Cổ phiếu về sát mệnh giá, ngân hàng ABBank muốn tăng vốn trên thị trường chứng khoán có dễ?
Ngân hàng ABBank dự kiến phát hành hơn 94 triệu cp để chi trả cổ tức tỷ lệ 10%. Tuy nhiên, giá cổ phiếu ABB hiện giao dịch sát mệnh giá, ở mức 10.200 đồng/cp.
Năm 2022, việc "chạy đua" tăng vốn điều lệ của ngành ngân hàng tiếp tục diễn ra mạnh mẽ với hàng loạt kế hoạch tăng vốn liên tục được công bố. Lãnh đạo một số ngân hàng cho biết, việc tăng vốn điều lệ là cần thiết. Qua đó sẽ giúp ngân hàng củng cố tiềm lực tài chính, gia tăng nguồn vốn trung và dài hạn để mở rộng hoạt động kinh doanh, đảm bảo hệ số an toàn vốn (CAR) theo quy định của các cơ quan chức năng, đáp ứng kế hoạch tăng trưởng liên tục hàng năm.
Trong năm ngoái khi thị trường chứng khoán sôi động, hoạt động phát hành cổ phiếu tăng vốn tại các ngân hàng được đẩy mạnh, cổ phiếu nhóm ngân hàng nhờ đó liên tiếp lập đỉnh mới. Tuy nhiên, hiện nay thị trường chứng khoán đang trải qua chuỗi ngày giảm điểm mạnh, khối VN30 liên tục phủ sắc đỏ. Chiếm số đông trong rổ này là hầu hết các cổ phiếu ngân hàng đều bị “bốc hơi” giá trị, dần mất đi vị trí là trụ cột dẫn dắt thị trường trong thời gian qua. Chính vì vậy, việc phát hành cổ phiếu để tăng vốn không còn khả năng hỗ trợ cho đà tăng giá của nhóm cổ phiếu ngân hàng.
Cụ thể, từ đầu năm 2022 đến nay, mặc cho kế hoạch tăng vốn, nhóm cổ phiếu ngân hàng đều bị giảm khoảng 40 – 50% giá trị. Kết thúc phiên giao dịch ngày 30/9, có 15 trong tổng số 27 ngân hàng niêm yết trên HOSE, HNX và sàn UpcoM có thị giá dưới 20.000 đồng/cp. Thậm chí có cả mã ‘ngân hàng quốc dân’ một thời như cổ phiếu MBB cũng đang giao dịch ở mức 20.000 đồng/cp; SHB ở mức 12.450 đồng/cp,…
Mới đây, Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) vừa thông qua nghị quyết sửa đổi, bổ sung phương án tăng vốn điều lệ qua phát hành cổ phiếu.
Cụ thể, HĐQT ABBank cập nhật thông tin, số liệu về nguồn vốn phát hành cổ phiếu chia cổ tức từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối theo BCTC kiểm toán năm 2021.
Theo BCTC kiểm toán riêng lẻ, tại ngày 31/12/2021, lợi nhuận chưa phân phối của ABBank là 3,648 tỷ đồng. ABBank đã thực hiện trích lập bổ sung các quỹ theo quy định và chia cổ tức như sau:
Theo Nghị quyết ĐHĐCĐ ngày 20/04/2022, ABBank thực hiện phân phối lợi nhuận trích lập Quỹ khen thưởng, phúc lợi.
Ngày 11/02/2022, ABBank hoàn thành phát hành gần 244 triệu cp để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu (trong đó có 225.6 triệu cp từ lợi nhuận chưa phân phối). Vốn điều lệ tăng từ 6.970 tỷ đồng lên 9.409 tỷ đồng.
Như vậy, nguồn vốn còn lại có thể tiếp tục sử dụng để chia cổ tức là 1,360 tỷ đồng (BCTC riêng lẻ) và 1,378 tỷ đồng (BCTC hợp nhất). Nguồn để thực hiện tăng vốn thông qua phát hành cổ phiếu trả cổ tức là từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, không vượt quá mức lợi nhuận sau thuế chưa phân phối trên cả BCTC hợp nhất và riêng lẻ 2021 đã được kiểm toán.
Đồng thời, ABBank dự kiến phát hành 5 triệu cp thưởng theo chương trình lựa chọn dành cho CBNV (ESOP) trong quý 4/2022, sau khi hoàn thành phát hành cổ phiếu trả cổ tức.
Nếu tăng vốn thành công, vốn điều lệ của ABBank sẽ được nâng từ mức 9.409 tỷ đồng lên 10.400 tỷ đồng.
Số vốn tăng thêm dự kiến được ABBank bổ sung quy mô vốn hoạt động nhằm cung cấp các dịch vụ ngân hàng như cho vay, đầu tư các công cụ chuyển nhượng, giấy tờ có giá như trái phiếu Chính phủ nhằm đầu tư, phát triển công nghệ, bảo đảm nguồn lực để thực hiện mục tiêu kế hoạch trung hạn 2021-2025 và các giai đoạn tiếp theo, cũng như thực hiện chuyển đổi số và kinh doanh nền tảng số.
Đáng nói, ngân hàng ABBank công bố kế hoạch phát hành cổ phiếu để tăng vốn trong bối cảnh thị giá cổ phiếu về sát mệnh giá (10.000 đồng).
Theo đó, cổ phiếu ABB của ngân hàng ABBank giao dịch tại hệ thống UPCoM vào ngày 28/12/2020 với giá tham chiếu là 15.000 đồng/cổ phiếu. Song, sau gần 2 năm lên sàn, giá cổ phiếu ABB không những không tăng mà còn lùi về sát mệnh giá. Kết thúc phiên giao dịch ngày 30/9/2022, thị giá cổ phiếu ABB ở mức 10.200 đồng/cp, so với thời điểm đầu năm 2022 (tức ngày 4/1/2022) đã giảm 54%, từ 22.100 đồng/cp xuống còn 10.200 đồng/cp.
Do đó, việc giá cổ phiếu chìm sâu dưới mệnh giá khiến các ngân hàng niêm yết rất khó thành công trong việc phát hành cổ phiếu để tăng vốn. Bởi, một trong những mục tiêu lớn nhất của ngân hàng khi niêm yết trên chứng khoán là được tiếp cận với kênh huy động vốn dài hạn. Nói cách khác, sức hấp dẫn của thị trường chứng khoán chính là mở ra kênh huy động vốn cho doanh nghiệp và ngân hàng.
>> Xem thêm: "Vòng tròn" trái phiếu giữa Tập đoàn Geleximco và ABBank