Bộ Công an đề nghị 8 ngân hàng cung cấp hồ sơ liên quan Trịnh Văn Quyết cùng nhiều lãnh đạo FLC

Ông Trịnh Văn Quyết bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01) truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Thao túng thị trường chứng khoán, theo Điều 211 Bộ luật Hình sự.

Để điều tra vụ án thao túng chứng khoán, Bộ Công an đề nghị 8 ngân hàng cung cấp hồ sơ liên quan Trịnh Văn Quyết cùng nhiều lãnh đạo FLC gồm:

Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCB); Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank); Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank); Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPbank); Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV); Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB); Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB), Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) đề nghị phối hợp cung cấp hồ sơ mở tài khoản, sao kê tài khoản, sổ phụ tài khoản, chứng từ giao dịch để phục vụ công tác điều tra vụ án

Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết.  
Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết.  

Trước đó, Tạp chí Chất lượng và cuộc sống đã đưa  tin, ngày 29/3, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tống đạt các quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với ông Trịnh Văn Quyết về tội danh nêu trên. Đồng thời, tổ chức khám xét chỗ ở, nơi làm việc tại 21 địa điểm đối với các đối tượng liên quan. Tiếp đó Cơ quan điều tra Bộ Công an khởi tố, bắt giam 2 em gái của ông Trịnh Văn Quyết là Trịnh Thị Thúy Nga, Phó tổng giám đốc Công ty Chứng khoán BOS, và Trịnh Thị Minh Huế, thành viên Ban kế toán Tập đoàn FLC.

Hành vi thao túng thị trường chứng khoán của vị Chủ tịch Tập đoàn FLC bị xác định được thực hiện từ đầu tháng 12/2021 kéo dài đến phiên giao dịch ngày 10/1/2022. Trong phiên giao dịch ngày 10/1, ông giao dịch bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC nhưng không báo cáo, không công bố thông tin trước khi thực hiện giao dịch. Đến chiều tối ngày 10/1/2022, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước mới nhận được Báo cáo số 31/SGDHCM-GS đề ngày 10/1/2022 của Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM về vi phạm này.

Ông Quyết bị cáo buộc đã chỉ đạo nhiều người thân trong gia đình và một số người khác điều hành nhân viên CTCP Chứng khoán BOS và các công ty con sử dụng khoảng 20 tài khoản chứng khoán của 11 tổ chức để thực hiện việc làm giá. Những cá nhân này thông đồng với nhau liên tục mua, bán chứng khoán FLC với tần suất lớn nhằm tạo ra cung cầu giả tạo để đẩy giá lên cao.

Vị Chủ tịch Tập đoàn FLC cùng những người giúp sức đã tham gia 28/28 phiên giao dịch, số lượng đặt mua chiếm 12% và số lượng đặt bán chiếm 7% tổng khối lượng thị trường. Hành vi tạo cung cầu giả của nhóm Trịnh Văn Quyết đã đẩy giá cổ phiếu FLC từ hơn 14.000 đồng/cổ phiếu ngày 1/12/2021 liên tục tăng, thậm chí tăng “trần” nhiều phiên và phiên tăng “trần” cao nhất là 24.000 đồng/cổ phiếu. Giá cổ phiếu FLC đã được nhóm của bị can Quyết làm “ảo thuật” tăng hơn 64%.

Tổng số tiền bị can Quyết thu về sau khi bán chui cổ phiếu là gần 1.700 tỷ đồng, hưởng lợi bất chính hơn 530 tỷ đồng.

Điều đáng nói, sau vụ bán cổ phiếu gây chấn động vào tháng 1/2022, thời điểm này tài khoản của ông Trịnh Văn Quyết bị cấm giao dịch nhưng ông Quyết vẫn tiếp tục có hành vi thao túng, đẩy giá cổ phiếu.

Hoàng Hiệp

Theo Chất lượng và Cuộc sống