NHNN bán ra không hạn chế, giá vàng miếng về dưới 80 triệu đồng/lượng?
Việc bán vàng trực tiếp cho người dân được các chuyên gia đánh giá là phương án tích cực, hiệu quả. Với giải pháp can thiệp mạnh tay nhất từ trước đến nay, giá vàng miếng SJC sẽ lập tức đi xuống. Một số chuyên gia dự báo giá vàng miếng SJC sẽ sớm về mốc 75 - 80 triệu đồng/lượng.
Động thái mạnh tay bình ổn thị trường vàng
Ngày 29/5, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã thông tin về phương án điều hành thị trường vàng sau khi ngừng đấu thầu.
Theo đó, từ ngày 3/6, NHNN sẽ thực hiện bán vàng trực tiếp cho 4 ngân hàng có vốn nhà nước là Vietcombank, Agribank, VietinBank, BIDV theo mức giá do NHNN xác định, căn cứ theo giá thế giới.
Đại diện NHNN cho biết, với nguồn lực dồi dào và các công cụ hiện có, cơ quan này có đủ khả năng và quyết tâm để bình ổn thị trường. Chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới sẽ nhanh chóng được thu hẹp một cách bền vững.
Theo giới phân tích, đây được cho là một động thái mạnh tay nhằm bình ổn thị trường vàng, bởi biện pháp đấu thầu không mang lại nhiều kết quả mà thậm chí còn khiến giá vàng tăng lên.
Phương án mới được cho là sẽ hạn chế được vấn đề thao túng giá vàng khi các ngân hàng chủ yếu sẽ "thay mặt" NHNN bán trực tiếp tới tay người dân chứ không phải mệnh ai nấy quyết định giá như việc đấu thầu vàng và để cho các doanh nghiệp kinh doanh.
Chuyên gia vàng Trần Duy Phương đánh giá, phương án can thiệp mới của NHNN tích cực, có tính khả thi, hiệu quả hơn so với phương án đấu thầu vàng, do Nhà nước sẽ quyết định giá theo mong muốn để thu hẹp chênh lệch giá trong nước và thế giới. Còn trước đây, giá do các doanh nghiệp và ngân hàng quyết định dựa theo nhu cầu và lợi nhuận nên khó làm cho giá bình ổn.
Theo ông Phương, với việc thay thế bằng phương án cho nhóm Big4 bán vàng ra theo chỉ định của NHNN, giá bán căn cứ theo giá thế giới, cộng với một phần biên lợi nhuận nào đó để cho ra mức giá bán hợp lý, theo kỳ vọng của NHNN. Điều này sẽ tạo hiệu ứng tâm lý, nhiều người sẽ không còn đầu cơ, tích trữ. Thị trường đã xuất hiện lực bán, giá đã bắt đầu suy giảm.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Ngọc Trọng, Giám đốc Công ty vàng Đối tác mới (NPJ) cũng cho rằng, phương án được NHNN mới đưa ra là phương án quyết liệt nhất từ trước đến nay và có mục tiêu rõ ràng là đưa giá vàng miếng SJC về sát giá vàng thế giới quy đổi.
Theo TS. Đinh Thế Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu tin học và kinh tế ứng dụng, việc NHNN dừng đấu thầu vàng và quyết định nhập khẩu vàng về để bán cho 4 ngân hàng thương mại nhà nước là giải pháp đúng, là tăng cung có kiểm soát.
Tuy nhiên, theo TS. Cấn Văn Lực, việc bán vàng qua nhóm ngân hàng Big 4 chỉ là biện pháp trước mắt nhằm tăng nguồn cung trên thị trường khiến giá giảm ngay. Nhưng về lâu dài cần đảm bảo thị trường vàng minh bạch và ngăn chặn thao túng giá, xoá bỏ độc quyền có thể xử lý dứt điểm được câu chuyện chênh lệch giá.
Việc độc quyền cho SJC làm thương hiệu vàng quốc gia dẫn đến thiếu sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh vàng miếng. Người dân phải bán vàng miếng các thương hiệu vàng khác mà họ đã mua nắm giữ từ bao lâu với giá rẻ hơn vàng SJC, mặc dù chất lượng như nhau.
Xử lý các hành vi thao túng giá để bình ổn thị trường vàng là giải pháp đã được nhiều chuyên gia nhắc đến từ trước khi giá vàng có dấu hiệu nhảy múa. Thời gian qua, giá vàng tăng bất chấp quy luật, không phải do sóng vàng thế giới cũng không phải do nhu cầu mà do chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới quá cao, có thời điểm gần 20 triệu đồng/lượng.
Theo PGS. TS Ngô Trí Long, mức chênh lệch này gây ra hệ quả rất lớn, đó là buôn lậu vàng, chảy máu ngoại tệ, trốn thuế, tạo môi trường cạnh tranh không lành mạnh. Điều này khiến thị trường bất ổn do giá trong nước không sát với giá thế giới.
Ông Long cho hay, chúng ta đang điều hành thị trường vàng bằng Nghị định 24 (năm 2012) nhưng đã quá bất cập, lỗi thời, không phù hợp. Vì thế, giải pháp đầu tiên là phải thay thế gấp Nghị định 24.
Ông Long cho rằng, có 3 biện pháp quản lý thị trường vàng là hành chính, tổ chức và kinh tế. Trong đó, giải pháp kinh tế là giải pháp thượng sách, còn hành chính và tổ chức là biện pháp hạ sách. Vị chuyên gia nhắc lại rất nhiều giải pháp mà ông đã từng đưa ra, đó là cần thay đổi tư duy quản lý. NHNN chỉ thực hiện đúng chức năng, đừng kinh doanh; tạo sân chơi bình đẳng, phù hợp với thông lệ quốc tế. Phải có nhiều sản phẩm vàng, tránh một thương hiệu. Ngoài vàng vật chất cần chú ý đến chứng chỉ vàng, sử dụng công cụ phái sinh, mở sàn vàng...
Theo ông Huỳnh Trung Khánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, ngân hàng bán vàng cũng chỉ là giải pháp can thiệp ngắn hạn. Còn dài hạn vẫn phải sửa đổi Nghị định 24, xem xét lại vấn đề độc quyền vàng miếng SJC có cần thiết nữa hay không. Cùng với đó, phải cho nhập khẩu vàng nguyên liệu.
Giá vàng miếng SJC sẽ về mốc 75 triệu đồng/lượng?
Với giải pháp bán vàng trực tiếp cho 4 ngân hàng thương mại nhà nước để bán lẻ đến người dân, các chuyên gia dự báo, giá vàng miếng SJC sẽ sớm hạ nhiệt.
Nhiều chuyên gia cho rằng với giá vàng thế giới như hiện tại, trước mắt giá vàng miếng SJC có khả năng giảm về mức 85 triệu đồng/lượng và giảm dần về mức 80 triệu đồng/lượng. Trong trường hợp giá vàng thế giới sập mạnh, giá vàng miếng SJC có khả năng về dưới 80 triệu đồng/lượng.
Trần Duy Phương nhận định: Với tiềm lực và quyết tâm của NHNN cũng như chỉ đạo của Chính phủ, giá vàng SJC về khoảng 80 triệu đồng/lượng là trong tầm tay.
TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế, cũng cho rằng giá vàng sẽ hạ dần theo thời gian mà lượng vàng được NHNN cung ra.
Theo ông Hiển, ở giai đoạn đầu, giá vàng chưa thể giảm ngay nhưng quan trọng nhất, đó là phần chênh lệch này nằm trong tay nhà nước để có dự trữ phòng ngừa rủi ro và điều tiết, thay vì chảy vào túi đầu cơ, buôn lậu. Vì thế, trong thời gian tới, giá vàng trong nước sẽ giảm nhiệt.
Ông Hiển cho rằng, giá vàng SJC chênh lệch với giá vàng thế giới 2-4 triệu đồng/lượng là hợp lý.
Như vậy, nếu theo dự báo của vị chuyên gia này, giá vàng SJC trong nước sẽ giảm về mốc 74-76 triệu đồng/lượng, khi giá vàng trên thế giới hiện dao động ở ngưỡng 72 triệu đồng/lượng.
Cùng quan điểm, ông Huỳnh Trung Khánh nhìn nhận: nếu NHNN giá bán căn cứ theo giá thế giới mà hiện giá vàng quốc tế khoảng 72-73 triệu đồng/lượng thì giá bán ra mức 80 triệu đồng/lượng là tuyệt vời, chỉ chênh lệch 5-7 triệu đồng/lượng.
Tuy nhiên, theo chuyên gia này, sự hạ nhiệt của giá vàng còn phụ thuộc vào số lượng vàng bán ra, nếu ít quá giá cũng khó giảm dù bán rẻ. Bán ra bao nhiêu, mua hết bấy nhiêu lại khan hàng, giá sẽ tăng trở lại. Do đó, cần bán ra ít nhất khoảng 3-4 tấn trong vòng một tháng mới có thể giảm về giá mong muốn.
Ngay sau thông báo bán vàng trực tiếp cho người dân của NHNN, giá vàng SJC liên tục giảm mạnh. Trong chiều 29/5, giá vàng SJC giảm hơn nửa triệu đồng/lượng.
Đến sáng 30/5, giá vàng SJC tiếp đà giảm mạnh, hạ 3,8 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và 2,3 triệu đồng/lượng ở chiều bán, xuống còn 88 triệu đồng/lượng, mức thấp nhất trong 1 tháng qua. Đây là cú giảm mạnh nhất của giá vàng miếng SJC trong thời gian gần đây.
Tới trưa và chiều 30/5, giá vàng miếng SJC đảo chiều tăng tổng cộng 1,8 triệu đồng chiều mua và tăng 800 nghìn đồng chiều bán. Nhưng tính chung cả phiên 30/5, giá vàng miếng SJC giảm 2 triệu đồng/lượng ở chiều mua và hạ 1,5 triệu đồng/lượng ở chiều bán, niêm yết cuối phiên ở mức 86,3-88,8 triệu đồng/lượng (mua - bán).
Như vậy, chỉ trong hơn 1 ngày, giá vàng SJC đã giảm tới 2,5 triệu đồng/lượng.