Bà Nguyễn Thanh Phượng nắm bao nhiêu cổ phần tại BVBank?
Bà Nguyễn Thanh Phượng, Thành viên HĐQT BVBank là cổ đông cá nhân nắm giữ lượng cổ phần lớn nhất với gần 4,56% vốn tại nhà băng này.
Ngân hàng TMCP Bản Việt (BVBank, mã chứng khoán: BVB) vừa công bố danh sách cổ đông nắm giữ trên 1% vốn điều lệ ngân hàng tính đến ngày 30/7.
Theo thông tin từ BVBank, nhà băng này có 9 cổ đông cá nhân nắm giữ trên 1% vốn điều lệ, không có cổ đông tổ chức. Theo đó, chỉ có 9 cổ đông cá nhân nắm giữ tổng cộng gần 17,8% vốn điều lệ, tất cả đều là các lãnh đạo của BVBank. Nếu tính cả những người có liên quan, tỷ lệ sở hữu của các lãnh đạo BVBank lên đến gần 20%.
Cổ đông nắm giữ lượng cổ phần lớn nhất là bà Nguyễn Thanh Phượng, Thành viên HĐQT, với 22,87 triệu cổ phần, tương đương tỷ lệ sở hữu 4,56% vốn ngân hàng và không có cá nhân liên quan.
Với vị trí Phó Chủ tịch BVBank, bà Phượng không chỉ có vai trò quan trọng trong việc điều hành mà còn là một trong những cổ đông có ảnh hưởng lớn nhất tại BVBank.
Bà Phượng gia nhập BVBank từ năm 2011 với vai trò Thành viên HĐQT. Từ đầu năm 2012 đến tháng 4/2013, bà giữ chức Chủ tịch HĐQT trước khi chuyển giao vị trí này cho ông Lê Anh Tài.
Bà Phượng được giới thiệu tốt nghiệp Cử nhân Kinh tế, chuyên ngành Tài chính - Ngân hàng của trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội và Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh (MBA) của Đại học Quốc tế Geneva - Thụy Sĩ.
Bà Nguyễn Thanh Phượng là người có bề dày kinh nghiệm trong ngành tài chính và ngân hàng. Bà có hơn 17 năm hoạt động trong lĩnh vực quản lý quỹ và ngân hàng đầu tư.
Trước khi gia nhập BVBank, bà từng giữ vị trí Phó Giám đốc tài chính của Công ty Liên doanh Holcim Việt Nam, một trong những nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam lúc bấy giờ. Bà cũng từng là Giám đốc đầu tư của Công ty Quản lý Quỹ Vietnam Holdings Asset Management.
Ngoài vai trò tại BVBank, bà Phượng còn là thành viên sáng lập và Chủ tịch của Công ty Quản lý Quỹ Đầu tư chứng khoán Bản Việt (Viet Capital Asset Management) và Công ty Chứng khoán Bản Việt (Vietcap).
Bà cũng là Thành viên HĐQT của CTCP Bất động sản Bản Việt, CTCP Good Day Hospitality và Công ty TNHH Phoenix Holdings. Phoenix Holdings là một doanh nghiệp đầu tư đa ngành vào các lĩnh vực tài chính, công nghệ, bán lẻ, tiêu dùng, hiện có vốn điều lệ 600 tỷ đồng.
Cá nhân nắm giữ cổ phần lớn thứ 2 tại BVBank là ông Ngô Quang Trung, Thành viên HĐQT, kiêm Tổng giám đốc BVBank, sở hữu 15,68 triệu cổ phiếu, tương đương hơn 3,12% vốn ngân hàng.
Ông Lê Anh Tài, Chủ tịch Hội đồng quản trị, sở hữu 2,86% vốn tại BVBank. Ông Tài đứng thứ ba trong danh sách các cổ đông cá nhân sở hữu từ 1% vốn điều lệ tại nhà băng này.
Ngoài ra, trong danh sách còn có 1 thành viên hội đồng quản trị, 4 phó tổng giám đốc và kế toán trưởng của BVBank cũng nắm giữ trên 1% vốn điều lệ ngân hàng.
Theo báo cáo thường niên đến hết năm 2023, BVBank có 9.546 cổ đông cá nhân, nắm giữ hơn 99,75% cổ phần ngân hàng, trong khi chỉ có 24 tổ chức nắm giữ 0,25% cổ phần.
BVBank hiện nằm trong nhóm ngân hàng có quy mô tài sản dưới 100.000 tỷ đồng. Đến hết quý II/2024, dư nợ cho vay của BVBank đạt gần 59.600 tỷ đồng, tăng nhẹ hơn 3% so với đầu năm.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, BVBank báo lãi trước thuế hơn 150 tỷ đồng, đạt 76% kế hoạch và tăng mạnh so với mức 40 tỷ cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận này tăng chủ yếu do chi phí trả lãi tiền gửi giảm mạnh hơn so với thu nhập từ cho vay, cùng với chi phí hoạt động giảm. Kết quả này cho thấy sự cải thiện hiệu quả hoạt động và chiến lược quản lý tài chính của BVBank.
Tính đến 30/6, tổng tài sản của BVBank đạt gần 90.490 tỷ đồng, tăng 3% so với đầu năm. Tổng nợ xấu tính đến cuối quý II là 2.249 tỷ đồng, tăng 17% so với đầu năm.
Trước đây, các ngân hàng chỉ phải công khai thông tin của cổ đông lớn nắm giữ từ 5% vốn hoặc thông tin của lãnh đạo cùng người có liên quan.
Nhưng theo Luật các tổ chức tín dụng mới, từ 1/7, các ngân hàng cũng phải công khai thông tin cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ. Đồng thời, danh sách người có liên quan, đối với cả cá nhân và tổ chức, cũng được mở rộng hơn nhiều so với trước.
Luật mới cũng giảm giới hạn tỷ lệ sở hữu cho cổ đông là tổ chức (gồm cổ phần cổ đông đó sở hữu gián tiếp) từ 15% xuống 10%; cổ đông và người có liên quan giảm từ 20% xuống 15%.
Trường hợp nhóm này sở hữu cổ phần vượt mức theo quy định mới (tức tỷ lệ sở hữu trước ngày 1/7) vẫn được duy trì nhưng không được phép được phép tăng thêm, trừ trường hợp nhận cổ tức bằng cổ phiếu.