Quảng Nam phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương

Ngày 16/3 tới, UBND tỉnh Quảng Nam sẽ tổ chức công bố công khai quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, đến tầm nhìn đến năm 2050 phát triển Quảng Nam trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; là trung tâm du lịch quốc tế quan trọng hiện đại và bền vững.

 

Quảng Nam phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương
Quảng Nam phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cho biết, ngày 17/1/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ thống nhất cho tỉnh Quảng Nam đăng cai tổ chức Đề án “Năm phục hồi đa dạng sinh học quốc gia - Quảng Nam 2024” theo Công văn 752/VPCP-KGVX ngày 31/1/2024 của Văn phòng Chính phủ.

Đây là sự kiện có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự phát triển của tỉnh Quảng Nam. Đồng thời là cơ sở để điều hành và quản lý mọi hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, phát triển không gian lãnh thổ trên địa bàn tỉnh này đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Ông Lê Trí Thanh cho biết thêm, sự kiện “Năm phục hồi đa dạng sinh học quốc gia - Quảng Nam 2024” là sự kiện quan trọng, có ý nghĩa cho sự phát triển bền vững của quốc gia và địa phương. Quảng nam là địa phương đầu tiên trong cả nước được chọn và chủ trì sự kiện năm phục hồi đa dạng sinh học trên cả nước.

Quảng Nam phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương - Ảnh 1

Quy hoạch tỉnh Quảng Nam với quan điểm, mục tiêu: chủ động kiến tạo, đổi mới mạnh mẽ tư duy, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh; không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế. (Ảnh: Thế Sơn)

“Vấn đề sinh thái, đa dạng sinh học có ý nghĩa rất quan trọng đối với phát triển của địa phương. Với quan điểm, việc phát triển không được quá tập trung phát triển kinh tế - xã hội mà còn phải đến tính đa dạng sinh học sinh thái, nên trong thời gian vừa qua tỉnh Quảng Nam đặc biệt quan tâm đến bảo tồn, đa dạng sinh học, triển khai nhiều hoạt động để bảo vệ và phục hồi hệ sinh thái và đảm bảo tính đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Hôm nay, UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức họp báo công bố thông tin liên quan đến 2 sự kiện quan trọng này trong thời gian tới”, ông Lê Trí Thanh nói.

Ông Nguyễn Hưng - Phó Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Quảng Nam - cho biết, hội nghị Công bố Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và khai mạc “Năm phục hồi đa dạng sinh học quốc gia - Quảng Nam 2024” diễn ra ngày 16/3/2024 tại Hội trường số 1, UBND tỉnh Quảng Nam (số 62 Hùng Vương, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam).

Quy hoạch tỉnh Quảng Nam với quan điểm, mục tiêu: chủ động kiến tạo, đổi mới mạnh mẽ tư duy, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh; không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế.

Bên cạnh đó, kết hợp nội lực với ngoại lực, phấn đấu một số ngành, lĩnh vực thuộc nhóm dẫn đầu cả nước như: công nghiệp ô-tô, cơ khí, dược liệu. Phấn đấu đưa Quảng Nam trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước; là cực tăng trưởng quan trọng của khu vực miền Trung - Tây Nguyên vào năm 2030. Đến năm 2050, Quảng Nam phát triển toàn diện, hiện đại và bền vững; phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; là trung tâm du lịch quốc tế quan trọng.

Để thực hiện mục tiêu phát triển đến năm 2030, có 5 nhóm mục tiêu về kinh tế; văn hóa - xã hội; môi trường, sinh thái; kết cấu hạ tầng; quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Trong đó, mục tiêu về kinh tế với tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021-2030 đạt trên 8%/năm, GRDP bình quân đầu người đạt trên 7.500 USD. Mục tiêu về kết cấu hạ tầng, với đầu tư Cảng hàng không Chu Lai đạt tiêu chuẩn cảng hàng không quốc tế với quy mô cấp 4F, Cảng biển Quảng Nam đạt tiêu chuẩn loại I tiếp nhận tàu đến 50.000 DWT.

Về tổ chức không gian các hoạt động kinh tế - xã hội, Quảng Nam định hướng tổ chức mô hình cấu trúc gồm: 2 vùng, 2 cụm động lực và 3 hành lang phát triển. Trong đó, mỗi không gian được định vị các lĩnh vực quan trọng có thể trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của khu vực trong tương lai. Cấu trúc này đảm bảo sự phát triển cân bằng về mặt kinh tế - xã hội giữa vùng đông và vùng tây. Ngoài ra, hình thành các cụm động lực để hỗ trợ cho nhau, phát huy vai trò đầu tàu dẫn dắt nền kinh tế.

Thế Sơn

Theo Chất lượng và cuộc sống