Biếu Tết nội ngoại 5 hay 10 triệu: Đừng để Tết thành gánh nặng
Câu chuyện biếu Tết nội ngoại không chỉ đơn giản là vấn đề tài chính, mà còn là văn hoá, truyền thống báo hiếu tốt đẹp. Chuyên gia tài chính cá nhân lưu ý rằng, nếu gặp khó hãy cùng nhau chia sẻ vấn đề này với bố mẹ để Tết không trở thành gánh nặng
Lăn tăn chuyện biếu tiền Tết bố mẹ
Mới đây, trên một cộng đồng về tài chính cá nhân, bạn độc giả dấu tên có chia sẻ về chủ đề biếu tết nội ngoại. Cụ thể, bạn độc giả cho biết, vợ chồng đi làm ăn xa, một năm về nhà thăm ông bà nội ngoại cũng chỉ 1-2 lần, mọi năm vẫn duy trì thói quen biếu Tết bố mẹ hai bên 15-20 triệu, chưa tính việc lì xì, quà cho họ hàng…
Tuy nhiên, năm nay do công việc làm ăn kém thuận lợi, phát sinh nhiều khoản nợ, thậm chí để có tiền về quê ăn Tết khả năng phải vay thấu chi. Bạn độc giả cũng chia sẻ, hoàn cảnh bố mẹ hai bên không phải khó khăn, nhưng cũng không dư giả, làm ra được bao nhiêu là tiêu vào chi phí sinh hoạt chứ không dành đụm được.
Chính vì vậy, bạn độc giả băn khoăn việc có nên biếu Tết ông bà nội ngoại hai bên và nếu có thì khoảng bao nhiêu là phù hợp trong hoàn cảnh hiện tại.
“5 triệu, 7 triệu hay 10 triệu mỗi bên. Biếu thì lo áp lực tài chính, mà không thì cũng thấy băn khoăn”, bạn độc giả thông tin thêm.
Câu chuyện nêu trên nhận được rất nhiều sự quan tâm và chia sẻ của các thành viên trong cộng đồng Tài chính cá nhân. Người thì cho rằng, năm nay khó khăn không biếu, thì sang năm kinh tế tốt hơn biếu bố mẹ cũng không sao, bạn thì quan điểm có ít biếu ít, có nhiều biếu nhiều, quan trọng là tình cảm gia đình.
Có bạn độc giả thì nêu quan điểm, cứ chia sẻ trao đổi với bố mẹ trước để mọi người biết được những khó khăn của mình đang gặp phải, đồng thời hỏi xem bố mẹ có những khoản nào phải chi trong dịp Tết để cả nhà cùng lo.
“Không bố mẹ nào gây áp lực tài cho cho con cái về nhà ăn Tết cả”, một bạn độc giả khẳng định.
Trong hoàn cảnh tương tự, chị Nguyễn Thanh Thuý (34 tuổi) quê Thái Nguyên chia sẻ, vợ chồng chị năm 2023 mua căn nhà tại Hà Nội và sau đó phải đối mặt với một số khoản nợ, khiến tài chính gia đình gặp khó, không có khoản tiền dư nào để biếu Tết bố mẹ hai bên.
Chị Thuý kể, dù hai vợ chồng đã chủ động chia sẻ thẳng thắn với cả hai bên gia đình, nhưng phản ứng nhận được lại rất khác nhau. Trong khi bên ngoại thể hiện sự cảm thông và thấu hiểu, thì bên nội lại có những lời trách móc ngầm và so sánh với anh chị em khác trong gia đình.
“Gặp khó khăn tài chính nên mới phải như vậy, nhưng không phải lúc nào cũng nhận được sự đồng cảm như mong đợi. Hai vợ chồng về ăn Tết nhưng đôi lúc rất chạnh lòng”, chị Thuý tâm sự.
"Đừng để Tết thành gánh nặng"
Trao đổi với Đầu tư Tài chính, ThS Đỗ Thu Hồng, Chuyên gia Hoạch định tài chính cá nhân FIDT cho rằng, ở góc độ tài chính cá nhân, đây là tình huống khá phổ biến nhiều vợ chồng xa quê về ăn Tết gặp phải, đặc biệt trong bối cảnh chung thu nhập, việc làm của các gia đình trong xã hội còn nhiều khó khăn như hiện nay.
Với trường hợp của độc giả dấu tên nêu trên, việc phải vay thấu chi để có tiền biếu Tết sẽ chỉ khiến gánh nặng tài chính ngày càng lớn. Thay vào đó, cặp vợ chồng nên chủ động trao đổi thẳng thắn với bố mẹ về tình hình tài chính hiện tại.
“Thực tế, không bố mẹ nào muốn con cái phải gánh nặng nợ nần chỉ để biếu Tết cho mình cả”, ThS Hồng nói thêm.
Về lâu dài, tương lai là bất định, để tránh rơi vào tình huống khó xử như vậy, ThS Đỗ Thu Hồng khuyên rằng, các gia đình trẻ nên có kế hoạch tài chính từ sớm. Cụ thể, ngay từ đầu năm, có thể trích một phần thu nhập hàng tháng vào tài khoản tiết kiệm riêng cho khoản biếu Tết. Ví dụ với mức biếu dự kiến 5-7 triệu mỗi bên, số tiền cần để riêng mỗi tháng sẽ khoảng 1-1,2 triệu đồng. Con số này không quá lớn nếu được phân bổ đều trong 12 tháng.
Ngoài ra, có thể cân đối các khoản chi Tết và sắp xếp chúng theo thứ tự ưu tiên. Trong đó, biếu bố mẹ nên được xếp vào nhóm chi tiêu thiết yếu và lên kế hoạch trước. Các khoản chi khác như quà tặng họ hàng, mua sắm Tết, quà ngày lễ sinh nhật… có thể linh hoạt tùy theo khả năng tài chính. Đặc biệt, cần tránh xa các hình thức vay tín chấp lãi suất cao hay sử dụng thẻ tín dụng quá mức trong dịp Tết.
Cũng theo ThS Đỗ Thu Hồng câu chuyện biếu Tết bố mẹ không đơn thuần chỉ là vấn đề tài chính, mà còn liên quan đến những kỳ vọng văn hóa, truyền thống và quan niệm khác nhau giữa các gia đình.
Tuy nhiên, các bạn trẻ vẫn nên giữ vững quan điểm không nên cố gồng mình vượt quá khả năng tài chính. Thay vào đó, cần kiên nhẫn và khéo léo trong việc trao đổi, giải thích với gia đình, đồng thời thể hiện sự quan tâm, hiếu thảo bằng những cách thức phù hợp với điều kiện của mình.
Một kế hoạch tài chính lành mạnh không chỉ đơn thuần là việc cân đối thu chi, mà còn phải tôn trọng và phản ánh được những giá trị văn hóa, tinh thần của gia đình. Đồng thời, các quyết định tài chính cũng cần được đặt trong bối cảnh rộng hơn của cuộc sống, nơi sự bền vững về tài chính đi đôi với sự bền vững trong các mối quan hệ gia đình.
“Ý nghĩa đích thực của Tết không nằm ở con số biếu tết hay phong bao lì xì, mà là ở khả năng chúng ta tạo dựng được một nền tảng tài chính vững chắc để những giá trị tinh thần và sự gắn kết gia đình có thể được duy trì và phát triển bền vững trong tương lai”, vị chuyên gia của FIDT nêu quan điểm.