Bắc Giang yêu cầu tăng cường công tác quản lý, phát triển cụm công nghiệp
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang mới đây đã ban hành công văn về việc tăng cường công tác quản lý, phát triển cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn tỉnh.
Cụ thể, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương yêu cầu Sở Công Thương rà soát phương án phát triển CCN đã được phê duyệt, đảm bảo đầy đủ thông tin, tính khả thi, đồng bộ, thống nhất và không chồng lấn với các quy hoạch khác. Sở Công Thương cũng có trách nhiệm đánh giá, tham mưu cho UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện đầu tư, phát triển các CCN. Đồng thời đôn đốc, hướng dẫn, yêu cầu UBND cấp huyện giải pháp quản lý, kế hoạch chuyển đổi đối với các CCN rút ra khỏi quy hoạch.
Đối với các chính sách đã được ban hành liên quan tới CCN, ông Lê Ánh Dương yêu cầu rà soát, đánh giá để kịp thời báo cáo, tham mưu đề xuất điều chỉnh, bổ sung, thay thế. Hằng tháng chủ trì, phối hợp rà soát, kiểm tra, đánh giá tiến độ giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, thu hút đầu tư, quản lý vận hành đối với các CCN. Chủ trì hoặc phối hợp thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật tại các CCN.
Đối với Sở Sở Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang yêu cầu chủ trì, phối hợp nghiên cứu, tham mưu triển khai quy định về hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN và những nội dung khác; hướng dẫn, đôn đốc chủ đầu tư, doanh nghiệp trong CCN thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về đầu tư và quy định khác.
Kiểm tra, đánh giá năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư thứ cấp; định hướng, ưu tiên xúc tiến thu hút dự án có ngành nghề, khả năng liên kết, hỗ trợ nhau vào cùng một CCN; ngành nghề công nghiệp có công nghệ cao, sạch, tiêu tốn ít năng lượng, mang lại giá trị tăng cao, phát triển bền vững. Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc đầu tư và thu hút đầu tư vào các CCN; xử lý nghiêm trường hợp vi phạm, dự án đầu tư chậm đầu tư, không đầu tư theo quy định.
Đặc biệt, công an tỉnh Bắc Giang được nhiệm vụ hướng dẫn, đôn đốc, yêu cầu chủ đầu tư CCN, các doanh nghiệp thực hiện nghiêm các quy định pháp luật hành thuộc lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy. Chủ trì, phối hợp kiểm tra, xử lý, chấn chính việc chấp hành quy định pháp luật về phòng cháy, chữa cháy.
Ngoài ra, Chủ tịch tỉnh Bắc Giang giao cho UBND huyện, thành phố, thị xã tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các CCN trên địa bàn, đặc biệt là các CCN được giao làm chủ đầu tư; thường xuyên kiểm tra, theo dõi hoạt động của chủ đầu tư CCN, các doanh nghiệp trong CCN, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý nghiêm các vi phạm (nếu có), nhất là về lĩnh vực môi trường, đất đai, xây dựng... đảm bảo công tác quản lý, phát triển các CCN trên địa bàn được thực hiện theo đúng quy định.
Bố trí kinh phí, huy động các nguồn lực tập trung đầu tư xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật CCN được giao làm chủ đầu tư, nhất là công trình xử lý nước thải tập trung đảm bảo nước thải được xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành trước khi xả thải ra môi trường.
Hiện nay, tỉnh Bắc Giang có 45 CCN với tổng diện tích 1.728 ha. Trong đó, có 31 CCN đi vào hoạt động, với tổng diện tích 969 ha, diện tích đất công nghiệp theo quy hoạch chi tiết có thể cho thuê là 695 ha, tỷ lệ lấp đầy đạt 81,6%. Các CCN đã thu hút được 232 dự án đầu tư, với số vốn đăng ký hơn 32.765 tỷ đồng, tạo việc làm cho hơn 65.000 lao động, đồng thời giảm áp lực cho các khu vực tập trung khu công nghiệp lớn như Quang Châu, Vân Trung, Song Khê – Nội Hoàng.
Để thu hút nguồn lực cho phát triển, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Giang đã ban hành Nghị quyết số 105-NQ/TU ngày 28/4/2021 về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) trên địa bàn tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021-2025. Đặc biệt, Bắc Giang là địa phương đầu tiên trong cả nước được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh (Quyết định số 219/QĐ-TTg ngày 17/02/2022), đây là điều kiện rất thuận lợi để triển khai thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh nói chung và mục tiêu phát triển công nghiệp nói riêng. Theo đó quy hoạch 10 nghìn ha đất phát triển công nghiệp cho giai đoạn 2021-2030 (với 29 khu công nghiệp với tổng diện tích khoảng 7.000ha, 63 cụm công nghiệp với diện tích hơn 3.000ha).