VietinBank định hướng tăng trưởng kép 9-10%/năm giai đoạn 2024-2029
VietinBank định hướng các chỉ tiêu tài chính như: tổng tài sản, dư nợ tín dụng, nguồn vốn huy động tăng trưởng kép 9-10%/năm trong giai đoạn 2024-2029.
Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) vừa công bố tài liệu đại hội đồng cổ đông thường niên (AGM) năm 2024 được tổ chức vào 27/4 tại Trường Đào tạo và Phát triển nguồn nhân lực VietinBank (Hoài Đức, Hà Nội).
Giai đoạn 2019-2023, tăng trưởng kép xấp xỉ 12%/năm
HĐQT và BKS của VietinBank vừa hết nhiệm kỳ 2019-2024 và có báo cáo tổng kết nhiệm kỳ vừa qua. Theo đó, giai đoạn 2019-2024, VietinBank ưu tiên nguồn lực để tăng trưởng mạnh theo hướng an toàn - hiệu quả - bền vững.
Hoạt động kinh doanh đạt nhiều kết quản ấn tượng như: tín dụng bán lẻ và SME tăng trưởng mạnh mẽ; nợ xấu được kiểm soát chặt chẽ và thực chất; tỷ trọng nguồn vốn chi phí thấp gia tăng.
Đồng thời, cơ cấu thu nhập, các chỉ số hiệu quả không ngừng được cải thiện, chi phí hoạt động được kiểm soát hiệu quả, lợi nhuận tăng trưởng bền vững; tỷ lệ an toàn vốn được đảm bảo, công tác chăm sóc khách hàng ngày càng được chú trọng, cơ cấu khách hàng được cải thiện.
Triển khai dự án chuyển đổi số từ năm 2023 nhằm từng bước đưa VietinBank đạt tới các chuẩn mức và thông lệ quốc tế tốt nhất.
Đến hết năm 2023, tổng tài sản đạt hơn 2 triệu tỷ đồng, tăng 1,75 lần năm 2018, tăng trưởng bình quân 12%/năm.
Quy mô tín dụng đạt 1,48 triệu tỷ đồng, gấp 1,66 lần so với năm 2018, tăng trưởng bình quân 11,4%/năm.
Nguồn vốn huy động đạt gần 1,53 triệu tỷ đồng, gấp 1,75 lần so với năm 2018, tăng trưởng bình quân 12%/năm.
Giai đoạn 2019-2023, VietinBank tạo ra 74,5 ngàn tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, nằm trong top các ngân hàng có quy mô lợi nhuận cao. Tổng lợi nhuận trước dự phòng rủi ro trong 5 năm đạt trên 185 ngàn tỷ đồng.
Trong năm 2023, tổng lợi nhuận trước dự phòng rủi ro đạt hơn 50,1 ngàn tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay và nằm trong top đầu các ngân hàng thương mại, gấp 3,5 lần lợi nhuận trước dự phòng rủi ro năm 2018, tương đương tăng trưởng bình quân 28,4%/năm.
Tỷ suất sinh lời ROA, ROE năm 2023 lần lượt đạt 1,3% và 17,1%, cao hơn gấp đôi mức ghi nhận trong năm 2018.
Tuy nhiên, giai đoạn 2019-2023, VietinBank còn tồn tại một số khó khăn như: Áp lực canh tranh gay gắt từ các ngân hàng thương mại nên việc duy trì và cải thiện thị phần trong một số lĩnh vực CASA, thẻ, bancas… chưa đạt kỳ vọng. Bên cạnh đó là việc tăng vốn điều lệ, nâng cao năng lực tài chính chưa đạt kỳ vọng; tỷ trọng thu nhập ngoài lãi vẫn còn thấp.
Giai đoạn 2024-2029, các chỉ tiêu tài chính tăng trưởng kép 9-10%/năm
VietinBank cho biết, kinh tế trong nước giai đoạn 2024-2029 được dự báo phục hồi ở mức độ chậm từ 5,9% đến 6,4%. Các động lực tăng trưởng chính trong ngắn hạn và trung hạn chủ yếu đến từ đầu tư công, sản xuất phục vụ xuất khẩu và tiêu dùng trong nước.
Trong giai đoạn 2024-2029, VietinBank tập trung nguồn lực triển khai quyết liệt, đúng lộ trình, bám sát tầm nhìn dài hạn, triết lý hoạt động và hệ giá trị cốt lõi của VietinBank, chiến lược 5 năm đã được Ngân hàng Nhà nước và HĐQT VietinBank phê duyệt, khai thác tối đa sức mạnh nội tại, tận dụng cơ hội kinh doanh trong trung hạn.
VietinBank chú trọng cân bằng 4 động lực tăng trưởng trong trung dài hạn là: (i) phát triển hoạt động kinh doanh thông thường, (ii) triển khai hiệu quả các sáng kiến chuyển đổi số, (iii) khai thác hiệu quả hệ sinh thái giữa ngân hàng và các đơn vị nhận vốn, (iv) thúc đẩy hoạt động kinh doanh trong các lĩnh vực phát triển bền vững như tài trợ năng lượng tái tạo…
VietinBank định hướng một số chỉ tiêu tài chính cơ bản cho giai đoạn 2024-2029 tăng 9-10%/năm đối với tổng tài sản, dư nợ tín dụng, nguồn huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư. ROE ở mức 16-18%, tỷ lệ nợ xấu dưới 2%.
Đối với năm 2024, VietinBank đặt mục tiêu tổng tài sản tăng trưởng 8-10%. Lợi nhuận trước thuế theo phê duyệt của Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền (VietinBank tiếp tục cải thiện mạnh mẽ hiệu quả kinh doanh, thực hiện tốt vai trò ngân hàng chủ lực, trụ cột và chủ đạo của nền kinh tế).
Hé lộ chia cổ tức năm 2023
AGM năm 2023 của VietinBank đã thông qua việc dùng toàn bộ lợi nhuận còn lại năm 2022 là 11.521 tỷ đồng để chia cổ tức bằng cổ phiếu, tỷ lệ 21,454%.
AGM năm 2024, VietinBank sẽ trình phương án phân phối lợi nhuận năm 2023. Theo đó, lợi nhuận riêng lẻ sau thuế năm 2023 là 19.457 tỷ đồng. Sau khi trích lập các quỹ bắt buộc và quỹ khen thưởng, phúc lợi, lợi nhuận còn lại năm 2023 là 13.927 tỷ đồng sẽ được ngân hàng đề xuất chia cổ tức bằng cổ phiếu, tỷ lệ 25,935%.
Nếu phương án chia cổ tức bằng cổ phiếu năm 2022 và 2023 của VietinBank được các cơ quan quản lý Nhà nước thông qua, vốn điều lệ của ngân hàng tăng thêm 47,389%, từ 53.700 tỷ đồng lên 79.148 tỷ đồng.
Đóng cửa ngày 10/4/2024, cổ phiếu CTG của VietinBank đạt 33.650 đồng/cổ phiếu, tăng 24,2% so với đầu năm nay giúp vốn hóa đạt 180.700 tỷ đồng, đứng thứ 6 tại HOSE sau Vietcombank, BIDV, Vinhomes, Vingroup, PV GAS.
VietinBank bầu HĐQT, BKS nhiệm kỳ 2024-2029
Hiện tại, VietinBank chưa công bố ứng cử viên HĐQT, BKS nhiệm kỳ 2024-2029 nhưng các thành viên HĐQT đương nhiệm sẽ là các ứng viên tiềm năng.
HĐQT nhiệm kỳ 2019-2023 của VietinBank gồm: ông Trần Minh Bình (Chủ tịch), bà Nguyễn Thị Bắc, ông Nguyễn Đức Thành, bà Trần Thu Huyền, ông Nguyễn Thế Huân, bà Phạm Thị Thanh Hoài, ông Trần Văn Tần, ông Lê Thanh Tùng, ông Masashige Nakazono, ông Koji Iriguchi.
Trong giai đoạn này, VietinBank đã miễn nhiệm một số thành viên HĐQT như: ông Masahiko Oki, ông Lê Đức Thọ (Chủ tịch), ông Shiro Honjo, ông Hiroshi Yamaguchi, ông Hideaki Takase.