Quốc Cường Gia Lai giảm 80% lợi nhuận sau biến cố Phước Kiển
2018 là một năm đầy biến động với QCG, trong khi giải phóng mặt bằng dự án ở Phước Kiển vẫn rất khó khăn, thì doanh nghiệp này vướng vào lùm xùm đất công ở một dự án khác tại Phước Kiển. Tới cuối năm, doanh nhân Nguyễn Quốc Cường đồng loạt từ nhiệm cả hai vị trí Thành viên HĐQT và Phó TGĐ.
Báo cáo tài chính kiểm toán vừa công bố cho biết lợi nhuận trước thuế hợp nhất của CTCP Quốc Cường Gia Lai (mã chứng khoán: QCG) năm 2018 chỉ đạt 106,5 tỷ đồng, giảm tới 80% so với năm 2017. Lãi sau thuế theo đó còn 101 tỷ đồng. Lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) là 352 đồng.
Các chỉ tiêu kinh doanh của QCG liên tục giảm sút trong 3 năm qua. Doanh thu từ 1.588 tỷ đồng năm 2016 về còn 857 tỷ đồng năm 2017 và 732 tỷ đồng năm 2015, tương đương giảm 54%.
Tới cuối kỳ tài chính, tổng tài sản của QCG giảm hơn 300 tỷ so với đầu kỳ, về còn 11.017 tỷ đồng, chiếm tới hơn 2/3 là hàng tồn kho (7.515 tỷ đồng), ngoài ra phải thu ngắn hạn là1.120 tỷ đồng, tài sản cố định 1.101 tỷ đồng.
Bên kia bảng cân đối kế toán, nguồn vốn của QCG chủ yếu là doanh thu chưa thực hiện ngắn hạn (1.214 tỷ đồng), vốn chủ sở hữu (4.179 tỷ đồng, trong đó vốn điều lệ 2.751 tỷ đồng), phải trả ngắn hạn 4.871 tỷ đồng.
Trong phục phải trả ngắn hạn, QCG vẫn duy trì khoản nhận tạm ứng 2.883 tỷ đồng từ đối tác CTCP Đầu tư Sunny Island liên quan đến chuyển nhượng dự án ở Phước Kiển, huyện Nhà Bè. Đáng chú ý là mượn tiền từ các bên - một nghiệp vụ thường xuất hiện trong BCTC của QCG - đã giảm gần một nửa về còn 1.276 tỷ đồng, như bà Nguyễn Thị Ánh Nguyệt đã tất toán 446,6 tỷ đồng cho vay, bà Lại Thị Hoàng Yến giảm từ 1.128 tỷ đồng về còn 735 tỷ đồng, bà Nguyễn Ngọc Huyền My giảm từ 144 tỷ đồng về 19 tỷ đồng. Chỉ có Chủ tịch HĐQT Nguyễn Thị Như Loan tăng số dư cho vay gần gấp đôi lên khoảng 500 tỷ đồng.
Tới cuối năm 2018, bà Nguyễn Thị Như Loan nắm 101,9 triệu cổ phiếu, tương đương 37% vốn và vẫn là cổ đông lớn nhất tại QCG. Con thứ bà là bà Nguyễn Ngọc Huyền My có 14,3%, em gái bà Loan là bà Nguyễn Thị Ánh Nguyệt có 3,5%, trong khi đó con trai cả là ông Nguyễn Quốc Cường chỉ có hơn nửa triệu cổ phần, tương đương 0,2%.
Tổng cộng gia đình Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Nguyễn Thị Như Loan chiếm tới 55% vốn QCG. Trong đội ngũ lãnh đạo của QCG, còn gia đình Thành viên HĐQT Hồ Viết Mạnh nắm 6,5% cổ phần và bố con Thành viên HĐQT kiêm Phó TGĐ Lại Thế Hà có 0,7%.
"Tôi rất khổ tâm, từng muốn tự tử"
2018 là một năm đầy biến động với Quốc Cường Gia Lai, trong khi giải phóng mặt bằng dự án ở Phước Kiển (Nhà Bè) để thực hiện chuyển nhượng cho Sunny Island vẫn rất khó khăn, thì đầu năm ngoái, doanh nghiệp này vướng vào lùm xùm đất công và phải trả lại một dự án khác cũng ở Phước Kiển. Tới cuối năm, con ruột bà Như Loan - doanh nhân Nguyễn Quốc Cường đồng loạt từ nhiệm cả hai vị trí Thành viên HĐQT và Phó TGĐ.
Tại Hội nghị gặp gỡ với 100 doanh nghiệp BĐS của UBND TP.HCM sáng ngày 10/4 vừa qua, bà Nguyễn Thị Như Loan búc xúc rằng sự quan liêu của một bộ phận cơ quan công quyền tại TP. HCM đang bóp nghẹt các doanh nghiệp. Theo Chủ tịch Quốc Cường Gia Lai, doanh nghiệp này có 12 dự án đang bị ách tắc với tổng diện tích 150ha, trong đó có 1 dự án 3.000 m2 không có nguồn gốc đất công và không thuộc diện ra soát của chính quyền thành phố.
Theo bà Loan, diện tích này có thể giúp kiếm vài trăm tỷ đồng, từ đó có thể trang trải được chi phí, tiền lương cho nhân viên khoảng 1-2 năm. Từ đó giúp doanh nghiệp có nguồn vốn để chờ đợi, khi thành phố rà soát xong có thể tiếp tục các dự án khác. Tuy nhiên các cơ quan công quyền thiếu hỗ trợ doanh nghiệp và dự án cho đến nay vẫn chưa được phê duyệt.
“Tôi rất rất bức xúc vì dự án rất nhỏ này. Nó giống như câu nói dân dã: Thủ kho to hơn thủ trưởng. Anh em thụ lý hồ sơ, thực thi pháp luật đang rất hoang mang. Họ không trình lấy đâu ra trưởng phòng ký, trưởng phòng không trình lấy đâu ra phó giám đốc sở ký, phó giám đốc sở không trình nói gì đến UBND thành phố”, bà Loan bức xúc nói.
Bà nhấn mạnh những khó khăn về thủ tục hành chính để triển khai dự án khiến cho doanh nghiệp rất khổ sở trong việc duy trì hoạt động, đặc biệt là để có nguồn thu để trả lương cho 3.000 công nhân ở nhiều lĩnh vực khác nhau.
“Tôi rất khổ tâm. Nếu không vì cổ đông, không bị nợ ngân hàng, không vì 3.000 cán bộ nhân viên thì tôi đã tự tử. Tôi để lại di chúc, để lại tâm thư để làm sao Nhà nước có cách nào tháo gỡ cho doanh nghiệp”, bà Loan nói.
Theo XUÂN TIÊN/ Nhadautu.vn