Phát triển Thừa Thiên Huế: Không nhiệm kỳ, không nóng vội...

Ông Phan Ngọc Thọ khẳng định, yếu tố quyết định đến hiệu quả phát triển của Thừa Thiên Huế là làm theo chương trình, kế hoạch, không phải theo nhiệm kỳ.

Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10 tháng 12 năm 2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định mục tiêu đến năm 2025, Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hoá Huế, với đặc trưng văn hoá, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh.

Để thực hiện mục tiêu này, theo tờ trình Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế, Bộ KH-ĐT xác định, nhu cầu đầu tư xây dựng phát triển Thừa Thiên Huế thành thành phố trực thuộc Trung ương rất lớn, dự kiến khoảng 10.000 tỷ đồng/năm, trong đó vốn trùng tu, bảo tồn di tích khoảng 1.000 tỷ đồng/năm.

Trao đổi với Đất Việt, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Phan Ngọc Thọ khẳng định, nhu cầu phát triển trong 5 năm tới, có thể đủ điều kiện trở thành thành phố trực thuộc Trung ương là một trong những nhu cầu cấp thiết của Thừa Thiên Huế nhằm triển khai Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị.

Để làm được điều này, ông Thọ cho biết, việc phát triển phải theo rất nhiều chương tình, như chương trình phát triển đô thị Thừa Thiên Huế đang được xây dựng và triển khai; các dự án, chương trình trọng tâm, trọng điểm, đặc biệt là kết cấu hạ tầng như kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, hạ tầng xã hội; phương án và kế hoạch trùng tu phát huy giá trị di sản; kế hoạch di dân khu vực 1 Kinh thành Huế để trả lại đất đai cho di sản theo Luật Di sản...

Tất cả những việc này nằm trong kế hoạch phát triển 5-10 năm tới và để làm được, theo ông Thọ, cần nguồn lực rất lớn, theo tính toán mỗi năm cần đến 8.000-10.000 tỷ đồng.

Quần thể di sản Huế nhìn từ trên cao  
Quần thể di sản Huế nhìn từ trên cao  
 

"Nếu có tiền và chuẩn bị chương trình, kế hoạch phát triển thật thấu đáo thì chúng tôi đảm bảo sử dụng đồng tiền một cách hợp lý, đồng tiền ấy phải được xử lý và sử dụng vào chương trình, kế hoạch đã được duyệt theo từng năm, từng chu kỳ.

Nói cách khác, có tiền là có dự án và nó phải đảm tính khả thi, đảm bảo sử dụng đúng mục tiêu, định hướng để xây dựng Thừa Thiên Huế thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn di sản", nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế nói và và cho biết, công việc mà Thừa Thiên Huế phải làm là chuẩn bị dự án, chuẩn bị chương trình phát triển đồng bộ về hạ tầng, cơ sở vật chất, trùng tu, bảo vệ và phát huy giá trị di sản, chuẩn bị quy hoạch... để khi có nguồn lực thì tỉnh có đủ điều kiện sử dụng, đầu tư đúng mục tiêu, hiệu quả đặt ra.

"Làm việc này phải làm theo chương trình, kế hoạch, không thể theo nhiệm kỳ hay sự nóng vội. Đó là yếu tố quyết định đến hiệu quả, sự thành công", ông nhấn mạnh.

Một điểm quan trọng được ông Phan Ngọc Thọ lưu ý, đó là phát triển Thừa Thiên Huế nhanh và bền vững trên nền tảng kinh tế tri thức và nền tảng văn hóa. Theo đó, văn hóa là động lực để phát triển Thừa Thiên Huế trong những năm tới, để xây dựng Thừa Thiên Huế thành một đô thị đặc thù - đô thị di sản theo định hướng của Nghị quyết 54.

Văn hóa ở đây, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế nhấn mạnh, không chỉ là văn hóa vật thể, văn hóa phi vật thể mà còn là con người, quan niệm... Chính đặc sắc văn hóa này sẽ giúp cải thiện và nâng cao sức cạnh tranh của môi trường đầu tư. Đây là điều kiện quan trọng để thu hút các nhà đầu tư có thương hiệu, có tâm huyết, ý muốn đầu tư lâu dài tại Huế.

"Điều kiện văn hóa là một trong những điều kiện ưu tiên trong thời gian tới của Thừa Thiên Huế. Văn hóa gắn liên với môi trường, cảnh quan, với yếu tố an toàn trong quá trình đầu tư.

Đến thời điểm nào đó, môi trường văn hóa sẽ là môi trường đầu tư cạnh tranh nhất để thu hút nhà đầu tư có thương hiệu, tâm huyết, có nguồn lực", ông Thọ khẳng định.

Dĩ nhiên, để làm được điều này vô cùng khó, bởi song song với văn hóa thì Thừa Thiên Huế phải đáp ứng những yêu cầu tối thiểu về hạ tầng cơ bản như sân bay, bến cảng, hạ tầng giao thông, điện nước...

"Thừa Thiên Huế lấy văn hóa làm nền tảng trong quá trình phát triển. Văn hóa, ứng xử của con người cũng là một trong những yếu tố hấp dẫn nguồn lực đầu tư vào Thừa Thiên Huế.

Những nhà đầu tư có năng lực, có tâm, muốn gắn bó lâu dài với Thừa Thiên Huế không phải chỉ vì tài nguyên, thiên nhiên, lợi thế của Thừa Thiên Huế mà còn vì bản tính cần cù, chăm chỉ, có ý chí vươn lên, có quyết tâm làm giàu, văn hóa ứng xử của con người Huế...", ông Thọ kết luận.

Thành Luân

Theo Đất Việt