Trái phiếu lãi suất 18% của Apec Group 'ế nặng', chỉ huy động được 8,1 tỷ đồng
Mặc dù đưa ra mức lãi suất 18%, cao nhất trong nhóm trái phiếu bất động sản hiện nay nhưng gói trái phiếu Happybond.H.20.25.001 của Apec Group chỉ huy động được 8,1 tỷ đồng, một con số rất nhỏ so với kế hoạch huy động 3.000 tỷ đồng mà Apec Group đã công bố trước đó.
Trái phiếu lãi suất cao vẫn “ế ẩm”
Công ty cổ phần Tập đoàn Apec Group vừa công bố thông tin về kết quả phát hành trái phiếu riêng lẻ gói trái phiếu Happybond.H.20.25.001 với tổng giá trị trái phiếu phát hành đạt 8,1 tỷ đồng.
Trái phiếu có kỳ hạn 5 năm, phát hành ngày 15/12/2020 và đáo hạn ngày 14/12/2015. Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và không có tài sản đảm bảo.
Đối với gói trái phiếu Happybond.H.20.25.001, vào đầu tháng 9/2020 vừa qua, Apec Group đã thông qua phương án phát hành 3.000 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ Happy18 Bond với lãi suất 18%. Ngay sau khi thông tin được công bố, lập tức thu hút sự chú ý của thị trường và giới đầu tư. Bởi đây là mức lãi suất cao nhất trong nhóm trái phiếu bất động sản hiện nay.
Theo bảng lãi suất tập đoàn này công bố, nếu khách hàng lựa chọn kỳ hạn 5 năm, kỳ trả lãi 6 tháng/lần, mức lãi suất nhận được sẽ là 15%/năm. Nếu khách hàng lựa chọn kỳ hạn 5 năm, nhận lãi một lần duy nhất vào cuối kỳ, mức lãi suất sẽ là 18%/năm, tương đương lợi nhuận 90% tại thời điểm đáo hạn. Trong đó, trái phiếu này đi kèm điều khoản mua lại sau thời gian nắm giữ tối thiểu 3 tháng.
Với con số 18%/năm, mức lãi suất Apec Group đưa ra cao gấp đôi so với mặt bằng chung lãi suất trái phiếu đang ở mức 9%/năm. Riêng đối với lĩnh vực bất động sản, Apec Group đã “vượt mặt” hầu hết các “ông lớn” đang chi trả mức lãi suất cao hiện nay như Novaland, City Garden, Phát Đạt, Vinhomes…
Như vậy, mặc dù trái phiếu Happy18 Bond của Apec Group có mức lãi suất rất hấp dẫn, song theo thông tin được công bố, tập đoàn này chỉ thu về vỏn vẹn 8,1 tỉ đồng trong đợt phát hành vào ngày 15/12/2020.
Thực tế này cho thấy, không phải cứ đưa ra mức lãi suất cao thì trái phiếu sẽ thu hút được các nhà đầu tư. Bởi lãi suất cao đi kèm với rủi ro cao. Nhất là đối với mức lãi suất cao “đột biến”, các nhà đầu tư sẽ càng trở nên thận trọng và cân nhắc hơn.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính ngân hàng thì việc siết tín dụng vào bất động sản khiến các doanh nghiệp phải tìm nguồn vốn thông qua kênh trái phiếu là điều hiển nhiên. Tuy nhiên, có những công ty đưa ra mức lãi suất cao gấp đôi lãi suất ngân hàng bình thường.
Đặc biệt, đối với những công ty không có báo cáo tài chính hay những công ty có tuổi đời chưa lâu thì trái phiếu càng có nhiều rủi ro, chính vì vậy, để thu hút được nhà đầu tư họ sẽ trả lãi suất đặc biệt cao. Mà lãi suất càng cao sẽ đi đôi với những rủi ro nhất định.
Chính vì vậy, ngân hàng nhà nước cũng đã khuyến cáo, cảnh giác các ngân hàng khi mua trái phiếu bất động sản, điều này là hợp lý. Bởi nếu nguồn tiền dễ dãi quá, khi đi vào các doanh nghiệp bất động sản, các doanh nghiệp này phá sản hoặc kinh doanh thua lỗ không có tiền trả ngân hàng dẫn đến nợ xấu, các ngân hàng phải huy động vốn mới để bù vào lượng tiền đã bỏ ra mua trái phiếu. Việc này sẽ gây ảnh hưởng đến toàn hệ thống ngân hàng.
Không huy động được vốn qua trái phiếu, các kế hoạch của Apec Group có “đổ bể”?
Thời điểm vừa công bố kế hoạch phát hành gói trái phiếu Happybond.H.20.25.001, ông Hán Kông Khanh, đại diện Tập đoàn Apec Group cho biết, tổng số tiền từ đợt phát hành sẽ được Tập đoàn Apec sử dụng để tăng quy mô vốn hoạt động, đa dạng hóa nguồn vốn nhằm phục vụ cho việc tăng trưởng kinh doanh bền vững của Tập đoàn trong thời gian sắp tới.
Đại diện doanh nghiệp này cũng cho biết, Apec Group đang trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ với nhiều dự án bất động sản trọng điểm đang được triển khai và cần bổ sung nguồn vốn lưu động như Apec Aqua Park Bắc Giang, Apec Golden Valley Mường Lò, Apec Mandala Grand Hòa Bình, Apec Royal Park Huế, Apec Mandala Wyndham Mũi Né...
Bên cạnh đó, chiến lược phát triển của Tập đoàn Apec giai đoạn tới còn bao gồm kế hoạch mua lại một số dự án lớn, thâu tóm các khu đất vàng giàu tiềm năng, tái cơ cấu và nâng tỷ lệ sở hữu các công ty con trong Tập đoàn…
Tuy nhiên, với số vốn huy động được qua phát hành trái phiếu chỉ vỏn vẹn hơn 8 tỷ đồng, thì liệu các kế hoạch phát triển, kế hoạch mua lại các dự án, thâu tóm quỹ đất,… của doanh nghiệp có tiếp tục được triển khai như dự kiến?
Mới đây nhất, Apec Group đã có văn bản gửi UBND tỉnh Hà Tĩnh về việc xin chủ trương đầu tư dự án sân golf Apec Mandala và dự án khu du lịch nghỉ dưỡng thương mại dịch vụ Apec Mandala Grand có tổng diện tích 696 ha tại huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh.
Trong đó, dự án sân golf Apec Mandala có quy mô 403 ha, dự án Apec Mandala Grand có quy mô 293 ha. Cả 2 dự án này đều được đề xuất xây dựng tại các xã Thạch Trị, Thạch Văn, Thạch Hội của huyện Thạch Hà.
Mục tiêu đầu tư của dự án là xây dựng hạ tầng đồng bộ, sân golf, biệt thự nghỉ dưỡng, khách sạn, nhà liền kề, trung tâm giải trí đa năng... và nhiều tiện ích đẳng cấp khác.
Apec Group sẽ trực tiếp làm chủ đầu tư dự án sân golf Apec Mandala. Còn Dự án Apec Mandala Grand do CTCP Đầu tư IDJ Việt Nam (IDJ Investment – Mã CK: IDJ) thực hiện. Được biết, IDJ Investment là công ty liên kết của Apec Group, có cùng Chủ tịch HĐQT là ông Hán Kông Khanh.
Trước đó, Tập đoàn Apec cũng thông báo sẽ đầu tư 1 tỷ USD cho tổ hợp 5 dự án tại Mũi Né, Phan Thiết trong giai đoạn 2020-2025.
CTCP Apec Group được thành lập ngày 24/11/2017, tiền thân là CTCP BG Group. Hiện đăng ký địa chỉ trụ sở chính tại Grand Plaza, số 117 Trần Duy Hưng, Hà Nội.
Thời điểm mới thành lập, BG Group đăng ký quy mô vốn điều lệ lên tới 500 tỷ đồng, với cơ cấu cổ đông gồm 3 cá nhân có địa chỉ thường trú tại Hà Nội, bao gồm: ông Nguyễn Hoàng Linh (sở hữu 65% VĐL), ông Phạm Duy Hưng (sở hữu 34,99% VĐL) và ông Lục Thanh Tùng (sở hữu 0,01% VĐL).
Sau hơn 1 năm đi vào hoạt động, cập nhật tới tháng 12/2018, BG Group đã nâng vốn lên gấp đôi, đạt mức 1.000 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông không được tiết lộ.
Tới cuối tháng 6/2020, ông Nguyễn Hoàng Linh (SN 1919) bất ngờ nhường vị trí Chủ tịch HĐQT BG Group cho ông Hán Kông Khanh (SN 1975). Sau đó, như đã đề cập, BG Group đổi tên thành Apec Group.
Theo giới thiệu, mục tiêu phát triển của Apec Group là thành lập một khối các doanh nghiệp thông qua sở hữu cổ phần, vốn góp hoặc liên kết khác.
Các công ty thành viên của APEC Group bao gồm: Công ty CP Đầu tư Châu Á – Thái Bình Dương (Mã: API), Công ty Cổ phần Chứng khoán Châu Á Thái Bình Dương, Công ty cổ phần Đầu tư Apec Group Việt Nam, Công ty CP Apec Land Huế,…