Vừa báo có lãi trở lại, chuỗi cho vay cầm đồ F88 được nâng hạng
Do những ảnh hưởng của các sự kiện thanh tra, điều tra của cơ quan chức năng nhằm lành mạnh hóa thị trường cho vay thứ cấp cùng sự lo ngại chất lượng tài sản của doanh nghiệp này có thể bị suy giảm, FiinRatings đã hạ hạng triển vọng của F88 xuống Không thuận lợi vào tháng 4/2023. Tuy nhiên, mới đây, FiinRatings công bố tiếp tục duy trì xếp hạng F88 ở mức BBB- nhưng đã nâng hạng triển vọng lên mức Ổn định.
Lý giải căn cứ nâng hạng triển vọng lần này, FiinRatings cho biết: "Công ty đã có sự phục hồi nhất định về chất lượng tài sản và kết quả kinh doanh cũng như khả năng huy động vốn trong bối cảnh xu hướng đi xuống của ngành tài chính tiêu dùng nói chung và phân khúc cho vay thay thế nói riêng trong thời gian gần đây".
Trong báo cáo của mình, FiinRatings nhấn mạnh vào sự trầm lắng cũng như đà phục hồi chậm của thị trường cho vay thay thế nói riêng và thị trường cho vay tiêu dùng nói chung bằng nhận định dư nợ cho vay toàn thị trường nói chung đã giảm 21,4% trong năm 2023 và có xu hướng tăng trưởng âm trong quý I/2024. Theo đó, tính đến tháng 3/2024, mức huy động vốn của các tổ chức tín dụng giảm 0,76% so với cuối năm 2023 (trong khi cùng kỳ năm 2023 tăng 1,17%). Tăng trưởng tín dụng cho toàn nền kinh tế đạt 0,26% (so với mức 1,99% cùng kỳ năm 2023).
Theo Fiin Ratings, F88 đã có màn lội ngược dòng từ cuối năm 2023. Quý IV/2023, doanh nghiệp này đã ghi nhận lợi nhuận trở lại trong khi các chỉ tiêu về lợi nhuận như NIM, ROA được duy trì tốt hơn so với trung bình ngành tài chính tiêu dùng cùng với tỷ lệ chi phí hoạt động CIR được cải thiện.
Quý I/2024, tỷ lệ khách hàng mới của F88 tiếp tục tăng trưởng ổn định ở mức tăng 9%. Doanh thu tăng trưởng ở mức cao nhất tính từ đầu năm 2023, vượt kế hoạch 6%, vượt đỉnh mốc quý IV/2023 với 2%. Lợi nhuận hoạt động trước dự phòng (PPOP) tăng 15% so với quý IV/2023. Từ đó, lợi nhuận sau thuế trong quý I/2024 đạt 31 tỷ đồng. Được biết, năm ngoái, F88 ghi nhận lợi nhuận hoạt động trước dự phòng tăng hơn hai lần so với 2022, tuy nhiên do hoạt động trích lập dự phòng dẫn đến lỗ sau thuế cả năm hơn 528 tỷ đồng.
Trong quý I, công ty huy động thành công 191 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp, tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu D/E của F88 ở mức 1,99 lần. Công ty cho biết đã chi trả đúng hạn 100% các nghĩa vụ nợ trong nước, trong đó có gần 1.471 tỷ đồng trái phiếu và 49 triệu USD cho các khoản vay nước ngoài.
Cơ cấu vốn/đòn bẩy của F88 tiếp tục là một điểm mạnh. Tỷ lệ đòn bẩy tài chính cuối quý I/2024 của chuỗi cho vay cầm cố này là 1,8 lần, thấp hơn rất nhiều so với mức trung bình ngành tài chính tiêu dùng năm 2023 là 3,7 lần. Nhìn chung, tỉ lệ này đang trong đà giảm dần, từ năm 2022 đến nay, từ mức 3,9 lần năm xuống mức 1,7 lần vào tháng 12/2023.
Hiện tại, F88 vẫn duy trì chính sách trích lập dự phòng 100% nợ quá hạn trên 90 ngày và xóa sổ khỏi dư nợ nội bảng. Thực trạng xử lý nợ xấu từ giữa năm 2023 đến nay đã thay đổi tích cực, tỷ lệ thu hồi nợ đã tăng dần kể từ quý IV/2023 sau đó tăng mạnh vào quý I/2024 ở mức 22,6%, so với mức bình quân năm 2023 là 15,6%. Chi phí huy động vốn cũng giảm từ mức 12%/năm xuống 11%/năm, góp phần ổn định thanh khoản. Hiện tại, sự hợp tác giữa F88 với ngân hàng CIMB vẫn đem lại nguồn vốn ổn định cho doanh nghiệp này.
F88 thành lập năm 2013, là chuỗi cửa hàng tài chính tiện ích quy mô lớn tại Việt Nam. Các dịch vụ tài chính cá nhân mà F88 đang tập trung cung cấp bao gồm: cho vay cầm cố, phân phối bảo hiểm và nhiều dịch vụ tiện ích khác. Đối tượng khách hàng chính của doanh nghiệp là những người dưới chuẩn ngân hàng. F88 cũng cho biết mục tiêu đến năm 2025 sẽ trở thành tập đoàn cung cấp dịch vụ tài chính cá nhân lớn nhất Việt Nam.