Pyn Elite Fund thắng lớn với cổ phiếu hàng không
Cổ phiếu ngành hàng không bứt phá mạnh trong giai đoạn vừa qua đã mang lại thành quả lớn cho quỹ đầu tư Pyn Elite Fund (Phần Lan).
Pyn Elite Fund phân bổ hơn 10% danh mục đầu tư trị giá 780 triệu Euro (840 triệu USD) vào những mã chứng khoán liên quan ngành hàng không.
Báo cáo đầu tư trong tháng 5 của quỹ cho thấy 2/4 mã tăng giá mạnh nhất trong danh mục đến từ nhóm hàng không là ACV và HVN. Với tỷ trọng đứng thứ hai trong danh mục đầu tư (9%), cổ phiếu ACV tăng giá 24% trong tháng 5, góp phần lớn giúp Pyn Elite Fund có hiệu suất vượt trội mức tăng của VN-Index.
Tỷ suất lợi nhuận đầu tư của quỹ Pyn trong tháng vừa qua đạt 5%, trong khi chỉ số thị trường chung tăng 4,3%. Tuy vậy, kết quả trên còn nhờ vào nhóm cổ phiếu tâm điểm nhất giai đoạn này, đó là công nghệ.
Quỹ ngoại đến từ Phần Lan hưởng trái ngọt với cổ phiếu hai tập đoàn công nghệ hàng đầu Việt Nam là FPT và CMC (Mã: CMG). Hai mã đều đang trên đỉnh giá lịch sử và Pyn đã chốt lời một phần cổ phiếu CMG, giảm tỷ lệ sở hữu xuống dưới 6%.
Còn với FPT, mã này cũng bị khối ngoại bán ròng trong những phiên gần đây. Tuy nhiên, người viết không có đủ cơ sở để khẳng định giao dịch có đến từ quỹ Pyn hay không.
So với công nghệ, nhóm hàng không đang so kè về tỷ lệ tăng giá. Với Pyn, họ đang ưu ái hơn hàng không khi dành tỷ trọng gần gấp đôi nhóm công nghệ. Quyết định của nhà quản lý quỹ Petri Deryng đã đúng trong nửa đầu năm và đem lại trái ngọt.
Cổ phiếu ACV của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam tăng giá gần 85% kể từ đầu năm và liên tiếp thiết lập đỉnh giá mới trong những phiên gần đây. Đà tăng giá đã nâng tỷ trọng của ACV từ 6,7% (vị trí thứ 6) đầu năm 2024 lên 9% (vị trí thứ 2) vào cuối tháng 5/2024.
Với việc tiếp tục xu hướng tăng mạnh trong hai tuần đầu tháng 6, tỷ trọng của ACV trong danh mục của Pyn có thể đã tiệm cận ngưỡng 10%, bỏ xa ba mã ngân hàng theo sau là MBB, HDB và CTG.
Theo thông tin tìm hiểu của người viết, ở thời điểm cuối tháng 4/2024, Pyn Elite Fund nắm giữ hơn 19,1 triệu cổ phiếu ACV. Đây là một trong những tổ chức rót vốn lớn vào ACV cùng với quỹ giá trị tỷ USD - VOF của VinaCapital. Thời điểm đó, tổng lượng cổ phiếu ACV nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ là hơn 79 triệu đơn vị, tương ứng 3,65% vốn. Đồng nghĩa, Pyn Elite Fund chiếm khoảng 1/4 lượng trên.
Nói về ACV, nhà quản lý quỹ Pyn là ông Petri Deryng từng cho biết quỹ đã rót vốn với mức giá rất ưu đãi khi dịch COVID-19 bùng nổ. Năm 2024, người đứng đầu của quỹ Pyn Elite Fund kỳ vọng lưu lượng hàng không sẽ vượt qua mức đỉnh trước dịch nhờ cả lượng khách nội địa và quốc tế.
Không chỉ nắm giữ ACV, báo cáo tháng 5 của quỹ Pyn còn cho thấy tổ chức đến từ Phần Lan này phân bổ một phần vốn vào cổ phiếu hãng hàng không lớn nhất Việt Nam là HVN của Vietnam Airlines. Cổ phiếu HVN đứng đầu về tỷ lệ tăng giá trong danh mục đầu tư của Pyn với 61,2% trong tháng qua, gần gấp đôi mã theo sau là CMG (36,4%).
Thống kê cho thấy giá cổ phiếu HVN tăng gần 130% kể từ đầu năm và xuất hiện nhiều phiên tăng giá mạnh trong tháng 5. Đi cùng diễn biến giá tích cực trên, khối ngoại mua thêm gần 8 triệu cổ phiếu HVN. Những phiên mua/bán ròng HVN liên tiếp xuất hiện. Giao dịch trên có thể đến từ Pyn và giả định này là có cơ sở khi họ cũng là một tổ chức ưa thích “lướt sóng”.
Pyn Elite Fund còn đang là cổ đông của Công ty cổ phần Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn (Saigon Cargo Service, Mã: SCS). Đây là tổ chức có liên quan đến ACV với hoạt động chính là khai thác nhà ga hàng hóa hàng không tại Sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất.
Tính đến ngày 10/6, cổ phiếu SCS tăng khoảng 30% so với thời điểm đầu năm và đang giao dịch trên vùng đỉnh lịch sử. Việc SCS nổi sóng đã đem lại quả ngọt cho Pyn khi quỹ này liên tục mua gom đầu năm 2020 khi dịch COVID-19 bắt đầu bùng nổ. Quỹ từng là cổ đông lớn và nắm giữ hơn 6% vốn của SCS.
Song, kể từ tháng 12/2023, tổ chức Phần Lan này bắt đầu bán hạ tỷ trọng và không còn là cổ đông lớn của SCS từ tháng 3 năm nay. Ở thời điểm cuối tháng 4, quỹ Pyn vẫn đang nắm giữ hơn 4 triệu cổ phiếu SCS và với giao dịch khá èo uột như hiện tại, khả năng cao tổ chức này vẫn chưa thể chốt lời toàn bộ khoản đầu tư trên.
Mặc dù thắng lớn với cổ phiếu ngành hàng không, nhưng có một điều vẫn không thể không lưu ý tới đó khả năng thoái vốn của Pyn khỏi ngành này nếu như họ có nhu cầu chốt lời.
Với vị thế lớn, lượng cổ phiếu trong tay “cá mập” Pyn Elite Fund đang gấp hàng chục lần thanh khoản mỗi ngày của ACV, SCS. Do đó, việc ra quyết định đặt bán khớp lệnh trên sàn sẽ tác động lập tức đến cung cầu của cổ phiếu trên thị trường.
Đây là ngịch cạch không hiếm gặp trên thị trường chứng khoán Việt Nam, không ít tổ chức chật vật khi tìm cách thoái vốn khỏi doanh nghiệp nếu như không tìm được bên mua có thể tham gia giao dịch thỏa thuận. Gần đây nhất, Tael Two Partners phải “năm lần, bẩy lượt” đặt bán nhưng chưa thể triệt thoái vốn khỏi Vinasun (Mã: VNS).