Bộ Công Thương đề xuất ý kiến bình ổn giá xăng dầu
Nếu giá xăng dầu tiếp tục diễn biến phức tạp thì bên cạnh kết hợp Quỹ Bình ổn giá xăng dầu và điều hành bằng thuế, cần tiếp tục áp dụng các công cụ khác để kịp thời hỗ trợ người dân.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhiều vấn đề ở lĩnh vực công thương, trong đó các ý kiến tập trung xoay quanh giá xăng dầu tăng cao.
Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Đại Thắng (Hưng Yên) nêu một loạt vấn đề: giá xăng dầu thế giới tăng cao; Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn hạn chế sản xuất; giá nhập khẩu xăng dầu tăng lên, nhiều đầu mối phải giảm chiết khấu, nhiều doanh nghiệp không bán hàng cũng lỗ, không đủ bù chi phí; nhiều cửa hàng treo biển hết xăng, găm hàng chờ tăng giá... Bộ có giải pháp gì trong thời gian tới?
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, giá xăng dầu thế giới và Việt Nam giống như bình thông nhau, nếu giá thế giới tăng thì ở Việt Nam cũng tăng, nhưng nhờ có Quỹ bình ổn, giá ở Việt Nam tăng thấp hơn. “Quỹ bình ổn cũng có hạn, hiện chỉ còn trên dưới 600 tỷ đồng. Tại một số doanh nghiệp quỹ này đang âm, nhưng trước mắt phải trích ra rồi bù sau. Quỹ bình ổn không còn nữa thì chúng tôi đề xuất giảm thuế môi trường để giá xăng giảm. Nhưng nếu giá thế giới tiếp tục tăng cao thì cần phải tiếp tục nghiên cứu các thuế, phí khác. Nếu tiếp tục tăng nữa thì các bộ, ngành có lẽ phải dùng quỹ an sinh, bình ổn, hỗ trợ từ ngân sách, thuế doanh nghiệp…”, ông Diên cho biết.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Chính phủ cần xây dựng kịch bản đảm bảo an toàn, an ninh năng lượng, đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho sản xuất và tiêu dùng trong mọi tình huống, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.
Cần có những giải pháp tổng thể, kịp thời, căn cơ để giải quyết những vướng mắc của nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn. Đồng thời xem xét trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan đối với việc không thực hiện đầy đủ cam kết trong các hợp đồng về đầu tư, kinh doanh.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị nghiên cứu đề xuất mở rộng, nâng cao năng lực dự trữ xăng dầu, nhất là dự trữ quốc gia, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Thực hiện công khai, minh bạch và có giải pháp tách bạch giữa dự trữ quốc gia và dự trữ lưu thông của doanh nghiệp. Tiếp tục điều hành giá xăng dầu bám sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.
Tiếp tục rà soát và điều chỉnh các loại thuế, phí, các yếu tố cấu thành giá cước mở, các định mức hao hụt, định mức chi phí, định mức lợi nhuận… cấu thành trong công thức tính giá cơ sở mặt hàng xăng dầu cho phù hợp với thực tế, góp phần kiểm soát giá xăng dầu nếu giá xăng dầu tiếp tục tăng cao.
Sử dụng hợp lý Quỹ Bình ổn giá xăng dầu phù hợp với diễn biến cung cầu xăng dầu, góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống của người dân.