Tỉnh sở hữu Đà Lạt thứ hai của Tây Nguyên nghiên cứu xây sân bay, cần gần 68.000 tỷ phát triển đô thị
Bộ GTVT đang đề nghị tỉnh này rà soát và tham khảo ý kiến về tính khả thi hình thành sân bay phục vụ du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
UBND tỉnh Kon Tum vừa phê duyệt Chương trình phát triển đô thị tỉnh Kon Tum đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Phạm vi lập Quy hoạch bao gồm toàn lãnh thổ tỉnh Kon Tum với diện tích tự nhiên 9.677,3km2; 10 đơn vị hành chính cấp huyện. Quy hoạch xác định mục tiêu tổng quát phấn đấu đến năm 2030, tỉnh Kon Tum trở thành tỉnh phát triển nhanh, toàn diện, bền vững và công bằng dựa trên kinh tế xanh, tuần hoàn, giàu bản sắc văn hóa dân tộc.
Đến năm 2025, toàn tỉnh Kon Tum có 8 đô thị. Trong đó, 1 đô thị loại II là thành phố Kon Tum; 3 đô thị loại IV (thị trấn Plei Kần mở rộng, thị trấn Đăk Tô, thị trấn Đăk Hà); 4 đô thị loại V (thị trấn Đăk Rve, thị trấn Măng Đen, thị trấn Sa Thầy, thị trấn Đăk Glei).
Mục tiêu đến năm 2030, phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân đạt trên 9,5%/năm; GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 110 triệu đồng/người; tổng huy động vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2021-2025 đạt trên 118.000 tỷ đồng và 2026-2030 đạt trên 155.000 tỷ đồng; trên 85% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm bình quân 3%-4%/năm; tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 64%...
Đến năm 2030, toàn tỉnh Kon Tum có 12 đô thị. Trong đó, có 1 đô thị loại II là thành phố Kon Tum; 5 đô thị loại IV (thị xã Ngọc Hồi, thị trấn Đăk Tô, thị trấn Đăk Hà, thị trấn Sa Thầy, thị trấn Măng Đen); 6 đô thị loại V (thị trấn Đăk Rve; thị trấn Đăk Glei; trung tâm huyện lỵ Kon Rẫy; Trung tâm huyện lỵ Tu Mơ Rông; Trung tâm huyện lỵ Ia H’Drai).
Để thực hiện chương trình phát triển đô thị nói trên, tỉnh Kon Tum dự kiến cần khoảng 67.911 tỷ đồng.
Trong thời kỳ 2021-2030, tỉnh Kon Tum đề xuất tuyến cao tốc Quảng Ngãi - Kon Tum để bổ sung vào quy hoạch mạng lưới đường bộ quốc gia; đề xuất Quy hoạch sân bay tại thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông để bổ sung vào quy hoạch cảng hàng không quốc gia.
Về sân bay đặt tại Măng Đen, Bộ GTVT đang đề nghị UBND tỉnh Kon Tum tiếp tục chỉ đạo các đơn vị rà soát, tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành, đơn vị để hoàn chỉnh đề án nghiên cứu khả năng hình thành sân bay Măng Đen.
Mục tiêu ngắn hạn của tỉnh Kon Tum
Trước mắt, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum Lê Ngọc Tuấn cũng đã ký Quyết định phê duyệt Chương trình xúc tiến đầu tư tỉnh Kon Tum năm 2024. Theo đó, tỉnh sẽ tăng cường thu hút, phát triển doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp và có chính sách ưu đãi cho nhà đầu tư. Đồng thời, tỉnh Kon Tum tiếp tục kêu gọi các nhà đầu tư chiến lược có tiềm lực kinh tế trong và ngoài nước đến khảo sát tìm hiểu cơ hội đầu tư các dự án có quy mô lớn, công nghệ tiên tiến, sử dụng tiết kiệm tài nguyên, thân thiện với môi trường.
Về quy hoạch, địa phương sẽ điều chỉnh Quy hoạch xây dựng vùng du lịch sinh thái Măng Đen - Nơi được gọi là "Đà Lạt thứ hai" của Tây Nguyên xứng tầm với du lịch, đảm bảo tầm nhìn chiến lược cho sự phát triển trong dài hạn; quy hoạch xây dựng các điểm dừng chân, khu vui chơi, giải trí, kết nối các tour, tuyến du lịch trong và ngoài tỉnh góp phần phát triển ngành du lịch của địa phương. Ngoài ra, tỉnh cũng triển khai các bước thực hiện điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Bờ Y.
Kon Tum cũng xây dựng nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, có khả năng cạnh tranh và giá trị cao phát triển một số vùng, khu sản xuất nông nghiệp tập trung, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, nông nghiệp hữu cơ tại các huyện Đăk Hà, Kon Plông, Ia H’Drai, Kon Rẫy, thành phố Kon Tum và những địa bàn có điều kiện; phát triển ngành du lịch của tỉnh trở thành ngành kinh tế dịch vụ chuyên nghiệp, giàu bản sắc, có sức cạnh tranh trong cả nước, từng bước định vị du lịch Kon Tum qua đó góp phần phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.