Vingroup và Masan toan tính gì sau thương vụ bom tấn?

Vingroup có mục tiêu lớn phải dồn lực hơn là bán lẻ, còn với Masan, việc thâu tóm hệ thống bán lẻ Vinmart sẽ giúp doanh nghiệp này có thêm sức mạnh trong lĩnh vực thực phẩm tiêu dùng.

Tập đoàn Vingroup và Masan hôm 3/12 đã thoả thuận sáp nhập Công ty VinCommerce (bán lẻ) và VinEco (nông nghiệp) của VinGroup vào CTCP Hàng tiêu dùng Masan – Masan Consumer để thành lập Tập đoàn Hàng tiêu dùng – Bán lẻ. Vingroup sẽ hoán đổi toàn bộ cổ phần trong VinCommerce thành cổ phần của công ty mới sau sáp nhập. Masan Group sẽ nắm quyền kiểm soát hoạt động, Vingroup là cổ đông.

Thỏa thuận này được cho là bước ngoặt với cả Vingroup và Masan với những lợi ích và toan tính phía sau thương vụ. Bởi lẽ, Vingroup sẽ có nguồn lực để tập trung vào mảng kinh doanh chiến lược là Vinfast và VinSmart, trong khi Masan sẽ được mảng ghép quan trọng để xây dựng đế chế hàng tiêu dùng - bán lẻ.

Bán lẻ là một trong số ít ngành còn duy trì tốc độ tăng trưởng hai con số. Tuy nhiên, để giành quyền chi phối trên thị trường này đòi hỏi một khoản đầu tư ban đầu rất lớn để mở rộng hệ thống.

Dù chịu lỗ, Vingroup đã trở thành một trong những "người chơi" nắm quyền chi phối thị trường với mạng lưới hơn 2.600 siêu thị và cửa hàng VinMart & VinMart+ tại 50 tỉnh thành chỉ trong 5 năm. Quy mô tăng nhanh cũng góp phần nâng hiệu suất từ hoạt động kinh doanh. Tăng trưởng lợi nhuận gộp bình quân năm trong ba năm gần nhất đạt hơn 67%, trong đó tỷ lệ biên lợi nhuận gộp năm 2018 đạt 11%.

Sau nhiều năm đánh đổi lợi nhuận lấy quy mô bán lẻ, ở giai đoạn mà Vinmart đang chiếm lĩnh thị trường thì Vingroup lại rút lui. Theo các chuyên gia, quyết định tưởng chừng như khó hiểu này của Vingroup có thể được lí giải bởi vài lí do:

Thứ nhất: Bán lẻ là mảnh ghép lớn, bổ trợ cho các lĩnh vực khác ở Vingroup, đặc biệt là bất động sản. Tuy nhiên, ngoài VinEco, VinGroup không tham gia sâu vào sản xuất hàng tiêu dùng dù trước đó mỳ tôm từng là điểm khởi đầu cho tập đoàn. Trong khi đó, Masan - ông lớn ngành hàng tiêu dùng sẽ khai thác và tiếp nhận tốt hơn nguồn lực mà Vingroup xây dựng.

Lý do thứ hai, mang ý nghĩa quan trọng hơn, là Vingroup có thể tập trung nguồn lực cho những mảng kinh doanh chiến lược khác.

Để giữ vị thế chủ động trên sân chơi bán lẻ này, Vingroup sẽ phải tiếp tục đầu tư và chấp nhận khoản lỗ nhiều nghìn tỉ. Khoản lỗ này sẽ không có ảnh hưởng quá lớn với tập đoàn có tài sản 15 tỷ USD như Vingroup nhưng sẽ tốt hơn nếu chuyển hướng sang lĩnh vực khác, lĩnh vực cốt lõi hiện nay.

Kể từ khi công bố chiến lược chuyển hướng sang công nghệ - công nghiệp - dịch vụ, lĩnh vực này trở thành trọng tâm đầu tư của Vingroup với quy mô tài sản bộ phận tăng nhanh. “Chúng tôi đã khởi tạo hai doanh nghiệp quy mô lớn là VinFast và VinSmart với khát vọng toàn cầu. Do vậy, chúng tôi phải tối ưu hoá mọi nguồn lực nhằm đưa VinFast và VinSmart thành các doanh nghiệp mạnh, có tầm vóc quốc tế”, ông Nguyễn Việt Quang, CEO Vingroup cho biết chiều 3/12.

Theo báo cáo tài chính được Vingroup phát đi, đến cuối quý II/2019, bộ phận sản xuất của tập đoàn có tổng tài sản hơn 73.000 tỷ đồng, chỉ đứng sau lĩnh vực bất động sản. Tuy nhiên, ở giai đoạn đầu, mảng này vẫn đang thua lỗ. Trong nửa đầu năm nay, mảng sản xuất của Vingroup lỗ hơn 2.900 tỷ đồng.

Vingroup và Masan toan tính gì sau thương vụ bom tấn? - Ảnh 1
Sản phẩm của Masan vốn tràn ngập siêu thị Vinmart

Về phía Masan, ngoại trừ khoáng sản, các hoạt động lõi còn lại của Masan đều xoay quanh bán lẻ. Và Vinmart có thể là mảnh ghép quan trọng cho tham vọng trở thành đế chế trong lĩnh vực hàng tiêu dùng - bán lẻ của tập đoàn này.

Trong báo cáo thường niên 2018, ban lãnh đạo Masan nhấn mạnh chiến lược tiếp theo là kết nối những lĩnh vực kinh doanh với hệ sinh thái đáp ứng nhu cầu hằng ngày của người tiêu dùng. Định hướng của chiến lược này là 'cửa hàng một điểm đến' - nơi giải quyết tất cả vấn đề của khách hàng, từ tài chính, thịt, thực phẩm và đồ uống đến chăm sóc sức khoẻ. Với hệ thống quy mô của Vinmart sẽ giúp tham vọng của Masan thúc đẩy nhanh hơn.

Bên cạnh đó, sở hữu hệ thống Vinmart sẽ giải được bài toán cạnh tranh trong tương lai khi những 'đại gia' như Alibaba hay Amazon gia nhập thị trường Việt Nam.

Tại Diễn đàn Công nghệ FPT 2019, ông Nguyễn Anh Nguyên, Phó tổng giám đốc Masan cho biết, một trong những thách thức họ phải đối mặt là kênh phân phối, khi những tên tuổi lớn của thế giới xâm nhập thị trường Việt Nam. Sở hữu một hệ thống lớn như Vinmart sẽ giúp Masan tối ưu được kênh phân phối, giảm tỷ lệ chi phí trung gian tới tay người tiêu dùng.

Mang lại lợi ích lớn trong dài hạn, tuy nhiên tham gia cuộc chơi bán lẻ sẽ là thách thức không nhỏ với Masan trong ngắn hạn, đặc biệt là vấn đề lợi nhuận.

Có thể thấy, cái bắt tay giữa hai tỷ phú Việt sẽ giúp hai tập đoàn Vingroup và Masan Group phát triển theo hướng chuyên nghiệp hóa hơn. Masan sẽ tập trung phát triển ngành tiêu dùng và bán lẻ, Vingroup tập trung đầu tư và phát triển công nghiệp và công nghệ.

Cần thêm thời gian để trả lời Masan có thành công khi tự mình vận hành hệ thống bán lẻ hay không, nhưng rõ ràng thương vụ M&A này là một tín hiệu tốt không chỉ cho doanh nghiệp mà cho cả nền kinh tế.

 

Theo Hiền Lê/Sở Hữu Trí Tuệ
 

Link nguồn: https://sohuutritue.net.vn/vingroup-va-masan-toan-tinh-gi-sau-thuong-vu-bom-tan-d66346.html