ADB cảnh báo làn sóng đầu cơ mới đối với các dự án bất động sản rủi ro cao
TNNĐ-ADB cũng chỉ ra lãi suất cho vay có thể chịu áp lực tăng lên trong giai đoạn dự báo khi lạm phát tăng dần và cầu tín dụng cũng tăng trong khi thanh khoản của ngân hàng eo hẹp hơn.
►Hà Nội đầu tư 52 công trình trọng điểm
►Long Giang Land sẽ đầu tư gần 2.700 tỷ đồng vào dự án Thành Thái và 69 Vũ Trọng Phụng
Trong báo cáo cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo nền kinh tế sẽ duy trì được tốc độ tăng trưởng 6,7% trong năm 2016, sau đó giảm tốc nhẹ xuống còn 6,5% trong năm 2017.
Báo cáo này cũng cho biết Ngân hàng Nhà nước Việt Nam duy trì lãi suất chính sách ổn định trong năm 2015 sau khi liên tục giảm lãi suất trong những năm trước, nhưng các ngân hàng thương mại đã giảm thêm lãi suất cho vay trung bình từ 0,2-0,5 điểm phần trăm. Lãi suất cho vay đã giảm một nửa kể từ năm 2011.
Lãi suất cho vay thấp hơn đã góp phần khôi phục niềm tin của người tiêu dùng và nhà đầu tư, giúp tăng trưởng tín dụng đạt 18%, cao hơn so với chỉ tiêu ban đầu 13-15% mà chính phủ đề ra. Tổng phương tiện thanh toán ước tính tăng 14%.
ADB chỉ ra NHNN đặt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm 2016 là 18%-20% để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mạnh hơn. Lãi suất cho vay có thể chịu áp lực tăng lên trong giai đoạn dự báo khi lạm phát tăng dần và cầu tín dụng cũng tăng trong khi thanh khoản của ngân hàng eo hẹp hơn.
Đồng thời, tổ chức này cảnh báo tiến bộ chậm chạp trong kế hoạch cải cách ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước là những nguy cơ đe dọa triển vọng tích cực của nền kinh tế. Các ngân hàng thiếu vốn và thiếu minh bạch tài chính sẽ tiếp tục dễ bị tổn thương trước các cú sốc. Tăng trưởng tín dụng phục hồi có thể dẫn đến một làn sóng đầu cơ mới đối với các dự án bất động sản rủi ro cao.
Để giảm thiểu những rủi ro này, NHNN đã có bước đi trong đầu năm 2016 nhằm thắt chặt các yêu cầu cho vay vốn đối với bất động sản, và hạn chế tiềm năng mất đối xứng kỳ hạn trong hoạt động cho vay của ngân hàng.
Theo ADB, tiến bộ hơn nữa trong kế hoạch củng cố hệ thống ngân hàng, tăng cường tính minh bạch, phân loại tài sản, giải quyết nợ xấu và các yêu cầu công khai thông tin sẽ là những yêu cầu sống còn để tăng cường được sức mạnh của khu vực ngân hàng.
Theo Mai Ngọc
Báo Trí thức trẻ