Bầu Đức mất quyền phủ quyết, Dũng 'lò vôi' lỗ nặng

Các ông lớn Hoàng Anh Gia Lai, FLC liên tục rút vốn, trong khi doanh nghiệp của Dũng


Bầu Đức liên tục rút vốn

Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai thông báo sẽ bán 80 triệu cổ phiếu của Công ty Cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico) trong thời gian từ 22/3 đến 20/4 cho đối tác chiến lược.

Lần thứ 3 Công ty Hoàng Anh Gia Lai thoái vốn khỏi HAGL Agrico. Ảnh: VNN  
Lần thứ 3 Công ty Hoàng Anh Gia Lai thoái vốn khỏi HAGL Agrico. Ảnh: VNN  
 

Đây đã là lần thứ 3 tập đoàn của Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) thoái vốn khỏi HAGL Agrico từ đầu năm nay. Trước đó, Hoàng Anh Gia Lai lần lượt bán 45,7 triệu và 75 triệu cổ phiếu của HAGL Agrico trong 2 tháng đầu năm.

Tập đoàn của bầu Đức hiện chỉ nắm 29,78% vốn điều lệ HAGL Agrico và con số này sẽ tiếp tục giảm xuống còn 22,57% nếu giao dịch bán 80 triệu cổ phiếu nói trên thành công. Thu được nguồn tài chính lớn về tay nhưng HAGL không còn đủ quyền phủ quyết tại HAGL Agrico (tỷ lệ sở hữu dưới 36%).

Cùng thời điểm này, Hội đồng quản trị HAGL Agrico đã công bố thay đổi Tổng giám đốc kiêm người đại diện công ty.

HAGL Agrico chính thức miễn nhiệm bà Võ Thị Mỹ Hạnh khỏi chức vụ Tổng giám đốc công ty này kể từ ngày 18/3, thay thế là ông Trần Bảo Sơn - một "lão tướng" của Thaco với hơn 2 thập kỷ cống hiến. Ông Sơn hiện là Thành viên Hội đồng quản trị kiêm Phó Tổng giám đốc phụ trách cơ giới hóa của Thaco; Tổng giám đốc Thagrico.

Đây cũng là bước chuyển giao quyền điều hành cao nhất ở HALG Agrico từ đội ngũ của ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) sang đội ngũ của tỷ phú Trần Bá Dương sau khi đích thân ông Trần Bá Dương - Chủ tịch Thaco đã giữ ghế Chủ tịch Hội đồng quản trị HAGL Agrico hồi đầu năm nay.

Công ty của ông Dũng "lò vôi" lỗ gần nửa tỷ mỗi ngày

Ông Huỳnh Uy Dũng (tức Dũng “lò vôi”) là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đại Nam liên tục nhận tin không vui trong bối cảnh đang theo đuổi vụ tố ông Võ Hoàng Yên "ăn chặn" tiền từ thiện.

Đây là điều bất ngờ, bởi ông Dũng lò vôi và ông Võ Hoàng Yên vốn có quan hệ thân thiết và có chung ý tưởng xây chùa, xây trung tâm chữa bệnh miễn phí nhưng nay vợ chồng đại gia Dũng “lò vôi” đã làm đơn tố cáo ông Võ Hoàng Yên vì cho rằng “ăn chặn”. Trong một lần chia sẻ hiếm hoi, ông Võ Hoàng Yên cho rằng, ông Dũng từng coi ông như "máu thịt".

Trong khi vụ việc đang được cơ quan điều tra làm rõ thì những thông tin về hoạt động kinh doanh của ông Dũng lò vôi cho thấy không mấy suôn sẻ.

Mặc dù báo cáo tăng trưởng song công ty của đại gia Dũng lò vôi vẫn báo lỗ liên tục. Suốt từ giai đoạn năm 2016 - tới 2018, công ty báo lỗ sau thuế 51 tỷ đồng. Các khoản phải chi của Đại Nam là quá lớn.

Riêng năm 2017, doanh nghiệp vẫn không thoát khỏi cảnh thua lỗ khi lợi nhuận sau thuế âm tới 105 tỷ đồng.

Năm 2019 chứng kiến sự lao dốc nghiêm trọng về kết quả kinh doanh của Công ty cổ phần Đại Nam. Trong khi nguồn thu giảm 10% về 409 tỷ đồng, xấp xỉ năm 2017, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp âm đến 154 tỷ đồng.

Tính trung bình, chủ khu du lịch lớn nhất Bình Dương mỗi ngày làm ăn thua lỗ 422 triệu đồng.

Lúc này, lỗ lũy kế của Công ty cổ phần Đại Nam đã lớn hơn vốn điều lệ 195 tỷ đồng. Tại thời điểm 31/12/2019, tổng cộng nguồn vốn công ty của ông Dũng “lò vôi” đạt 4.475 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn là 755 tỷ đồng, nợ dài hạn 3.915 tỷ.

FLC không còn là công ty mẹ của Bamboo

Nằm trong dòng thông tin về đầu tư, việc Công ty cổ phần Tập đoàn FLC, tập đoàn của tỷ phú Trịnh Văn Quyết đã giảm tỷ lệ sở hữu vốn tại Công ty cổ phần Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) xuống còn 39,4% tuần qua cũng gây nhiều chú ý.

Với thông tin trên, đồng nghĩa, Bamboo Airways không còn là công ty con của Tập đoàn FLC kể từ ngày 5/2. Nguyên nhân của việc giảm tỷ lệ sở hữu của FLC tại Bamboo Airways đến từ việc hãng bay này tăng vốn điều lệ từ 7.000 tỷ đồng lên 10.500 tỷ đồng.

Ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch Tập đoàn FLC - đồng thời cũng là Chủ tịch Bamboo Airways với hiện đang nắm giữ 372 triệu cổ phần (35,43%) và Công ty Cổ phần Xây dựng FLC Faros nắm 8,57%, là những cổ đông lớn thứ hai, thứ ba của Bamboo.

Do đó, dù không còn là công ty mẹ nhưng Bamboo Airways sau khi tăng vốn vẫn chịu sự chi phối của nhóm cổ đông liên quan đến ông Trịnh Văn Quyết và Tập đoàn FLC.

Đại gia lại gây "sốt" với lan 250 tỷ

Không phải là những hoạt động góp vốn, mua bán cổ phần nhưng một thương vụ mua bán lan var Ngọc Sơn cước trị giá 250 tỷ đồng tại Quảng Ninh cũng đang "gây bão" dư luận tuần qua.

Bầu Đức mất quyền phủ quyết, Dũng 'lò vôi' lỗ nặng - Ảnh 1
Mặt hoa Ngọc Sơn cước. Ảnh: VNN

Mặc dù người được cho là đã mua Ngọc Sơn cước từ chối cung cấp thông tin nhưng trên trang cá nhân lại cập nhật những thông tin về việc nhận chuyển giao 3 cuộc giao dịch lớn với vườn lan Var Đất Mỏ với tổng giao dịch là 288.500.000.000 đồng. Trong đó có 1 cây Ngọc Sơn Cước có giá 250 tỷ đồng, 1 lá non Pleiku giá 20,5 tỷ đồng và 2 lá non Cờ đỏ giá 18 tỷ đồng.

Phía Cục Thuế Quảng Ninh đã xác định được bên thực hiện giao dịch, tuy nhiên để xác minh giao dịch này có thật hay không thì phải chờ cơ quan công an làm rõ.

Cơn "sốt" lan đột biến nổi lên từ nhiều năm trước, năm ngoái tình trạng giao dịch lan đột biến đã lắng xuống, thế nhưng năm nay những giao dịch này lại bùng lên còn mạnh mẽ hơn.

Theo dự báo, những vụ giao dịch thế này có thể sẽ diễn ra tràn lan hơn. Nhiều người tiền ở nhà chưa chắc đã có nhưng  bán nhà, bán xe mua lan, có thể giá trị thu về lại bằng không.

Đáng nói, các thương vụ giao dịch hàng trăm tỷ gây xôn xao này đang diễn ra nhưng lại không thu được thuế. Đại diện Tổng cục Thuế cho biết, các thương vụ bán hoa lan đột biến lên đến vài tỷ hoặc vài chục tỷ gây rúng động dư luận ở Phú Thọ, Hòa Bình trong năm 2020 đều không xác định được giao dịch, hợp đồng nên không thể thu được thuế.

 

Thái An

Theo Đất Việt