Tỉnh giàu có bậc nhất Việt Nam, chuẩn bị 'cất cánh' lên TP trực thuộc Trung ương sẽ có 3 đô thị loại I

Bên cạnh đó, các huyện phía Bắc của tỉnh sẽ hình thành các khu công nghiệp thế hệ mới, thu hút phát triển mô hình đô thị - công nghiệp – dịch vụ sinh thái.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 790/QĐ-TTg, phê duyệt Quy hoạch phát triển tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021-2030, với tầm nhìn xa đến năm 2050.

Theo Quy hoạch, tỉnh Bình Dương đặt ra mục tiêu đến năm 2030 sẽ phát triển thành một thành phố trực thuộc Trung ương và có 3 đô thị đạt tiêu chí đô thị loại I, bao gồm: TP Thủ Dầu Một, TP Dĩ An và TP Thuận An. Bên cạnh đó, TP Tân Uyên và TP Bến Cát sẽ đạt tiêu chí đô thị loại II, trong khi huyện Bàu Bàng sẽ trở thành thị xã với tiêu chí đô thị loại IV. Ngoài ra, 3 đô thị khác sẽ đạt tiêu chí đô thị loại IV, gồm: Thị trấn Tân Thành (huyện Bắc Tân Uyên), thị trấn Phước Vĩnh (huyện Phú Giáo) và thị trấn Dầu Tiếng (huyện Dầu Tiếng). Quy hoạch cũng bao gồm kế hoạch thành lập mới một số đô thị tại các huyện Bắc Tân Uyên, Phú Giáo và Dầu Tiếng, với tỷ lệ đô thị hóa ước đạt khoảng 88% - 90%.

Tỉnh Bình Dương đặt ra mục tiêu đến năm 2030 sẽ có 3 đô thị đạt tiêu chí đô thị loại I. Ảnh: Internet
Tỉnh Bình Dương đặt ra mục tiêu đến năm 2030 sẽ có 3 đô thị đạt tiêu chí đô thị loại I. Ảnh: Internet

Quy hoạch phân chia tỉnh Bình Dương thành ba khu vực phát triển không gian động lực. Khu vực 1 gồm TP Thuận An và TP Dĩ An sẽ tập trung vào tái thiết và cải tạo đô thị, di dời các cơ sở sản xuất, công nghiệp lạc hậu và ô nhiễm môi trường lên phía Bắc tỉnh. Khu vực này cũng sẽ tận dụng các không gian dư địa để phát triển các mô hình đô thị mới theo định hướng TOD và bổ sung cơ sở hạ tầng xã hội, biến TP Thuận An và TP Dĩ An thành những đô thị hiện đại với chất lượng sống cao.

Khu vực 2, bao gồm TP Thủ Dầu Một, TP Tân Uyên, TP Bến Cát và huyện Bàu Bàng, sẽ phát triển dựa trên sự đổi mới sáng tạo, công nghệ tiên tiến và dịch vụ cộng đồng cấp Vùng, cùng với sự phát triển của đô thị thông minh làm trụ cột cho sự tăng trưởng của tỉnh.

Khu vực 3, bao gồm các huyện Bắc Tân Uyên, Phú Giáo và Dầu Tiếng, sẽ hình thành các khu công nghiệp thế hệ mới, thu hút các mô hình đô thị - công nghiệp - dịch vụ sinh thái. Đồng thời, khu vực này sẽ bảo tồn và phát triển các hành lang sinh thái của các con sông như sông Sài Gòn, sông Đồng Nai và sông Thị Tính, tăng cường độ phủ xanh và phát triển năng lượng tái tạo.

Quy hoạch phân chia tỉnh Bình Dương thành ba khu vực phát triển không gian động lực. Ảnh: Internet
Quy hoạch phân chia tỉnh Bình Dương thành ba khu vực phát triển không gian động lực. Ảnh: Internet

Quy hoạch còn nhấn mạnh việc phát triển không gian đô thị Bình Dương gắn kết với vùng đô thị trung tâm TP HCM, theo mô hình vùng đô thị với khung cơ sở hạ tầng đồng bộ và hiện đại.

Khu vực phía Nam của tỉnh, bao gồm Dĩ An và Thuận An, sẽ được chuyển đổi thành các trung tâm dịch vụ cấp Vùng về thương mại và dịch vụ logistics. TP Thủ Dầu Một sẽ trở thành trung tâm dịch vụ hỗ trợ và đổi mới sáng tạo. TP Bến Cát và TP Tân Uyên sẽ phát triển hoàn thiện mô hình đô thị công nghiệp - dịch vụ hiện đại.

Trong khi đó, khu vực phía Bắc tỉnh, bao gồm Dầu Tiếng, Bàu Bàng, Phú Giáo và Bắc Tân Uyên, sẽ phát triển theo mô hình đô thị công nghiệp sinh thái với hệ thống hạ tầng đồng bộ và hiện đại, mạng lưới dịch vụ hoàn thiện, thu hút đầu tư, thu hút lực lượng lao động và đảm bảo môi trường sống xanh, sạch, đẹp.

Bình Dương là tỉnh thuộc miền Đông Nam Bộ, thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có cửa ngõ giao thương với TP. HCM.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê cũng như dựa vào các chỉ số GDP bình quân đầu người năm 2023, Bình Dương là tỉnh giàu nhất Việt Nam với mức GDP bình quân đầu người đạt 113 triệu đồng/người/năm.

Thùy Dung

Theo Chất lượng và cuộc sống