Bị cáo buộc chiếm đoạt 3.600 tỷ đồng, Trịnh Văn Quyết đã nộp khắc phục hậu quả bao nhiêu?
Ngoài bị can Trịnh Văn Quyết, các bị can khác cũng đã nộp tiền khắc phục hậu quả, số tiền nhiều/ít khác nhau.
Theo cáo trạng vừa công bố, bị can Trịnh Văn Quyết là chủ mưu, quyết định, chỉ đạo toàn bộ việc mua và đổi tên công ty thành Công ty Faros. Đồng thời dùng Faros làm công cụ để chỉ đạo Doãn Văn Phương, Trịnh Thị Mai Huế cùng đồng phạm nâng khống vốn điều lệ từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng.
Sau khi tăng vốn, Trịnh Văn Quyết đưa 430 triệu cổ phiếu ROS lên niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM, chỉ đạo việc mua bán cổ phiếu, chiếm đoạt 3.621 tỷ đồng.
Theo cáo trạng, ông Trịnh Văn Quyết khai nhận các hành vi phạm tội đã nêu, và tự nguyện nộp khắc phục hậu quả 189,6 tỷ đồng.
Bà Trịnh Thị Minh Huế trực tiếp nhận chỉ đạo từ Quyết thực hiện, điều hành toàn bộ hoạt động nâng khống vốn góp tại Faros, hoàn thiện thủ tục niêm yết, trực tiếp điều chuyển dòng tiền. Minh Huế cũng là người nhờ các cá nhân đứng tên, ký chứng từ.
Trịnh Thị Minh Huế bị cáo buộc giúp Trịnh Văn Quyết chiếm đoạt 3.621 tỷ đồng. Huế khai nhận hành vi phạm tội, đã tự nguyện nộp khắc phục hậu quả 100 triệu đồng.
Hương Trần Kiều Dung không nộp tiền góp vốn, không nhận tiền vay của FLC Faros nhưng được Quyết giao cho ký hợp đồng nhận chuyển nhượng, giấy nộp tiền góp vốn để sở hữu 52,35 triệu cổ phần.
Sau khi FLC Faros niêm yết, Dung trả lại một phần cho Quyết, một phần khác để Huế bán trên sàn. Hương Trần Kiều Dung đã tự nguyện nộp khắc phục hậu quả số tiền 200 triệu đồng.
Nhiều hơn cả số tiền Hương Trần Kiều Dung nộp, bị can Nguyễn Thiện Phú nộp khắc phục hậu quả gần 260,6 triệu đồng.
Bị can Lê Thành Vinh, người từng được Quyết giao là Chủ tịch Hội đồng thành viên công ty Faros, nộp khắc phục hậu quả số tiền hơn 597,5 triệu đồng...