ABBank: Lãi dự thu và nợ xấu cùng tăng, có hơn 8.000 tỷ đồng nợ tiềm ẩn

Chất lượng tín dụng của ABBank đang có dậu hiệu đi xuống khi lãi dự thu và nợ xấu đồng loạt tăng. Đặc biệt, chỉ tiêu ngoại bảng vẫn cho thấy, ABBank có hơn 8.000 tỷ đồng nghĩa vụ nợ tiềm ẩn, tăng đến 49% so với đầu năm.

Lợi nhuận 9 tháng đầu năm đạt 1.748 tỷ đồng

Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank – mã: ABB) công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2022 với lợi nhuận trước thuế 9 tháng đạt 1.748 tỷ đồng, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm ngoái và hoàn thành 55% kế hoạch năm 2022.

ABBank: Lãi dự thu và nợ xấu cùng tăng, có hơn 8.000 tỷ đồng nợ tiềm ẩn - Ảnh 1

Trong đó, thu nhập lãi thuần tăng 26,7% so với cùng kỳ, lên 2.784 tỷ đồng. Lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối đạt 639 tỷ đồng tăng 38% so với cùng kỳ. Lãi thuần từ hoạt động kinh doanh khác và thu nhập từ góp vốn mua cổ phần tăng lần lượt 142% và 621% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ở chiều ngược lại, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ giảm đến 79%, từ 208 tỷ đồng trong 9 tháng 2021 xuống còn 43 tỷ đồng. Hoạt động đầu tư và kinh doanh chứng khoán cũng không mấy khả quan khi ghi nhận khoản lỗ lần lượt là 23 tỷ và 63 tỷ đồng.

9 tháng đầu năm 2022, ABBank dành gần 528 tỷ đồng để trích dự phòng rủi ro tín dụng, tăng 30% so với đầu năm. Vì vậy, lãi trước thuế tăng 9%, đạt hơn 1.748 tỷ đồng.

Riêng quý 3/2022, nguồn thu chính của ABBank tăng trưởng với gần 980 tỷ đồng thu nhập lãi thuần, tăng 28% so với cùng kỳ. Thêm vào đó, lợi nhuận từ hoạt động khác và thu nhập từ vốn góp, mua cổ phần cũng tăng mạnh, lần lượt gấp 12 lần và 4,3 lần cùng kỳ, đạt gần 85 tỷ đồng và 12 tỷ đồng.

Tuy nhiên, các mảng kinh doanh khác như dịch vụ, kinh doanh ngoại hối, chứng khoán kinh doanh và chứng khoán đầu tư đều ghi nhận kết quả kém sắc. Đồng thời, Ngân hàng tăng mạnh trích lập dự phòng rủi ro tín dụng cụ thể, gấp 3,6 lần cùng kỳ, lên mức 310 tỷ đồng và trích lập hơn 86 tỷ đồng cho quỹ dự phòng chung.

Do vậy, lợi nhuận trước thuế của ABBank giảm 79% so với cùng kỳ, còn gần 86 tỷ đồng. Đây cũng là mức lợi nhuận quý thấp nhất trong 4 năm trở lại đây của Ngân hàng (kể từ quý 1/2017).

Nợ xấu và lãi dự thu tại ABBank cùng tăng

Ông Nguyễn Mạnh Quân - Quyền Tổng Giám đốc ABBank nhận định: “Quý 3/2022, hoạt động ngành Ngân hàng chịu áp lực, lãi biên (NIM) có xu hướng giảm do lãi suất đầu vào có xu hướng tăng cũng như khả năng đối mặt với tình trạng nợ xấu gia tăng vào cuối năm 2022. Trong 3 tháng cuối năm, ABBank sẽ đẩy mạnh phục vụ các nhu cầu phi tín dụng, phát triển dịch vụ ngân hàng số và hướng tới mục tiêu tăng vị thế trong phân khúc bán lẻ”.

Thực tế, ngoài lợi nhuận, chất lượng tài sản của ABBank cũng đang suy giảm do nợ xấu và lãi dự thu đều tăng khá nhanh.

Cụ thể, 9 tháng đầu năm 2022, lãi dự thu tại ABBank (lãi và phí phải thu) ghi nhận hơn 1.007 tỷ đồng, tăng 31% so với đầu năm 2022.

Nguồn: BCTC quý 3/2022)
Nguồn: BCTC quý 3/2022)

Lãi dự thu là khoản lãi dự kiến sẽ thu được trong tương lai và là một phương thức hạch toán trong bảng cân đối kế toán của ngân hàng, Tuy nhiên, nếu lãi dự thu không thể thu hồi trong thời gian dài có thể do nợ xấu hoặc bên phải trả mất khả năng thanh toán thì sẽ có những rủi ro nhất định. Con số lãi dự thu càng lớn, khả năng tác động đến lợi nhuận của ngân hàng càng cao.

Đồng thời, nợ xấu tại ABBank tính đến 30/9/2022 ghi nhận gần 1.896 tỷ đồng, tăng 17% so với đầu năm. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn tăng mạnh nhất tới 40%, lên hơn 1.207 tỷ đồng. Do dư nợ cho vay khách hàng và tổng nợ xấu có tốc độ tăng trưởng ngang nhau nên tỷ lệ nợ xấu của ABBank xấp xỉ mức đầu năm là 2,35%.

Chi tiết cơ cấu các nhóm nợ tại ABBank (nguồn: BCTC quý 3/2022)
Chi tiết cơ cấu các nhóm nợ tại ABBank (nguồn: BCTC quý 3/2022)

Trước đó, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, nhận định nửa đầu năm 2022, tình hình nợ xấu sẽ vẫn chưa có nhiều áp lực, ngân hàng vẫn được tiếp tục cơ cấu nợ cho khách hàng chịu ảnh hưởng của dịch Covid 19.

Tuy nhiên, đến nửa cuối năm nay, các vấn đề về khung pháp lý có thể xoay chuyển theo hướng không có lợi cho vấn đề xử lý nợ xấu của toàn ngành ngân hàng. Cụ thể, việc Thông tư 14/2021 về cơ cấu nợ hết hiệu lực, Nghị quyết 42 về xử lý không luật hóa sẽ gây tác động tiêu cực các cơ chế xử lý hiệu quả nợ xấu. Do đó, vấn đề nợ xấu có thể căng trở lại và thành tâm điểm của thị trường tài chính Việt Nam nửa cuối năm nay.

Ngoài ra, chỉ tiêu ngoại bảng cũng cho thấy, tính đến 30/9/2022, ABBank có hơn 8.077 tỷ đồng nghĩa vụ nợ tiềm ẩn, tăng tới 49% so với thời điểm đầu năm. Các khoản nợ này được phát sinh khi ngân hàng và khách hàng ký các cam kết tín dụng, hạn mức thấu chi chưa sử dụng hoặc thư tín dụng...

Nợ ngoại bảng tiềm ẩn tại ABBank hơn 8.000 tỷ đồng (nguồn: BCTC quý 3/2022)
Nợ ngoại bảng tiềm ẩn tại ABBank hơn 8.000 tỷ đồng (nguồn: BCTC quý 3/2022)

Nghĩa vụ nợ tiềm ẩn bao gồm cam kết bảo lãnh vay vốn, cam kết trong nghiệp vụ L/C (bảo lãnh qua thư tín dụng) và cam kết trong bảo lãnh khác. Cam kết bảo lãnh vay vốn thì nhiều rủi ro hơn các nhiệp vụ L/C, nhưng lại thường chiếm tỷ trọng nhỏ, trong khi đó, cam kết trong nghiệp vụ L/C lại có rủi ro thấp nhất và cam kết trong bảo lãnh khác nhiều rủi ro hơn L/C.

Nếu chỉ nhìn vào tỷ lệ nợ xấu được phản ánh trực tiếp trong bảng cân đối kế toán, thì rõ ràng chưa phản ánh đầy đủ bức tranh nợ xấu cũng như đánh giá được những rủi ro từ các nghĩa vụ nợ tiềm ẩn của ngân hàng.

Hà Phương

Theo Sở hữu trí tuệ