'Bão giá' nguyên vật liệu và chi phí lãi vay 'bào mòn' lợi nhuận loạt doanh nghiệp xây dựng

Bão giá vật liệu xây dựng ập tới, chi phí lãi vay và sự chững lại của thị trường bất động sản khiến lợi nhuận của các doanh nghiệp xây dựng như Coteccons, Fecon,... bị bào mòn.

Theo khảo sát với 6.799 doanh nghiệp xây dựng được thực hiện bởi Tổng cục Thống kê (GSO), có tới hơn 38% số doanh nghiệp nhận định tình hình sản xuất của các doanh nghiệp xây dựng quý 3/2022 khó khăn hơn quý 2/2022. Trong khi chỉ có 26,8% doanh nghiệp nhận định tình hình quý 3 tốt hơn quý 2

Thực tế, thời gian qua, dù hoạt động thi công đã được khôi phục nhưng “bão” giá nguyên vật liệu ập đến, chi phí lãi vay và sự chững lại của thị trường bất động sản cùng với mặt bằng lãi suất tăng, hạn mức tín dụng bị thu hẹp lại càng khiến lợi nhuận quý 3/2022 và 9 tháng đầu năm tại các doanh nghiệp xây dựng bị bào mòn dần. 

Theo báo cáo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2022 của CTCP Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình (Mã: HBC) ghi nhận doanh thu thuần quý 3/2022 đạt 3.778 tỷ, tăng 80% so với cùng kỳ năm ngoái.

Các chi phí đều gia tăng so với cùng kỳ, đặc biệt là chi phí lãi vay tăng 63% lên 123 tỷ và chi phí quản lý doanh nghiệp đột biến gấp 4,4 lần cùng kỳ lên 153 tỷ do giảm hoàn nhập dự phòng và tăng chi phí khác. Dù doanh tăng song các chi phí leo thang khiến Xây dựng Hoà Bình ghi nhận lãi sau thuế gần 5,5 tỷ quý 3, tương đương cùng kỳ năm ngoái. Lãi ròng đạt hơn 6 tỷ, thấp hơn 55% so với quý 3/2021.

Giá nguyên vật liệu và chi phí lãi vay bào mòn lợi nhuận
Giá nguyên vật liệu và chi phí lãi vay bào mòn lợi nhuận

CTCP Fecon (Mã: FCN) cũng không thể tránh khỏi khó khăn chung của ngành xây dựng.

Cụ thể, trong quý 3/2022, doanh thu thuần của FCN đạt 664 tỷ đồng, giảm 23,5% so với cùng kỳ năm trước và giảm 36% so với quý II/2022. Tuy nhiên, so với cùng kỳ giá vốn bán hàng giảm khoảng 213 tỷ đồng. Theo đó lợi nhuận gộp trong kỳ của FCN đạt 102 tỷ đồng, tăng khoảng 8% so với cùng kỳ và giảm nhẹ so với quý 2 trước đó.

Trong kỳ, chi phí tài chính của FCN tăng mạnh 50,8% so với cùng kỳ lên 55,8 tỷ đồng. Trong đó chủ yếu là chi phí lãi vay. Với việc chi phí lãi vay tăng đã kéo lợi nhuận thuần từ kinh doanh giảm 78,7% so với cùng kỳ về mức 4,9 tỷ đồng.

Kết quả, doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 4,8 tỷ đồng, giảm 80% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, lợi nhuận sau thuế trong kỳ của Fecon giảm mạnh chỉ còn 749 triệu đồng, tức giảm hơn 96% so với cùng kỳ và giảm 90% so với quý 2 trước đó.

Lũy kế 9 tháng, FCN ghi nhận doanh thu thuần đạt 2.205 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ. Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế giảm mạnh 97,1% so với cùng kỳ chỉ còn 2 tỷ đồng.

Giải thích về sự sụt giảm lợi nhuận quý 3 vừa rồi, CEO Nguyễn Văn Thanh của FCN thừa nhận kết quả không như ý, do dư âm của bão giá vẫn còn rất mạnh, khiến chi phí thi công tăng vọt.

Song song đó, chính sách thắt chặt tiền tệ khiến các chủ đầu tư khó khăn, dẫn đến các dự án đang triển khai ở mức độ cầm chừng, nhiều dự án trong kế hoạch đấu thầu cũng dừng lại. Sản lượng và doanh thu vì thế suy giảm hơn so với năm trước.

Lãnh đạo Fecon nhìn nhận đây cũng là thực trạng chung của ngành xây dựng trong giai đoạn qua. Fecon ở lĩnh vực nền móng và hạ tầng ngầm còn “đỡ” hơn các doanh nghiệp trong mảng xây dựng dân dụng – thương mại, vốn đã ít việc lại còn chịu cạnh tranh khốc liệt về giá.

'Bão giá' nguyên vật liệu và chi phí lãi vay 'bào mòn' lợi nhuận loạt doanh nghiệp xây dựng - Ảnh 1

Với CTCP Xây dựng Coteccons (Mã: CTD), quý 3/2022 doanh thu thuần đạt 3.113 tỷ, tăng 191% so với cùng kỳ năm ngoái - giai đoạn đỉnh điểm của dịch COVID-19 và giãn cách xã hội ảnh hưởng nhiều tới tiến độ xây dựng các dự án.

Giá vốn hàng bán lên tới 3.081 tỷ, không tăng tương ứng với tốc độ tăng của doanh thu do giá cả nhân công và nguyên vật liệu tăng cao khiến biên lợi nhuận giảm từ 1,57% cùng kỳ năm ngoái xuống 1,06% kỳ này.

Theo giải trình của Coteccons, giá cả nhân công và nguyên vật liệu tăng cao cùng với việc Ban điều hành chủ động đánh giá và trích lập dự phòng đối với các dự án có rủi ro cao là nguyên nhân khiến biên lãi gộp giảm.

Hơn nữa, quý 3/2022, chi phí quản lý doanh nghiệp (chủ yếu là chi phí dự phòng) tăng 14% lên 103 tỷ khiến công ty lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh gần 37 tỷ. Kết quả, Coteccons lỗ ròng quý 3/2022 hơn 3,5 tỷ đồng. Luỹ kế 9 tháng, Coteccons đạt 8.307 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 34% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ còn 1,8 tỷ sau hai quý thua lỗ, quý 3/2021 có lãi 87,5 tỷ đồng.

Hoàng Long

Theo Sở hữu trí tuệ