Vàng thế giới quay xe, SJC rớt mạnh vì làm giá quá cao?
Cùng với đà giảm của vàng thế giới, giá vàng SJC trong nước cũng giảm mạnh trong 2 ngày qua mất khoảng 6 triệu đồng/lượng.
Giá vàng SJC "nhảy múa" bất thường
Giá vàng giao ngay trên thị trường thế giới sáng nay giảm mạnh gần 60 USD/ounce còn 1.990 USD/ounce lo ngại về các lệnh trừng phạt ngày càng tăng của phương Tây đối với Nga.
Cùng với đà giảm của vàng thế giới, giá vàng SJC trong nước cũng giảm mạnh trong 2 ngày qua mất khoảng 6 triệu đồng/lượng.
Cụ thể, mở cửa sáng nay, giá vàng miếng SJC do Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết chỉ còn 66,3-68,1 triệu đồng/lượng (mua- bán), giảm gần 3 triệu đồng/lượng ở chiều mua và 2,5 triệu đồng/lượng chiều bán so với phiên hôm qua.
Giá vàng SJC niêm yết tại hệ thống PNJ trong sáng ngày 10/3 cũng chỉ còn 67-68,7 triệu đồng/lượng (mua-bán); Tiệm vàng Mi Hồng niêm yết giá vàng SJC còn 66-68 triệu đồng/lượng (mua-bán). Biên độ mua - bán cũng được các tiệm vàng thu hẹp hơn mấy ngày trước.
Tuy nhiên, quy đổi hiện nay vàng thế giới tương đương 55 triệu đồng/lượng (chưa bao gồm thuế, phí). Giá vàng trong nước giảm nhanh hơn đã kéo chênh lệch với thế giới xuống còn 14,5 triệu đồng/lượng thay vì cao hơn 18 triệu đồng/lượng như đầu tuần.
Chính vì thế, nhiều chuyên gia cảnh báo nhà đầu tư cần thận trọng khi mua vàng trong thời điểm giá vàng trên đỉnh cao. Đặc biệt, người dân không nên đi vay tiền để đầu tư vàng trong giai đoạn biến động quá lớn.
Đồng thời, với các nhà đầu tư cũng thận trọng khi đầu tư vào vàng miếng SJC bởi loại vàng này có nguồn cung giới hạn sẽ khiến giá bị đẩy lên cao vọt.
Cụ thể, giá vàng SJC trong nước tăng mạnh trong thời gian qua và lập đỉnh trên 74 triệu đồng/lượng trong ngày 7/3, trong khi vàng quốc tế chưa chạm tới ngưỡng 2.000 USD/ounce.
Vì thế, điều này được cho là “bất thường” đối với giá vàng miếng SJC ở thị trường nội địa. Cụ thể, thời điểm điểm tháng 8/2020, khi giá vàng thế giới đạt đỉnh trên 2.063 USD/ounce, giá vàng trong nước khi đó cũng chỉ giao dịch quanh vùng giá 60 – 62 triệu đồng/lượng.
Thế nhưng, khi giá vàng thế giới chưa trở lại vùng đỉnh lịch sử 2.078 USD/ounce thì giá vàng SJC trong nước quanh mức 71-72 triệu đồng/lượng.
Đồng thời, với đỉnh lịch sử này thì giá vàng miễng SJC đã giãn chênh lệch với giá vàng thế giới lên tới 18,5 triệu đồng/lượng (tương đương với mức cao hơn 30% so với giá vàng quốc tế).
Trong những thời điểm vàng tăng cao, nhiều người đã tranh thủ bán vàng khi mua vào ở mức giá thấp trước đó nên áp lực bán cũng "át" phần nào giá vàng SJC rớt mạnh.
Theo giới phân tích tài chính, nếu mua vàng tích trữ hoặc đầu tư trung dài hạn thì nên nhà đầu tư nên chọn những thời điểm vàng giảm giá, tránh những phiên sốt nóng để hạn chế rủi ro.
Không loại trừ khả năng vàng chinh phục mốc 3.000 USD/ounce?
Trước mắt vàng có thể đối mặt với mức kháng cự mạnh và khả năng giảm xuống gần 1.930 USD/ounce, với một số hợp nhất quanh mức 1.930 - 2.075 USD/ounce.
Nhưng nếu cuộc xung đột Nga-Ukraine tiếp tục gia tăng căng thẳng, rất có thể sẽ chứng kiến mức cao nhất mọi thời đại đối với kim loại quý vàng.
Giới phân tích cho rằng, vàng thường được coi là một tài sản an toàn trong các cuộc khủng hoảng toàn cầu, có thể tạo ra một đợt tăng giá khác lên mức cao chưa từng có nếu tình hình Ukraine xấu đi, trong bối cảnh những lo ngại hiện hữu về rủi ro lạm phát.
Trước đó, khi phương Tây liên tiếp đưa ra các biện pháp trừng phạt Nga, một số nhà phân tích không loại trừ việc vàng vọt tăng lên mốc 3.000 USD/ounce.
Mối quan tâm của thị trường hiện tập trung vào dữ liệu vĩ mô quan trọng là báo cáo CPI của Mỹ, dự kiến được công bố vào hôm nay thứ Năm (10/3).
Các nhà kinh tế cho rằng, lạm phát của Mỹ trong tháng 2/2022 có khả năng đã tăng nhanh và còn lâu mới đạt đến đỉnh. Thị trường dự đoán chỉ số CPI hàng năm ở mức 7,9% vào tháng 2 sau khi tăng lên mức cao nhất trong 40 năm là 7,5% trong tháng 1/2022.
Số liệu CPI mới nhất được đưa ra chỉ một tuần trước khi Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) công bố lãi suất. Chủ tịch ngân hàng trung ương Jerome Powell hứa sẽ hỗ trợ mức tăng lãi suất 25 điểm cơ bản.