Bluechip hụt hơi, dòng tiền tìm tới cổ phiếu ngách
Trong bối cảnh nhóm bluechip hụt hơi do sự sụt giảm của thanh khoản, cổ phiếu ngách tiếp tục nối dài nhịp tăng giá.
Mặc dù “bùng nổ” mạnh trong tuần trước đó, tuy nhiên thị trường chứng khoán không thể nối tăng trong tuần giao dịch 9-13/12. Chỉ số VN-Index đóng cửa quanh mốc 1.262 điểm, giảm gần 10 điểm so với cuối tuần trước. Đồng thời, thanh khoản cũng sụt giảm đáng kể, trung bình đạt khoảng 13 nghìn tỷ đồng/phiên.
Do sự sụt giảm của thanh khoản, nhóm cổ phiếu bluechip không thể bứt phá. Trái ngược với nhóm vốn hóa lớn, nhóm cổ phiếu “ngách” tiếp tục hành trình tăng giá trong tuần qua.
Trên sàn HoSE, cổ phiếu VCA của Công ty CP Thép Vicasa - VNSTEEL tiếp tục giữ vị trí "quán quân" tăng trưởng. Sắc tím lan toả thêm 4 phiên, mã này đã lập chuỗi 11 phiên tăng liên tiếp.
Tuy nhiên, trong phiên cuối tuần, ngay sau khi tăng trần và chạm đỉnh lịch sử 18.800 đồng, áp lực bán tăng cao đã đẩy cổ phiếu VCA giảm sàn, về mốc 16.400 đồng/cp.
Dù vậy, so với tuần trước, mã này vẫn tăng tới 21,48%. Tính theo mức giá 16.400 đồng/cp, vốn hóa của doanh nghiệp thép này đạt gần 250 tỷ đồng.
Ngôi vị "á quân" danh sách cổ phiếu tăng mạnh gọi tên HTN của Công ty CP Hưng Thịnh Incons với đà tăng 19,85%. Tính theo mức giá 9.660 đồng/cp, vốn hóa của doanh nghiệp đạt hơn 860 tỷ đồng.
Nhịp tăng mạnh diễn ra ngay sau khi cổ phiếu HTN “”rơi” về quanh mức 7.000 đồng/cp, vùng giá đáy kể từ khi cổ phiếu này được niêm yết trên sàn chứng khoán. Mặc dù hồi phục mạnh, tuy nhiên HTN vẫn còn cách vùng đỉnh hồi tháng 8 gần 7%.
Dưới góc độ kỹ thuật, xu hướng giảm điểm của cổ phiếu này vẫn chưa kết thúc. Trong thời gian tới, cổ phiếu này có thể sẽ xuất hiện những nhịp “test đáy”.
Xếp thứ 3 trong là cổ phiếu KDC của Công ty CP Tập đoàn KIDO với mức tăng 15,4%. Tính theo mức giá 57.700 đồng/cp, vốn hóa của KIDO đạt hơn 16,7 nghìn tỷ đồng.
Tương tự như HTN, nhịp tăng mạnh của KDC cũng diễn ra sau khi cổ phiếu này “trượt” dài về quanh vùng 50.000 đồng/cp - vùng đáy năm 2023. Nhịp hồi phục của cổ phiếu KDC diễn ra cùng với thời điểm doanh nghiệp chốt danh sách cổ đông để tổ chức ĐHĐCĐ bất thường 2024.
Tại Đại hội, Kido cũng xin ý kiến cổ đông về giao dịch bán cổ phần do doanh nghiệp tại Công ty CP Thực phẩm đông lạnh Kido (Kido Foods). Trước đó, trong năm 2023, Kido đã chuyển nhượng hơn 17,8 triệu cổ phần tương ứng 24,03% vốn của KIDO Foods cho đối tác với giá 1.069 tỷ đồng, tương ứng định giá công ty này ở mức khoảng 4.450 tỷ đồng.
Với đà tăng 13,89% so với tuần trước, cổ phiếu AGM của Công ty CP Xuất nhập khẩu An Giang là cổ phiếu tăng mạnh thứ 4 trong nhóm. Chốt tuần, cổ phiếu AGM đóng cửa tại mức giá 3.690 đồng/cp. Tính theo mức giá này, vốn hóa của doanh nghiệp đạt hơn 67 tỷ đồng. Đáng chú ý, thanh khoản của cổ phiếu trong 2 phiên 12 - 13/12 bất ngờ tăng vượt mức trung bình đạt hơn 600.000 đơn vị.
Xếp thứ 5 là cổ phiếu MDG của Công ty CP Miền Đông với đà tăng 12,92%. Mặc dù ghi nhận diễn biến tích cực về giá, tuy nhiên cổ phiếu này lại không được giao dịch thường xuyên. Tính theo mức giá 11.800 đồng/cp, vốn hóa của doanh nghiệp đạt hơn 121 tỷ đồng.
Các vị trí tiếp theo của top 10 cổ phiếu tăng mạnh nhất sàn HoSE lần lượt là: TCO (+12,17%), VRC (+12,11%), CTI (+11,44%), FIR (+9,82%), CLC (+9,82%).
Ngược lại, top 10 mã giảm mạnh nhất sàn là: PMG (-12,4%), GEE (-8,13%), HRC (-7,95%), TDW (-7,47%), HNA (-7%), TVS (-6,9%), TNC (-6,58%), CMG (-6,24%), DC4 (-6,22%), SSC (-6,21%).
Nhóm cổ phiếu ngách tiếp tục tỏa sáng trên HNX và UPCoM
Trên sàn HNX, top 10 cổ phiếu tăng mạnh nhất là TTL (+58,51%), DST (+28,13%), KSV (+24,91%), HHC (+22,81%), ARM (+20,39%), PGN (+18,28%), DAD (+12,9%), S99 (+10,96%), ATS (+10,71%), TMB (+10,61%).
Trong nhóm trên, cổ phiếu KSV của Tổng Công ty Khoáng sản TKV có phẩn nổi bật hơn hẳn khi vượt đỉnh cùng với thanh khoản tăng mạnh. Đà tăng mạnh của cổ phiếu KSV diễn ra trong bối cảnh doanh nghiệp ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực.
Theo đó, tổng doanh thu hợp nhất 11 tháng của công ty đạt 11.968 tỷ đồng, dự kiến cả năm đạt 13.327 tỷ đồng. Lợi nhuận 1.117 tỷ đồng, cả năm đạt 1.296 tỷ đồng. Ước tính lợi nhuận năm 2024 của KSV tăng gấp nhiều lần so với năm 2023 với LNTT đạt 234 tỷ và LNST đạt 160 tỷ đồng.
Ngược lại, top 10 cổ phiếu giảm mạnh nhất là PCG (-17,31%), BXH (-17,13%), VC6 (-17,03%), LDP (-11,97%), NHC (-11,46%), DNC (-10,6%), MAC (-10%), PPE (-9,49%), DC2 (-9,21%), SMN (-9,09%).
Trên sàn UPCoM, top 10 cổ phiếu tăng mạnh nhất là PEG (+67,39%), MTA (+33,33%), GLW (+31,25%), LTC (+28,57%), BBH (+26,77%), LG9 (+26,56%), STT (+25%), SD2 (+24%), BCA (+23,76%), HTT (+23,08%).
Trong nhóm này, cổ phiếu BCA của Công ty CP B.C.H là cổ phiếu được giao dịch nhiều nhất, tuy nhiên thanh khoản cũng chỉ ở mức thấp, trung bình dưới 15 nghìn đơn vị mỗi phiên. Về các mã còn lại tần suất giao dịch chỉ ở mức nhỏ giọt, thanh khoản gần như bằng không.
Ở chiều ngược lại, top 10 cổ phiếu giảm mạnh nhất gồm có: TTG (-39,76%), MRF (-38,58%), HBD (-36,57%), QNT (-34,69%), NTC (-33,33%), UPH (-27,5%), USD (-22,78%), LOS (-22,22%), TRT (-20%), TNB (-18,1%).