115.000 tỷ đồng trái phiếu BĐS đáo hạn năm 2024, tiền đâu trả nợ?
Năm 2024, ước tính sẽ có khoảng 279.219 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn trong đó phần lớn là trái phiếu Bất động sản với 115.663 tỷ đồng, tương đương 41.4%.
Số liệu tổng hợp của Bộ Xây dựng cho thấy, khối lượng phát hành trái phiếu quý I/2024 giảm 36% so với cùng kỳ năm trước, đồng thời áp lực đáo hạn trái phiếu năm 2024 vẫn còn lớn. Cụ thể, năm 2024, ước tính sẽ có khoảng 279.219 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn trong đó phần lớn là trái phiếu Bất động sản với 115.663 tỷ đồng, tương đương 41.4%.
Lũy kế trong quý có 14 đợt phát hành riêng lẻ trị giá 13.060 tỷ đồng và 2 đợt phát hành ra công chúng trị giá 2.650 tỷ đồng.
Theo dữ liệu báo cáo các tháng trong quý I/2024 của Hiệp hội trái phiếu doanh nghiệp (VBMA) tổng hợp từ HNX và SSC, trong tháng 1 có 2 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trị giá 1.650 tỷ đồng và 1 đợt phát hành ra công chúng trị giá 2.000 tỷ đồng trong tháng 1/2024.
So với các tháng 12/2023, giá trị phát hành đã sụt giảm đáng kể từ mức trung bình khoảng 43.000 tỷ đồng, tương đương giảm 91%; các doanh nghiệp đã mua lại 7.394 tỷ đồng, giảm 31,1% so với cùng kỳ năm 2023; có 7 doanh nghiệp công bố chậm trả gốc, lãi trong tháng với tổng giá trị khoảng 8.432 tỷ đồng (gồm lãi và dư nợ còn lại của trái phiếu) và 5 mã trái phiếu được gia hạn thời gian trả lãi, gốc.
Trong tháng 2/2024 có 3 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trị giá 1.165 tỷ đồng; giá trị phát hành trong tháng 2 vẫn ở mức rất thấp so với mặt bằng năm 2023; các doanh nghiệp đã mua lại 2.056 tỷ đồng trái phiếu trước hạn, giảm 68% so với cùng kỳ năm 2023; có 7 doanh nghiệp công bố chậm trả gốc, lãi trong tháng với tổng giá trị khoảng 6.213 tỷ đồng (gồm lãi và dư nợ còn lại của trái phiếu) và 24 mã trái phiếu được gia hạn thời gian trả lãi, gốc hoặc thời gian mua lại trái phiếu trước hạn.
Trong tháng 3/2024 có 7 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trị giá 8.745 tỷ đồng; các doanh nghiệp đã mua lại 8.031 tỷ đồng trái phiếu trước hạn, giảm 72% so với cùng kỳ năm 2023; có 7 doanh nghiệp công bố chậm trả gốc, lãi trong tháng với tổng giá trị khoảng 4.851 tỷ đồng (gồm lãi và dư nợ còn lại của trái phiếu) và 27 mã trái phiếu được gia hạn thời gian trả lãi, gốc hoặc thời gian mua lại trái phiếu trước hạn.
Trước đó, Bộ Tài chính cũng cho biết trong năm 2024, có 92 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn, tổng nợ vay đáo hạn khoảng 99.500 tỷ đồng.
Danh sách các doanh nghiệp có nợ trái phiếu đáo hạn nghìn tỷ trong năm nay có Công ty TNHH Đầu tư và phát triển đô thị Hưng Yên 7.200 tỷ đồng, Công ty Cổ phần Đầu tư Golden Hill hơn 5.760 tỷ đồng, Công ty Cổ phần Đầu tư và Kinh doanh Nam An 4.700 tỷ đồng, Công ty Cổ phần Đầu tư kinh doanh và phát triển đô thị Ngôi Sao Phương Nam 4.695 tỷ đồng, Công ty TNHH Bất động sản Lan Việt 4.100 tỷ đồng, Công ty Cổ phần Phát triển bất động sản Nhật Quang 2.150 tỷ đồng, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư địa ốc Nova 2.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, còn có thể kể đến: Công ty Cổ phần Đầu tư Hải Phát hơn 1.340 tỷ đồng, Công ty TNHH Thành phố Aqua 1.100 tỷ đồng, Công ty Cổ phần Đầu tư Văn Phú - Invest hơn 1.000 tỷ đồng, Tập đoàn Geleximco - CTCP 980 tỷ đồng...
Chuyên gia tài chính, ngân hàng TS Nguyễn Trí Hiếu cho biết, dù đã hết quý I/2024 nhưng thị trường vẫn khá trầm lắng. Tình trạng mất cân bằng cung - cầu vẫn chưa được cải thiện khiến thanh khoản kém, tiềm lực tài chính của doanh nghiệp yếu… Các nhà phát hành trái phiếu đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm nguồn vốn để trả nợ.
"Mặc dù có một số doanh nghiệp phát hành những lô trái phiếu mới nhưng rất ít. Dù lượng phát hành trái phiếu mới giảm mạnh thì áp lực đáo hạn từ nay đến cuối năm của các doanh nghiệp địa ốc vẫn rất lớn", ông nhấn mạnh.