Chân dung Fnest, proptech đầu tư BĐS chia nhỏ vừa mất đi hậu thuẫn từ VPS

Không sở hữu tiềm lực tài chính lớn và kho hàng khủng như các đơn vị triển khai mô hình đầu tư bất động sản chia nhỏ đi trước song Fnest lại có được sự đồng hành của VPS - công ty chứng khoán đứng đầu về thị phần môi giới.

Tại họp báo thường kỳ quý II/2024 do Bộ Tài chính tổ chức chiều 18/6, ông Bùi Hoàng Hải – Phó Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho biết, cơ quan quản lý đã làm việc với Công ty CP Chứng khoán VPS và yêu cầu công ty này ngừng ngay hoạt động phân phối chứng chỉ chứng khoán dưới dạng bất động sản chia nhỏ để bán cho nhà đầu tư.

Ông Hải thông tin, hiện Luật Chứng khoán chưa xác định loại hình chia nhỏ bất động sản vào một loại chứng khoán. UBCKNN đã theo dõi mô hình này và nhận thấy đây là một hình thức đầu tư khá nhiều rủi ro.

Ông Bùi Hoàng Hải - Phó Chủ tịch UBCKNN thông tin về mô hình đầu tư bất động sản chia nhỏ
Ông Bùi Hoàng Hải - Phó Chủ tịch UBCKNN thông tin về mô hình đầu tư bất động sản chia nhỏ

Trong động thái mới nhất, VPS cũng đã gửi email thông báo về việc chốt danh sách hưởng quyền một loạt các mã sản phẩm đã được bán. Theo đó, các giao dịch chuyển nhượng sau 17h ngày 18/6 sẽ bị từ chối và những nhà đầu tư sở hữu các sản phẩm chia nhỏ sẽ được nhận về phần vốn gốc và lợi tức.

Trước đó, VPS đã công bố hợp tác cùng Công ty CP Fnest triển khai hình thức bất động sản chia nhỏ bán các căn hộ, biệt thự với giá chỉ từ 10.000 đồng một cổ phần. Dịch vụ này được thực hiện thông qua ứng dụng đầu tư tài chính VPS SmartOne của VPS và khách hàng cần phải là nhà đầu tư của VPS mới có thể tham gia.

Fnest hoạt động ra sao?

Về mô hình bất động sản chia nhỏ mà Fnest triển khai, theo mô tả, mỗi bất động sản sẽ quy đổi ra số cổ phần có thể bán cho nhà đầu tư sơ cấp bằng đơn vị là “Fnest”. Trong đó, 1 Fnest có giá trị tương đương 10.000 đồng. Ví dụ, một biệt thự ở Nhà Bè, TP Hồ Chí Minh được định giá 25,5 tỷ đồng tương đương với 2,55 triệu Fnest. Khi bất động sản được bán, lợi nhuận sẽ được chia đều lại cho các nhà đầu tư dựa theo số lượng phần Fnest nắm giữ.

Dịch vụ Fnest VPS trên ứng dụng VPS SmartOne
Dịch vụ Fnest VPS trên ứng dụng VPS SmartOne

Fnest cho biết, các bất động sản mà đơn vị này mở bán đều được định giá bởi công ty thẩm định có uy tín trên thị trường và cũng có đầy đủ giấy tờ pháp lý, đảm bảo không có tranh chấp, kiện tụng. Đồng thời, các bất động sản cũng được định giá lại 3 tháng một lần. Theo đó, trong trường hợp định giá bất động sản tăng lên, thì giá trị số Fnest của nhà đầu tư nắm giữ cũng tăng theo.

Theo quảng cáo, khi đầu tư vào mô hình này, nhà đầu tư có thể nhận được lợi nhuận hàng tháng từ việc cho thuê bất động sản và có thể rút tiền từ tài khoản của mình bất cứ lúc nào. Ngoài thị trường sơ cấp, nhà đầu tư còn có thể mua bán thứ cấp tương tự như cổ phiếu.

Tính đến thời điểm hiện tại, Fnest đã đưa lên ‘sàn’ 9 bất động sản gồm các công trình căn hộ, shophouse, biệt thự,… tập trung tại các dự án tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh như Garden City, Arden Park, Khai Sơn City... Đáng chú ý, mặc dù mới được mở bán không lâu nhưng các gói sản phẩm sơ cấp của toàn bộ các bất động sản nói trên đều đã được bán hết. Hiện tại, các nhà đầu tư chỉ có thể thực hiện giao dịch thứ cấp.

Danh mục sản phẩm trên 'sàn' giao dịch Fnest
Danh mục sản phẩm trên 'sàn' giao dịch Fnest

Ai là chủ của Fnest?

Theo tìm hiểu, Fnest được thành lập ngày 14/11/2022 với số vốn điều lệ ban đầu là 30 tỷ đồng, có địa chỉ tại tầng 4, số 37 đường Nguyễn Sơn, phường Ngọc Lâm, quận Long Biên, TP. Hà Nội. Doanh nghiệp đăng ký hoạt động chính trong lĩnh vực tư vấn, môi giới, đấu giá bất động sản, đấu giá quyền sử dụng đất (loại trừ đấu giá).

Đáng chú ý, Fnest được góp vốn bởi ba nhà đầu tư nữ thuộc lứa 9x. Trong đó, người trẻ nhất là bà Phạm Thị Phương Hiền (sinh năm 1997) cũng là người góp nhiều vốn nhất với góp 29,4 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ sở hữu 98%. Hai cổ đông còn lại là bà Ngô Thị Phương Thảo (sinh năm 1993) và Nguyễn Phương Lan (sinh năm 1994) mỗi người góp 300 triệu đồng, tương đương tỷ lệ sở hữu 1%.

Ban đầu, bà Phạm Thị Phương Hiền cũng đứng tên người đại diện theo pháp luật, đồng thời là Giám đốc của Fnest. Tuy nhiên, tới ngày 1/3/2024, toàn bộ các vị trí này đã được chuyển giao sang cho bà Nguyễn Thuỳ Linh (sinh năm 1998).

Fnest được thành lập với tầm nhìn trở thành công ty hàng đầu trong lĩnh vực đầu tư bất động sản ứng dụng công nghệ hiện đại
Fnest được thành lập với tầm nhìn trở thành công ty hàng đầu trong lĩnh vực đầu tư bất động sản ứng dụng công nghệ hiện đại

Theo giới thiệu trên website chính thức, Fnest được thành lập với tầm nhìn trở thành công ty hàng đầu trong lĩnh vực đầu tư bất động sản ứng dụng công nghệ hiện đại, mang tới phương thức bất động sản đầu tư đơn giản nhất. Doanh nghiệp này xác định sứ mệnh của mình là thay đổi góc nhìn của cộng đồng về đầu tư tài chính và truyền cảm hứng cho tất cả mọi người bằng việc mở ra cơ hội đầu tư bất động sản đơn giản, linh hoạt, sẵn sàng bước tới một tương lai thịnh vượng.

Fnest cũng cho biết, doanh nghiệp sở hữu đội ngũ nhân sự có nhiều năm kinh nghiệm, am hiểu về kinh doanh bất động sản, công nghệ và tài chính.

Trên thực tế, mô hình đầu tư bất động sản chia nhỏ mà Fnest đang triển khai đã xuất hiện ở nhiều nước phát triển và cũng không quá mới mẻ tại Việt Nam. Khoảng 4-5 năm trước, đã một số công ty triển khai mô hình tương tự. Trong đó có thể kể đến Moonka, KSFinance của Sunshine Group, Houze Invest của Houze Group hay nổi bật nhất là VMI JSC của tỷ phú Phạm Nhật Vượng. Tuy nhiên, hầu hết các nền tảng, ứng dụng mua chung bất động sản này đều trong tình trạng ngừng hoạt động.

Xét cả về tiềm lực tài chính lẫn kho hàng, Fnest đều không thể so với những tên tuổi nói trên. Tuy nhiên, doanh nghiệp chưa đầy 2 tuổi đời này lại có được sự đồng hành của VPS – công ty có thị phần môi giới chứng khoán đứng đầu thị trường với tệp khách hàng thường xuyên giao dịch lên tới hàng triệu thành viên cùng đội ngũ tiếp thị sản phẩm đông đảo. Đây được đánh giá là lợi thế cạnh tranh không hề nhỏ của Fnest.

Theo đó, việc đối tác VPS bị UBCKNN yêu cầu chấm dứt hoạt động phân phối chứng chỉ chứng khoán dưới dạng bất động sản chia nhỏ sẽ khiến Fnest đánh mất lợi thế cạnh tranh nói trên. Chưa kể, ngoại trừ việc hợp tác và triển khai thông qua ứng dụng của VPS, Fnest chưa có ứng dụng riêng biệt hay kênh phân phối qua các nền tảng nào khác. Rõ ràng, thời gian tới, doanh nghiệp non trẻ này sẽ phải đối mặt với không ít thách thức.

Thái Hà

Theo VietnamFinance