19 tập đoàn, tổng công ty 'về đâu' khi 'siêu Uỷ ban' kết thúc hoạt động
Theo kế hoạch, nhiệm vụ quản lý nhà nước với 19 tập đoàn, tổng công ty sẽ do các Bộ chịu trách nhiệm quản lý, đảm bảo tách chức năng quản lý Nhà nước với chức năng đại diện chủ sở hữu
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình, Phó trưởng Ban Chỉ đạo về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 18 vừa ký ban hành kế hoạch định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ. Trong đó, sẽ kết thúc hoạt động của Uỷ ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Cụ thể, sẽ chuyển chức năng, nhiệm vụ thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu đối với 19 Tập đoàn, Tổng công ty (hiện đang giao cho Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp quản lý) về Bộ Tài chính và Đầu tư phát triển hoặc Bộ Kinh tế phát triển sau khi hợp nhất.
Đối với các nhiệm vụ quản lý Nhà nước về ngành, lĩnh vực liên quan đến phạm vi hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty sẽ do các bộ quản lý ngành, lĩnh vực chịu trách nhiệm quản lý, bảo đảm tách chức năng quản lý Nhà nước với chức năng đại diện chủ sở hữu.
Cùng với đó, nghiên cứu chuyển chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước về các Bộ quản lý chuyên ngành, lĩnh vực.
Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tiếp nhận 19 tập đoàn, tổng công ty về Bộ Tài chính và Đầu tư phát triển (hoặc Bộ Kinh tế phát triển) và xây dựng đề án.
Đồng thời, chủ động nghiên cứu xây dựng đề án thành lập Đảng bộ của một số tập đoàn như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Tổng công ty Đầu tư phát triển Đường cao tốc Việt Nam... theo hướng là đầu mối tổ chức đảng trực thuộc Đảng bộ Chính phủ.
Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp là cơ quan thuộc Chính phủ thành lập năm 2018. Ủy ban được Chính phủ giao thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và phần vốn nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên theo quy định của pháp luật.
Theo Uỷ ban, trong 9 tháng năm 2024, tổng doanh thu Công ty mẹ của 19 Tập đoàn, Tổng Công ty ước đạt trên 971 nghìn tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế ước đạt hơn 50 nghìn tỷ đồng và giá trị nộp ngân sách nhà nước ước đạt gần 63 nghìn tỷ đồng.
Tính đến nay, tổng vốn chủ sở hữu 19 Tập đoàn, Tổng công ty đạt 1,18 triệu tỷ đồng (tăng 11% so với năm 2018), tổng tài sản đạt 2,54 triệu tỷ đồng (tăng 5%), tổng doanh thu hợp nhất đạt 1,85 triệu tỷ đồng (tăng 44%).
Tổng nộp ngân sách Nhà nước (NSNN) giai đoạn 2018-2023 đạt 1,28 triệu tỷ đồng, chiếm bình quân 10-12% tổng thu NSNN hàng năm của cả nước.