3 nhà đầu tư 9X 'chống lưng' cho Fnest - doanh nghiệp mới mất đi hậu thuẫn từ VPS là ai?
Người đứng sau FNEST - mô hình đầu tư bất động sản (BĐS) chia nhỏ hợp tác với Chứng khoán VPS mới bị yêu cầu ngừng ngay là 3 nhà đầu tư thuộc thế hệ 9X.
Luật Chứng khoán chưa xác định loại hình chia nhỏ BĐS vào một loại chứng khoán
Trong cuộc họp báo thường kỳ quý II/2024 của Bộ Tài chính diễn ra vào chiều 18/6, đánh giá về hình thức đầu tư BĐS chia nhỏ xuất hiện thời gian gần đây, đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) đã có chia sẻ rất cụ thể.
Theo đó, ông Bùi Hoàng Hải - Phó Chủ tịch UBCK Nhà nước cho rằng hiện nay Luật Chứng khoán vẫn chưa xác định loại hình chia nhỏ BĐS vào một loại chứng khoán. Đánh giá về mô hình này, ông Hải cho biết UBCK Nhà nước đã theo dõi mô hình này và nhận thấy đây là một hình thức đầu tư khá nhiều rủi ro.
Dưới góc độ chức năng quản lý, ông Hải cho biết "Sau khi nhận được thông tin VPS đứng ra bán chứng chỉ này, UBCK đã làm việc và yêu cầu VPS ngừng ngay các hoạt động phân phối chứng chỉ chia nhỏ BĐS".
Fnest được "vận hành" như thế nào?
Trước đó, Chứng khoán VPS đã hợp tác với Fnest để bán các căn hộ, biệt tự chia nhỏ cho nhà đầu tư với mức giá chỉ từ 10.000 đồng/một cổ phần.
Dịch vụ này được thực hiện qua ứng dụng SmartOne của VPS và khách hàng cần phải là nhà đầu tư của VPS mới có thể tham gia.
Theo đó, mỗi một bất động sản được đơn vị kinh doanh định giá và quy đổi ra số cổ phần sẽ được bán cho nhà đầu tư sơ cấp bằng đơn vị là Fnest, trong đó 1 Fnest tương đương 10.000 đồng.
Với slogan quảng cáo cho mô hình là "Ai cũng có thể tham gia đầu tư với số vốn chỉ 10.000 đồng" và không cần lo lắng về việc cho thuê hay rao bán BĐS bởi đơn vị này sẽ hợp tác với công ty quản lý để tối ưu hiệu quả vận hành, mô hình này thu hút được rất đông người tham gia.
Số tiền thuê cũng sẽ được chia cho nhà đầu tư hàng tháng theo tỷ lệ tương ứng với mức cổ phần sở hữu.
Theo lời giới thiệu từ Fnest cùng các môi giới từ VPS, khi đầu tư vào mô hình này, các nhà đầu tư có thể nhận được lợi nhuận hàng tháng từ việc cho thuê BĐS và có thể rút tiền từ tài khoản của mình bất cứ lúc nào.
Cho đến thời điểm hiện tại, Fnest đã đưa "lên sàn" 9 loại BĐS gồm các công trình căn hộ, biệt thự... Những dự án này tập trung đa phần tại Hà Nội và TP. HCM như Garden City, Khai Sơn City...
Đáng nói, dù mới được mở bán không lâu nhưng các gói sản phẩm sơ cấp của toàn bộ các BđS này đều đã được bán hết và hiện các nhà đầu tư chỉ có thể thực hiện các giao dịch thứ cấp.
Danh tính nhà đầu tư đứng sau Fnest?
Những gì được chia sẻ trên website chính thức của Fnest cho thấy doanh nghiệp này được thành lập với tầm nhìn "trở thành công ty hàng đầu trong lĩnh vực đầu tư BĐS ứng dụng công nghệ hiện đại, mang đến phương thức BĐS đầu tư đơn giản nhất".
Công ty Cổ phần Fnest được thành lập ngày 14/12/2022 với số vốn điều lệ ban đầu 30 tỷ đồng, có địa chỉ tại tầng 4, số 37 đường Nguyễn Sơn, P. Ngọc Lâm, Q. Long Biên, TP. Hà Nội.
Doanh nghiệp này đăng ký hoạt động trong lĩnh vực tư vấn, môi giới, đấu giá BĐS, đấu giá quyền sử dụng đất (loại trừ đấu giá) với lời giới thiệu rằng sở hữu đội ngũ nhân sự có nhiều năm kinh nghiệm, am hiểu về kinh doanh BĐS, công nghệ và tài chính.
Ít ai biết rằng, Fnest được góp vốn bởi 3 nhà đầu tư thuộc thế hệ 9X trong đó, người trẻ nhất là bà Phạm Thị Phương Hiền (sinh năm 1997).
Bà Phương Hiền cũng là người đóng góp nhiều vốn nhất với mức góp 29,4 tỷ đồng (tương đương tỷ lệ sở hữu 98%). Hai cổ đông còn lại là bà Nguyễn Phương Lan (sinh năm 1994) và bà Ngô Thị Phương Thảo (sinh năm 1993) mỗi người góp 300 triệu đồng (tương đương tỷ lệ sở hữu 1%).
Thời gian đầu, bà Hiền là người đứng tên đại diện theo pháp luật và cũng là Giám đốc của Fnest nhưng đến ngày 1/3/2024, toàn bộ các vị trí này đã được chuyển giao cho bà Nguyễn Thùy Linh (sinh năm 1998).
Trên thực tế, mô hình đầu tư BĐS chia nhỏ mà Fnest đang triển khai đã xuất hiện ở khá nhiều nước phát triển và cũng không còn quá mới mẻ ở Việt Nam.
Cách đây 4-5 năm trước đã có một số công ty triển khai theo mô hình tư tự như: Moonka, Sunshine Group, hay nổi bật nhất là VMI JSC của tỷ phú Phạm Nhật Vượng... nhưng đa phần các nền tảng, ứng dụng mua chung BĐS này đều trong tình trạng ngừng hoạt động.
Nếu xét về tiềm lực cũng như tài chính, kho hàng, Fnest đều không thể so được với những tên tuổi nói trên. Tuy nhiên, doanh nghiệp có thâm niên "2 năm tuổi đời" này lại có được sự hậu thuẫn từ VPS - Công ty có thị phần môi giới chứng khoán đứng đầu thị trường với tệp khách hàng thường xuyên giao dịch lên đến hàng triệu thành viên, với đội ngũ tiếp thị sản phẩm vô cùng đông đảo.
Việc VPS bị UBCK Nhà nước yêu cầu chấm dứt hoạt động phân phối chứng chỉ chứng khoán dưới dạng BĐS chia nhỏ khiến Fnest mất đi lợi thế cạnh tranh. Thậm chí, ngoài việc hợp tác và triển khai thông qua ứng dụng VPS, Fnest hiện chưa có ứng dụng riêng biệt hay kênh phân phối qua các nền tảng nào khác, điều này khiến doanh nghiệp này sẽ đứng trước thách thức vô cùng lớn.