Chủ tịch Vietjet Air áp sát top 40 phụ nữ giàu nhất thế giới
Cổ phiếu VJC tăng trần phiên thứ hai liên tiếp, Chủ tịch Vietjet Air Nguyễn Thị Phương Thảo vươn lên vị trí 1.310 trong danh sách những người giàu nhất thế giới và đứng thứ 42 trong nhóm các nữ tỷ phú toàn cầu.
Phiên giao dịch 23/7, cổ phiếu VJC của Công ty Cổ phần Hàng không Vietjet (Vietjet Air) vừa mở đã tăng hết biên độ, đạt 108.800 đồng/cp. Dù đã “tím trần”, mã này vẫn hút dòng tiền mạnh. Lực cầu chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, kết phiên giao dịch, cổ phiếu VJC ghi nhận dư mua 2,6 triệu đơn vị, trong đó có 2 triệu cổ phiếu được kê mua tại giá trần.

Dưới góc nhìn kỹ thuật, cổ phiếu VJC đang phát đi những tín hiệu tích cực khi xuất hiện dòng tiền đột biến. Trong bối cảnh hiện tại, mã này hoàn toàn có khả năng chạm mốc 118.000 đồng/cp – mức đỉnh của năm 2024.
Với mức giá hiện tại, giá trị vốn hóa thị trường của Vietjet Air đã đạt 58.927 tỷ đồng tương đương hơn 2,2 tỷ USD. Đồng thời, tài sản của bà Nguyễn Thị Phương Thảo – Chủ tịch HĐQT Vietjet Air – cũng ghi nhận mức tăng đáng kể. Hiện bà Thảo đang nắm giữ tổng cộng 202,4 triệu cổ phiếu VJC, bao gồm 47,47 triệu cổ phiếu sở hữu trực tiếp và gần 155 triệu cổ phiếu thông qua Công ty TNHH Đầu tư Hướng Dương Sunny. Tính theo thị giá, khối cổ phần này có giá trị khoảng 22.016 tỷ đồng.
Theo bảng xếp hạng thời gian thực của Forbes, tài sản của bà Nguyễn Thị Phương Thảo hiện đạt 3 tỷ USD, xếp thứ 1.310 trong danh sách những người giàu nhất thế giới và đứng thứ 42 trong nhóm các nữ tỷ phú toàn cầu. Chỉ trong một ngày, giá trị tài sản của bà đã tăng thêm 265 triệu USD, tương đương hơn 7.200 tỷ đồng.

Đà tăng của cổ phiếu VJC được thúc đẩy bởi thông tin Vietjet Air được Bộ Xây dựng phê duyệt trúng thầu hai dự án bảo dưỡng tàu bay tại sân bay Long Thành, với tổng mức đầu tư khoảng 1.500 tỷ đồng. Hai dự án bao gồm hạng mục xây dựng và kinh doanh dịch vụ bảo dưỡng máy bay số 3 và số 4, dự kiến sẽ hoàn thiện trong năm nay và chính thức đưa vào khai thác từ năm 2026. Thời gian khai thác kéo dài đến hết ngày 31/12/2050.
Theo phương án đề xuất, trong 5 năm đầu tiên kể từ khi vận hành, Vietjet Air sẽ nộp ngân sách Nhà nước ở mức 0,05% doanh thu (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng). Từ năm thứ 6 trở đi, mức nộp tối thiểu sẽ tăng lên 2% doanh thu và tiếp tục tăng thêm 2,5% mỗi năm trên phần tối thiểu này.
Về kết quả kinh doanh, trong quý I/2025, Vietjet Air ghi nhận doanh thu hợp nhất đạt 17.952 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận trước thuế đạt 836 tỷ đồng. So với kế hoạch năm gồm 81.674 tỷ đồng doanh thu và 2.200 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, Vietjet Air đã hoàn thành khoảng 22% kế hoạch doanh thu và 38% kế hoạch lợi nhuận chỉ sau một quý.
Sự thăng hoa của cổ phiếu VJC không chỉ phản ánh kỳ vọng từ nhà đầu tư, mà còn gợi nhắc đến "niềm tự hào" mà Chủ tịch Nguyễn Thị Phương Thảo từng chia sẻ tại kiện Techcombank Investment Summit 2025 vừa qua. Theo nữ tỷ phú, kể từ thời điểm IPO, Vietjet Air đã trải qua một hành trình tăng trưởng mạnh mẽ, vươn lên trở thành một trong những doanh nghiệp tư nhân niêm yết có tầm ảnh hưởng nhất trên thị trường.
"Những nhà đầu tư đi cùng chúng tôi từ ngày đó đến nay đã chứng kiến giá trị cổ phiếu tăng khoảng 5 lần. Còn những ai đồng hành từ thời điểm sớm hơn, khoảng 5 năm trước đó, mức tăng trưởng đã lên tới gần 100 lần", bà Thảo cho hay.