối tượng khác, chủ yếu là người dân lên tới 1.737 ha…

Tổng công ty Lâm nghiệp để diện tích đất bị lấn chiếm, chưa thu hồi là hơn 7.396 ha, việc lấn chiếm chủ yếu xảy ra vào giai đoạn từ năm 2005 về trước (những năm sau cơ bản đã khống chế được tình trạng lấn chiếm).

Trong đó có nguyên nhân do những năm trước đây, các lâm trường quốc doanh được giao đất lâm nghiệp nhưng để đất trống nhiều năm, không đưa vào sử dụng… cho nên bị hộ dân lấn chiếm; đất lâm nghiệp trước đây chưa được đo đạc, cắm mốc và chưa có bản đồ địa chính, không có hồ sơ ranh giới cụ thể cho nên khi bị lấn chiếm, không có đầy đủ hồ sơ pháp lý để xử lý dứt điểm, dẫn đến tình trạng lấn chiếm đất đai xảy ra trong thời gian dài, không được xử lý triệt để…

Tổng công ty Chè Việt Nam để 497,53 ha đất bị lấn chiếm, tập trung tại tỉnh Phú Thọ, đến nay chưa giải quyết dứt điểm; đưa 12 khu đất để góp vốn liên doanh, liên kết, cho thuê lại đất không đúng quy định; thoái vốn không thông qua đấu giá, vi phạm quy định pháp luật…

Diện tích đất nông nghiệp các đơn vị thuộc tổng công ty được giao là 1.644,5 ha, đến thời điểm thanh tra chưa thực hiện ký hợp đồng thuê đất và nộp tiền thuế theo quy định từ năm 2005 đến ngày 31/12/2017.

Sau khi chỉ ra hàng loạt sai phạm, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ ngành chấn chỉnh, khắc phục, xử lý đối với những tồn tại, vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đai có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh tại 3 doanh nghiệp nói trên.

Trong đó, Bộ NN&PTNT chỉ đạo xử lý đối với 150ha đất tại huyện Tân Lạc (tỉnh Hòa Bình) liên quan đến hợp đồng đã ký giữa Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam với Công ty Lâm nghiệp Hòa Bình. Kiểm điểm xử lý trách nhiệm các đơn vị, tổ chức, cá nhân thuộc Bộ liên quan đến khuyết điểm, vi phạm tại Tập đoàn Cao su Việt Nam , Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam và Tổng công ty Chè Việt Nam.

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo người đại diện phần vốn nhà nước tại Tập đoàn Cao su, Tổng công ty Lâm nghiệp tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với những đơn vị, cá nhân có vi phạm.

Giao Bộ Công an chỉ đạo Cơ quan điều tra xác minh để xử lý theo quy định pháp luật đối với vi phạm quản lý, sử dụng nhà đất tại: Số 67 Ngô Thì Nhậm (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội); số 25D Cát Linh (quận Đống Đa, Hà Nội); Khu đất 1500m2 tại phố Trần Khát Chân (phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội);

Khu đất 6.000m2 tại Kho Cổ Loa, huyện Đông Anh (Hà Nội); số 126 phố Lạch Tray (quận Ngô Quyền, Hải Phòng); số 341 Vạn Mỹ (phường Đông Hải, quận Hải An, Hải Phòng); khu đất 13.147m2 tại huyện Lương Sơn (tỉnh Hòa Bình); khu đất có diện tích 11.022m2 Vườn ươm trồng chè tại thôn Chiềng Đi (xã Vân Hồ, huyện Mộc Châu, Sơn La);

Khu đất diện tích 15.123m2 Nhà máy chè Vân Hồ (thôn Bó Nhang, xã Vân Hồ, huyện Mộ Châu, Sơn La); Khu đất 5.402m2 Nhà máy chè Chiềng Đi (xã Vân Hồ, Mộc Châu, Sơn La); số 59 An Bình (phường 6, quận 5, TPHCM); số 225 Nam Kỳ Khởi Nghĩa (quận 3, TPHCM).

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã có ý kiến đồng ý với kết luận thanh tra và giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ TN&MT, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, 3 doanh nghiệp nói trên và các cơ quan liên quan thực hiện các kiến nghị của Thanh tra Chính phủ.

Ngọc Thanh

Theo Báo Đất Việt