Bước chuyển quan trọng của Coteccons
Năm tài chính 2024, Coteccons ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất đạt 21.045 tỷ đồng, trong đó mảng xây dựng công nghiệp chiếm hơn 50%. Đây là diễn biến đánh dấu bước chuyển đổi quan trọng từ xây dựng dân dụng sang xây dựng công nghiệp của doanh nghiệp này.
Chiều 18/9, Coteccons (HoSE: CTD) đã tổ chức buổi đối thoại với nhà đầu tư với sự tham gia của Chủ tịch HĐQT Bolat Duisenov, CEO Võ Hoàng Lâm và Giám đốc điều hành Trần Ngọc Hải.
Chuyển dịch trọng tâm
Một trong những nội dung đáng chú ý nhất là kết quả kinh doanh năm tài chính 2024 vừa kết thúc. Theo đó, trong năm này, Coteccons ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất 21.045 tỷ đồng, tăng 30,8% so với năm tài chính 2023 và hoàn thành 105% kế hoạch. Lợi nhuận sau thuế đạt 299,5 tỷ đồng, tăng 343,3% so với năm tài chính 2023, hoàn thành 104% kế hoạch.
Đây là kết quả tốt nhất của CTD kể từ khi ông Bolat Duisenov nắm quyền đồng thời cũng là thành tích tăng trưởng ấn tượng nhất của một doanh nghiệp xây dựng trong năm vừa qua.
Cơ cấu doanh thu năm tài chính 2024 cho thấy sự vượt trội của mảng xây dựng công nghiệp với tỷ trọng hơn 50%. Trong khi đó, mảng xây dựng dân dụng chiếm hơn 40% và khoảng 5% là mảng xây dựng du lịch – nghỉ dưỡng.
Nhìn vào cơ cấu trên, có thể thấy Coteccons đã chuyển đổi trọng tâm sang xây dựng công nghiệp, thay vì xây dựng dân dụng như trước kia. Điều này cho thấy nhiều ý nghĩa.
Một là Coteccons đã bước đầu đạt được sự cân bằng về nguồn thu, không lệ thuộc vào mảng xây dựng dân dụng như thời kỳ trước, qua đó tạo lập sự ổn định về kinh doanh. Đây là điều rất quan trọng, bởi thị trường bất động sản được nhìn nhận là chưa vượt qua khủng hoảng, đơn hàng còn hạn chế và nhiều chủ đầu tư vẫn gặp khó về dòng tiền, có thể gây rủi ro tài chính cho nhà thầu.
Hai là Coteccons đã đạt được điểm đột phá quan trọng về năng lực. Nguyên do là các dự án xây dựng công nghiệp mà Coteccons có được hầu hết đến từ khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) – những khách hàng “khó tính” bậc nhất thị trường.
CEO Võ Hoàng Lâm đánh giá: “Không phải công ty nào cũng đáp ứng được yêu cầu của chủ đầu tư ngoại. Công ty phải đi đầu về con người, văn hóa, máy móc trang thiết bị mới đáp ứng được. Bởi vậy, đây là sự khẳng định cho vị trí của Coteccons trên thị trường xây dựng Việt Nam”.
Ba là kết quả trên phản ánh quá trình tái cơ cấu của Coteccons đã đi đúng hướng. Chủ tịch Coteccons Bolat Duisenov chia sẻ: “Những gì có được hôm nay là thành quả của 18 – 20 tháng trước. Tôi muốn nhắc lại là từ 3 năm trước, chúng tôi đã quyết định dịch chuyển trọng tâm từ dân dụng sang công nghiệp. Quyết định này bây giờ mới chứng minh được bằng những thành quả”.
Thị trường nước ngoài đã đóng góp doanh thu
Cũng liên quan đến câu chuyện doanh thu, nếu xét theo địa bàn thì 99% doanh thu năm tài chính 2024 đến từ thị trường nội địa. Điều này có nghĩa là các hoạt động của Coteccons tại nước ngoài vẫn còn hạn chế, dẫu đã bắt đầu đóng góp doanh thu.
Được biết, tháng 10/2023, Coteccons đã công bố nghị quyết HĐQT về việc đầu tư ra nước ngoài dưới hình thức thành lập công ty con là Coteccons Constructions Inc với số vốn đầu tư là 5 triệu USD (khoảng 125 tỷ đồng) để thực hiện các hoạt động liên quan đến xây dựng. Cuối tháng 3/2024, Coteccons cũng quyết định thành lập văn phòng đại diện tại Indonesia để tham gia đấu thầu và thực hiện dự án tại thị trường này.
Mới đây nhất, ngày 15/8, Coteccons thông qua thành lập mới công ty con để đầu tư ra nước ngoài khi thực hiện các hoạt động liên quan đến xây dựng và chỉ định Chủ tịch HĐQT Bolat Duisenov là người đại diện theo uỷ quyền duy nhất của Coteccons tại công ty con.
Chia sẻ về thực trạng hoạt động tại thị trường nước ngoài chưa đóng góp nhiều về doanh thu cho Coteccons, ông Bolat Duisenov cho biết công ty chủ trương “đi chậm mà chắc”.
“Tuần trước, tôi đã có chuyến công tác ở Mỹ. Trải nhiệm của tôi là đội ngũ Coteccons làm việc cật lực, nhưng lại quá chú trọng chuyện thắng thầu. Tôi thấy có sự mất kết nối giữa đội ngũ tại Mỹ và Coteccons tại Việt Nam. Điều đó làm tôi lo lắng, vì chúng tôi không muốn quá nóng vội, có dự án bằng mọi giá, không mang được văn hóa Coteccons sang thị trường nước ngoài. Hiện tại, doanh thu tại Mỹ là vài triệu USD, nhưng chúng tôi sẽ không vì con số này mà mất đi nền tảng đã xây dựng”, ông nói.
Chia sẻ thêm về vấn đề phát triển ở nước ngoài, Giám đốc điều hành Trần Ngọc Hải cho biết Coteccons có hai hướng đi. Một là theo chân các chủ đầu tư trong nước có dự án ở nước ngoài. Hai là tự lực mở rộng ra. “Chúng tôi đang đấu thầu một số dự án ở nước ngoài, với nhiều hình thức: tự đấu thầu, liên doanh với nhà thầu địa phương…”, ông Hải nói.
Ông Hải cũng nhấn mạnh: “Việc đi ra ngoài với nhà thầu Việt Nam rất khó khăn, do khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ, địa lí, môi trường kinh doanh. Tuy nhiên, với đội hình hiện tại, chúng tôi sẽ thực hiện được chiến lược đi ra nước ngoài. Dù vậy, giai đoạn ban đầu, chúng tôi sẽ đi chậm, quản lý chắc chắn, hạn chế rủi ro cho công ty”.
Triển vọng kinh doanh 2025 khá sáng
Thông tin về kế hoạch kinh doanh năm tài chính 2025, ông Trần Ngọc Hải cho biết backlog của Coteccons hiện đạt hơn 30.000 tỷ đồng; riêng cho năm 2025 là hơn 22.000 tỷ đồng. Đây là con số ấn tượng, đảm bảo nền tảng doanh số cho công ty trong năm tới đây.
Về tình hình tài chính, cụ thể là nợ xấu, ông Hải cho biết lũy kế tới năm 2024, Coteccons đã trích lập dự phòng khoảng 1.400 tỷ đồng, riêng năm 2024 trích lập 275 tỷ đồng, hoàn nhập dự phòng 70 tỷ đồng.
“Kế hoạch trích lập năm tới sẽ được tính toán và thông báo tại đại hội đồng cổ đông thường niên 2025. Nhưng tôi chắc chắn con số trích lập năm tới sẽ nhỏ hơn rất nhiều”, ông Hải nói.
Ông cũng cho hay công ty đã có bộ phận thu hồi công nợ, có kế hoạch làm việc với các chủ đầu tư. Khi thu hồi được nợ, lợi nhuận của công ty sẽ được nâng lên.
Ông Bolat Duisenov cũng bổ sung thêm rằng: “Khi có nợ khó thu hồi, chúng tôi sẽ lập dự phòng. Đó là cách làm cơ bản. Nhìn chung, sức khỏe tài chính của công ty vẫn ổn”.