Sốt giá vàng: Nhu cầu chắc không đến từ người dân thường?
Câu hỏi có hay không tình trạng đầu cơ, thao túng giá vàng phải được trả lời trước khi đưa ra các quyết sách, kể cả ngắn hạn như việc nhập khẩu vàng chính ngạch hay dài hạn như việc sửa đổi và định hướng sửa đổi Nghị định 24/2012.
Kỳ họp Quốc hội những ngày đã có những ý kiến trăn trở về thị trường vàng, một cấu phần nên “ngủ yên” của thị trường tài chính để nguồn lực xã hội tập trung một cách trực tiếp hay gián tiếp (thông qua thị trường chứng khoán, ngân hàng, thị trường trái phiếu doanh nghiệp…) vào khu vực sản xuất kinh doanh.
Nhiều câu hỏi được các vị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đặt ra một cách trực diện như ai là người mua vàng, có hay không việc tháo túng, trục lợi từ giá vàng… và không phải ngẫu nhiên các vấn đề đó liên tục được các ĐBQH đặt ra.
Xét về diễn biến giá vàng sau Nghị định 24/2012, theo khảo sát nhóm nghiên cứu VEPR trong Báo cáo Triển vọng Kinh tế Việt Nam Quý I/2024, năm 2014-2015, sau khi Ngân hàng Nhà nước đã bán 74 tấn vàng miếng ra thị trường, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới ở mức 10 - 20%.
Giai đoạn 2016 - 2019, giá vàng thế giới tăng nhưng giá vàng trong nước gần như đi ngang, chênh lần dần kéo về bằng 0. Giai đoạn 2019-2020, giá vàng thế giới tăng mạnh đến 55%, giá vàng trong nước tăng theo tương ứng nhưng chênh lệch không đáng kể. Từ tháng 9/2020 tới nay, giá vàng trong nước bắt đầu có sự chênh lệch đáng kể và tăng giảm không tương ứng với mức tăng/giảm của giá vàng thế giới.
Từ khảo sát trên, có thể thấy, sẽ chưa thể thuyết phục nếu xác quyết việc độc quyền vàng miếng và xu hướng tăng giá của giá vàng thế giới dẫn đến tình trạng bất ổn định của thị trường vàng Việt Nam.
Thực trạng lãi suất huy đông giảm làm kênh hút vốn từ ngân hàng giảm sức hấp dẫn cũng như tình trạng trầm lắng của thị trường trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản cũng không thể là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến các đợt tăng giá đột biến, điển hình là việc giá vàng miếng SJC vượt ngưỡng 90 triệu đồng/lượng, chênh lệch với giá vàng thế giới tới gần 20 triệu đồng/lượng trong nhiều ngày của tháng 5 này.
Xét về nhu cầu, giả định không có yếu tố đầu cơ, thổi giá, lướt sóng vàng, tiêu thụ vàng miếng SJC chỉ nhằm mục đích tiết kiệm. Suy luận thuận chiều sẽ là lãi suất ngân hàng không hấp dẫn, các kênh đầu tư khác gặp khó khăn nên người dân tăng tích trữ vàng, đẩy cao nhu cầu vàng miếng SJC và làm giá vàng miếng SJC tăng nóng.
Theo số liệu thống kê được Ngân hàng Nhà nước công bố vào tháng 4/2024, tiền gửi của người dân và doanh nghiệp vào ngân hàng có xu hướng tăng từ tháng 9/2022. Tính đến tháng 12/2023, tiền gửi của tổ chức kinh tế đạt 6,84 triệu tỷ đồng, tiền gửi của dân cư đạt 6,53 triệu tỷ đồng. Trong vòng một năm, tiền gửi của tổ chức kinh tế tăng hơn 1 triệu tỷ đồng và tiền gửi của cư dân tăng thêm 500.000 tỷ đồng, cao nhất nếu xét theo số tuyệt đối.
Vả lại, phần tích luỹ tài sản trong cư dân đang không ở tình trạng khả quan. Trong năm 2023, tiêu dùng cuối cùng tăng 3,52%, tích lũy tài sản tăng 4,09% so với năm 2022, thấp hơn tăng trưởng GDP năm 2023 là khoảng 5,05%. Tương tự, trong quý I/2024, tăng trưởng về tiêu dùng cuối cùng và tích luỹ tài sản đều thấp hơn tăng trưởng GDP (4,93% và 4,69% so với 5,66%).
Rõ ràng, băn khoăn của một vị ĐBQH về việc nhu cầu mua vàng tăng đột biến từ ai là hữu lý và câu trả lời “chắc không phải người dân thường” của ông gần hơn với quan điểm của nhiều chuyên gia và nhà quản lý.
Nhìn từ một góc độ khác, ai là người hưởng lợi nhiều nhất trong tình trạng bất ổn định của thị trường hiện tại? Đương nhiên, khi lượng vàng miếng SJC trên thị trường bị giới hạn, khi vàng tăng giá, người hưởng lợi là người nắm giữ nhiều vàng miếng. Tình trạng khan hiếm trên thị trường càng đẩy giá vàng miếng SJC lên cao và doanh nghiệp được phép kinh doanh loại hàng hoá đặc biệt này càng hưởng lợi.
Một điểm cần lưu ý khác, xem xét báo cáo tài chính từ năm 2020 của một doanh nghiệp vàng có công khai báo cáo tài chính, tồn kho của doanh nghiệp này liên tục tăng qua các năm.
Giả định được TS Lê Đạt Chí, ĐH Kinh tế TP.HCM đưa ra trong một bài phỏng vấn gần đây rằng, cầu vàng đến từ chính những công ty kinh doanh vàng chứ không chỉ người dân cần được xem xét. Cũng theo vị chuyên gia này, các doanh nghiệp kinh doanh vàng có thể huy động nguồn tiền đầu cơ rất lớn và có thể vay vốn từ ngân hàng thương mại với tài sản thế chấp là vàng tồn kho nên cung khó đáp ứng đủ. Điều đáng nói, nếu tạo ra tình thế thị trường như vậy, doanh nghiệp kinh doanh có thể lợi đơn lợi kép.
Đặc điểm thị trường vàng trong nước càng làm cho những nghi vấn trên khó tìm được lời giải đáp. Từ năm 2012 tới nay, Ngân hàng Nhà nước, cơ quan duy nhất có quyền nhập khẩu vàng chính ngạch đã không thực hiện nhập khẩu vàng, kể cả vàng nguyên liệu để làm trang sức.
Còn theo báo cáo của Hội đồng Vàng thế giới (World Gold Council), năm 2023, Việt Nam tiêu thụ 55,5 tấn vàng, năm 2022 là mức 59,1 tấn vàng. Trong khi đó, tình trạng nhập lậu vàng tồn tại dai dẳng nhiều năm nay, với nhiều vụ việc lớn bị phát hiện.
Chẳng hạn, tháng 6/2023, đường dây buôn lậu vàng 3 tấn vàng tại thị trấn Lao Bảo, Quảng Trị từ Lào về Việt Nam bị bóc gỡ. Chính vì vậy, dù lượng vàng trong cư dân được xác định là rất lớn, nhưng các ước tính giao động từ vài trăm tới 2000 tấn. Lượng vàng miếng SJC tồn tại trên thị trường cũng đang là một dấu hỏi lớn.
Theo báo cáo chính thống, từ năm 2012 đến nay, SJC đã đúc và bán ra chừng 1.600.000 lượng vàng, tương đương khoảng 60 tấn vàng (khác với số liệu của VEPR là 74 tấn vàng nêu trên – NV). Số vàng nêu trên đã không tính tới số vàng SJC đã lưu thông trên thị trường trước đó. Vì vậy, không ai biết trên thị trường Việt Nam có bao nhiêu lượng vàng miếng SJC được tích trữ, mua bán, thuộc sở hữu của người dân và doanh nghiệp.
Với thực trạng trên, việc thanh tra, giám sát giúp minh bạch thị trường, làm rõ lượng vàng đã có, nguồn cung và nhu cầu vàng thực… sẽ giúp các nhà quản lý đưa ra những quyết sách quản lý hoạt động kinh doanh vàng trước mắt và trong những năm sắp tới.
Theo chỉ đạo, công tác thanh tra thị trường vàng phải được hoàn thành trong tháng 5/2024, vì vậy, nhiều khả năng, liều “thuốc đặc trị” cho thị trường vàng sẽ sớm xuất hiện.
ĐBQH: Chính phủ phải sớm có giải pháp xử lý chênh lệch giá vàng
Video
(VNF) - Bàn về tình hình kinh tế - xã hội, nhiều đại biểu cho rằng, không thể không nhắc đến những biến động bất thường của thị trường vàng hiện nay. Để hạ nhiệt, kéo giảm chênh lệch giữa giá vàng miếng trong nước và quốc tế, một số đại biểu đề nghị Chính phủ cần sớm có thêm giải pháp điều hành, cân nhắc đến việc xóa bỏ độc quyền vàng miếng.