VCBS: Những nhịp rung lắc có thể xuất hiện
Đà tăng của chỉ số vẫn có dấu hiệu chững tại vùng kháng cự 1.270-1.290 điểm nên những nhịp rung lắc có thể xuất hiện, theo VCBS.
Tài chính Doanh nghiệp trích báo cáo phân tích kỹ thuật của một số công ty chứng khoán đối với phiên giao dịch ngày 5/6.
Hôm 4/6, chỉ số VN-Index hình thành cây nến xanh đặc, thân ngắn với râu trên dài, thanh khoản suy giảm cho thấy bên mua đã bớt hưng phấn.
Trên khung đồ thị ngày, đà tăng của RSI đã chậm lại trong vùng trung tính. Vì vậy, trong 1-2 phiên tới thị trường có thể gặp áp lực khi tiến gần lên vùng kháng cự mạnh ở 1.290-1.300 điểm. Tại vùng điểm số này, thanh khoản là yếu tố quan trọng cho nỗ lực vượt vùng kháng cự mạnh này hay không.
Ngưỡng hỗ trợ cho đà tăng này của thị trường vẫn ở quanh 1.250 điểm (tương đương giá trị đường trung bình động MA50).
Chứng khoán VietCap
Dự báo ngày 5/6, chỉ số VN-Index có thể có quán tính điều chỉnh giảm trước áp lực bán chốt lãi từ kháng cự đỉnh tháng 3 tại 1.290 điểm. Nhiều khả năng chỉ số sẽ cần kiểm định lại hỗ trợ MA5 ngày hiện nằm tại vùng 1.273 điểm.
Nếu áp lực bán không mạnh và được hấp thụ tốt bởi lực mua từ ngưỡng hỗ trợ, chỉ số VN-Index sẽ thu hẹp mức giảm về phía cuối ngày. Ở kịch bản này, VietCap dự báo chỉ số sẽ có xu hướng tăng điểm sau đó để hướng lên vùng 1.310 điểm.
Chứng khoán Vietcombank (VCBS)
Chỉ số VN-Index kết phiên hình thành nến tương tự nến inverted hammer cho thấy sự gia tăng của áp lực bán.
Ở khung đồ thị ngày, chỉ báo RSI bẻ ngang khi tiệm cận vùng cao, đồng thời cho xác suất hình thành phân kỳ âm, song MACD đang hướng lên và chưa hình thành đỉnh thứ hai nên hiện tại thị trường không quá xấu.
Đà tăng của chỉ số vẫn có dấu hiệu chững tại vùng kháng cự 1.270-1.290 điểm nên những nhịp rung lắc có thể xuất hiện với biên độ không quá lớn.
Ở khung đồ thị giờ, đường senkou span A của mây Ichimoku vẫn duy trì vận động ổn định, hai chỉ báo MACD và RSI đã hướng lên trên và vượt đỉnh cũ, xóa bỏ những rủi ro những nhịp rung lắc mạnh trong ngắn hạn.
Chứng khoán Asean
Hôm 4/6, chỉ số VN-Index tăng điểm, đồng thời xuất hiện mẫu hình nến Doji kèm khối lượng giao dịch giảm nhẹ cho thấy lực cầu mua lên có dấu hiệu suy giảm tại vùng đỉnh cũ.
Hiện tại, chỉ số đang được hỗ trợ khá tốt bởi đường SMA 50 ngày trong bối cảnh chỉ báo MACD tiếp tục hướng đi lên sau khi cho tín hiệu mua trở lại, phản ánh xu hướng trong trung hạn của thị trường chung vẫn tích cực.
Yếu tố quan trọng nhất trong giai đoạn này sẽ là động lượng thanh khoản. Khả năng cao khi thanh khoản tiếp tục gia tăng, biên dao động VN-Index có thể thu hẹp về khu vực 1.260-1.280 điểm.