Becamex IDC: Lợi nhuận sụt giảm 97%, dòng tiền âm 1.100 tỷ, giá cổ phiếu lao dốc
BCM, mã cổ phiếu của Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp - Becamex IDC từng đạt đỉnh giá ở 97.229 đồng/cổ phiếu vào tháng 9 năm 2022. Đến nay, dù đã giảm xuống giao dịch quanh vùng giá 79.000 đồng/cổ phiếu nhưng BCM vẫn là mã được nhiều nhà đầu tư quan tâm.
Kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2023 của Becamex IDC cho thấy sự ảm đạm rõ rệt khi mà kinh doanh Quý 1 tụt dốc, kéo dài sang cả Quý 2. Đồng thời áp lực lãi vay cũng đang ngày càng đè nặng lên doanh thu của BCM.
Lợi nhuận sau thuế Quý 2 sụt giảm 97%, chi phí lãi vay của BCM đội lên 22%
Theo báo cáo kết quả kinh doanh Quý 2 của BCM, công ty ghi nhận doanh thu ở mức 1.286 tỷ đồng, giảm tới 33,2% so với cùng kỳ. Tỷ lệ sụt giảm doanh thu thấp hơn so với mức 44,8% của Quý 1 trước đó. Chi phí giá vốn chiếm 558,9 tỷ đồng, lợi nhuận gộp của công ty đạt 727,1 tỷ đồng với biên lãi gộp được gia tăng từ 49,6% lên 56,5%.
Đáng chú ý đó là doanh thu hoạt động tài chính trong kỳ sụt giảm từ 69 tỷ xuống chỉ còn 10,3 tỷ đồng, tương đương với tỷ lệ giảm tới 85,1%. Nguyên nhân là bởi công ty không còn ghi nhận khoản lãi lớn từ việc chia cổ tức tại các công ty con như Quý 2 năm ngoái.
Chi phí lãi vay của BCM có chiều hướng gia tăng, tăng từ 220,5 tỷ lên 269 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ tăng 22%. Như vậy, chỉ tính riêng trong Quý 2, chi phí lãi vay của BCM đã tăng thêm tới 48,5 tỷ đồng so với cùng kỳ.
Điều đáng lưu ý đó là dù doanh thu sụt giảm nhưng công ty không tiết kiệm được chi phí bán hàng cùng chi phí quản lý doanh nghiệp. Cả hai loại chi phí này đều tăng gần gấp đôi, lên lần lượt 252,1 tỷ và 124,4 tỷ đồng.
Lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp của Becamex IDC sau khi trừ đi các chi phí và thuế còn lại 31,6 tỷ đồng, giảm tới 97% so với cùng kỳ. Và nếu so sánh với chi phí lãi vay mà công ty này phải trả thì nguồn lợi nhuận này chưa bằng 1/7 tiền lãi công ty phải chi ra.
Mỗi ngày trả lãi vay 2,5 tỷ đồng, dòng tiền âm 1.110,2 tỷ
Tính tới hết ngày 30/6/2023, tổng tài sản của Becamex IDC đạt 48.811,5 tỷ đồng. Trong đó tiền mặt công ty nắm giữ giảm mạnh 62%, xuống còn 406,6 tỷ đồng. Tiền gửi tại ngân hàng cũng ghi nhận giảm hơn 100 tỷ, xuống chỉ còn 335,5 tỷ đồng. Điều này cho thấy sự thay đổi cơ cấu tài sản mạnh mẽ của công ty trong thời gian qua, tiềm lực tài chính, minh chứng bằng nguồn tiền mặt vững mạnh đã có sự suy chuyển.
Trong khi đó, lượng tài sản nằm dưới dạng phải thu trong cơ cấu tài sản lại chiếm lượng tương đối lớn, lên tới 5.439,4 tỷ đồng. Đi kèm với đó là hàng tồn kho đang chiếm 21.600,8 tỷ đồng.
Công ty cũng đang ghi nhận đầu tư 15.949,3 tỷ đồng vào các công ty con. Cần phải lưu ý rằng trong Quý 2, BCM không ghi nhận nguồn lợi chia cổ tức từ các công ty con lớn như trước, dẫn đến việc doanh thu tài chính sụt giảm mạnh. Nên nguồn tài sản này cũng đang chưa thể hiện hoạt động hiệu quả trong Quý 2.
Cơ cấu nguồn vốn của BCM cho thấy công ty đang đi vay nợ ngắn hạn 6.264 tỷ đồng. Lượng nợ vay ngắn hạn đang có xu hướng gia tăng tới gần 1.300 tỷ so với đầu năm. Nợ vay dài hạn chiếm khoảng 9.718,5 tỷ đồng. Như vậy, tổng nợ vay của BCM đã lên tới gần 16.000 tỷ đồng trong khi vốn chủ của công ty hiện đang ở mức 17.936,7 tỷ đồng.
Trong báo cáo lưu chuyển tiền tệ hợp nhất của BCM, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của công ty âm tới 1.110,2 tỷ đồng. Đáng chú ý trong đó là công ty ghi nhận chi phí lãi vay lên tới 460,3 tỷ đồng, tương ứng với việc mỗi ngày công ty đang phải trả 2,5 tỷ đồng tiền lãi vay, chưa kể các chi phí khác. Trong khi đó nguồn lợi nhuận trước thuế trong 6 tháng đầu năm lại chỉ ở mức 164,8 tỷ đồng.