AMC các ngân hàng có đang hoạt động hiệu quả?
Việc MSB thoái vốn tại MSB AMC khiến giới đầu tư băn khoăn về khả năng vận hành của Công ty quản lý nợ và khai thác tài sản ngân hàng thương mại (AMC) có thực sự hiệu quả ?
MSB ghi nhận thêm 224 tỷ đồng lợi nhuận sau khi thoái vốn khỏi MSB AMC
Hội đồng quản trị Ngân hàng Thương mại cổ phần Hàng Hải Việt Nam (MSB) vừa ra Nghị quyết công bố thông tin chuyển nhượng toàn bộ giá trị phần vốn góp của MSB tại Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Quản lý nợ và khai thác tài sản MSB AMC.
Sau khi chuyển nhượng thành công, MSB sẽ không còn là công ty mẹ của MSB AMC. Viêc thoái vốn sẽ được thực hiện theo quy định của pháp luật trong thời gian tới. Với việc chuyển nhượng này, MSB ghi nhận thêm 224 tỷ đồng lợi nhuận.
Theo bản cáo bạch, tính đến ngày 30/09/2020, MSB có 2 công ty con. Như vậy, sau khi chuyển nhượng vốn góp tại MSB AMC, MSB sẽ chỉ còn 1 công ty con là Công ty tài chính TNHH MTV Cộng đồng (FCCOM).
MSB AMC được thành lập từ năm 2008 với mức vốn điều lệ hiện tại là 100 tỷ đồng. Giữa tháng 9/2020, công ty vừa có sự thay đổi về nhân sự. Ví trí chủ tịch công ty được giao cho bà Lại Thị Hoài (sinh năm 1993), thay cho ông Bùi Đức Quang.
Theo Chủ tịch HĐQT Trần Anh Tuấn, quyết định trên nhằm thoái vốn và tái cơ cấu danh mục đầu tư.
So với các AMC của các nhà băng khác, MSB AMC có mức vốn điều lệ khá khiêm tốn nhưng kinh doanh hiệu quả trong năm 2019 với mức doanh thu đạt được lên tới 150,2 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế và sau thuế lần lượt đạt 15,62 tỷ đồng và 12,48 tỷ đồng.
Việc thoái vốn tại MSB AMC, các tài sản hay khoản nợ xấu mà đơn vị này nắm giữ cũng sẽ ra khỏi bảng cân đối kế toán của MSB. Theo báo cáo tài chính hợp nhất, quy mô các khoản cho vay khách hàng đến cuối quý 3/2020 đạt xấp xỉ 73.430 tỷ đồng, tăng 15,5% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu xấp xỉ ở mức 2,32%.
AMC tại các ngân hàng thực sự vận hành hiệu quả?
Theo Bộ Tài chính, hầu hết Công ty quản lý nợ và khai thác tài sản ngân hàng thương mại (AMC) của các ngân hàng được thành lập với mục đích để xử lý nợ xấu của các ngân hàng mẹ, ít tham gia vào thị trường mua bán nợ hoặc có tham gia thì mục đích cũng chỉ giúp các ngân hàng mẹ hoán đổi nợ xấu cho nhau. Do đó, các khoản nợ xấu vẫn tồn tại trong nội bộ ngân hàng mà chưa được loại bỏ hoàn toàn ra khỏi báo cáo tài chính hợp nhất, nợ xấu thực chất vẫn chưa được xử lý.
Tại báo cáo của Bộ Tài chính gửi Thủ tướng về thị trường mua bán nợ, Việt Nam có khoảng 30 AMC đăng ký hoạt động. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 4 AMC thực sự vận hành gồm AMC của ACB, Techcombank, VPBank và MB. Ngoài ra, do nguồn nhân lực còn thiếu và chưa có nhiều kinh nghiệm, cũng như hạn chế về nguồn vốn nên hoạt động của các AMC chưa thực sự hiệu quả.
Có một thực tế, dù đi vào vận hành nhưng hoạt động xử lý tài sản thường không mang về nguồn thu đều đặn, nhất là ở các AMC đang quản lý lượng ít tài sản và thường là các món nợ "khó đòi".
Tại Công ty quản lý nợ và khai thác tài sản ACB (ACBA), tính đến cuối năm 2019, đơn vị này quản lý 5 tài sản xử lý nợ với tổng giá trị là 388 tỷ đồng. Trong đó, một tài sản để xử lý nợ được mua năm 2019 với giá phí là 139 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong năm 2019, ACBA thu về 8,8 tỷ đồng doanh thu và 6,7 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Quy mô vốn điều lệ của ACBA là 340 tỷ đồng.
Kế hoạch hoạt động năm 2020 của ACBA là tập trung bán các tài sản xử lý nợ đang quản lý để thu hồi vốn về và cải thiện lợi nhuận cho ACBA.
Tại MB AMC, một trong các tài sản đơn vị này từng xử lý là phần vốn góp tại MBLand. Trong cả năm 2018, đây cũng là thương vụ quan trọng nhất của MB AMC giúp lợi nhuận đạt được trong năm nay cao gấp 2,4 lần năm 2017.
Năm 2019, Công ty đạt lợi nhuận trước thuế tăng trưởng 18% so với 2018, trong đó doanh số xử lý nợ tăng trưởng 14% và doanh số tư vấn thẩm định tài sản tăng 47% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, tại Techcombank AMC được ngân hàng mẹ Techcombank góp vào 410 tỷ đồng vốn điều lệ. Tuy không công bố kết quả kinh doanh năm 2019 nhưng Techcombank AMC đã đóng góp trực tiếp 1.080 tỷ đồng vào lợi nhuận của Techcombank thông qua thu nợ nhóm khách hàng đã xử lý bằng nguồn dự phòng rủi ro.
Hiện nay, hoạt động mua bán nợ trên thị trường chủ yếu tập trung vào công ty mua bán nợ Việt Nam (DATC) và Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC). Trong khi DATC hỗ trợ quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, VAMC hỗ trợ trực tiếp cho việc xử lý nợ xấu của các ngân hàng.
Vì vậy, nhiều công ty quản lý nợ, khai thác tài sản của ngân hàng ít tham gia thị trường mua bán nợ nên chưa xử lý được nợ xấu thực chất.
Theo báo cáo chiến lược tháng 11 của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho thấy nợ xấu tại 17 ngân hàng thương mại niêm yết tính đến hết quý 3/2020 ở mức hơn 97.280 tỷ đồng, tăng 31% so với cuối năm 2019 và tỷ lệ nợ xấu tương đương 1,8% tổng tài sản.
Tại MB, tổng nợ xấu tại ngày 30/09/2020 tăng 39% so với đầu năm, trong đó nợ có khả năng mất vốn gấp 3,2 lần đầu năm, nợ nghi ngờ tăng 13%. Điều này dẫn đến tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay của MB tăng lên mức 1,5% so với 1,16% hồi đầu năm.
Đáng chú ý, nợ xấu của ACB tăng mạnh từ 1.449 tỷ đồng lên 2.480 tỷ đồng, tương đương tăng hơn 71% kéo tỷ lệ nợ xấu từ 0,54% cuối năm 2019 lên 0,83% vào cuối tháng 9/2020.